Giá đường tăng cao nhất trong 4 năm là điều kiện để các nhà máy tăng giá mía cho nông dân, khôi phục những vùng mía đã giảm trong những năm qua - Ảnh: ANH CAO
Theo Bộ Công thương, có 11 trong tổng số 14 doanh nghiệp gửi hồ sơ tham gia đấu giá đảm bảo đủ, đúng các tiêu chí hợp lệ để tham gia phiên đấu giá. Trong đó, có 9 doanh nghiệp tham gia đấu giá nhập khẩu đường thô và 2 doanh nghiệp tham gia đấu giá đường tinh luyện.
Kết quả có 7 doanh nghiệp trúng đấu giá với tổng số 97.000 tấn đường. Hai doanh nghiệp trúng đấu giá nhập khẩu 21.000 tấn đường tinh luyện là Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Bến Tre (20.000 tấn) và Công ty cổ phần thực phẩm CJ Cầu Tre (1.000 tấn).
Năm doanh nghiệp trúng đấu giá nhập khẩu 76.000 tấn đường thô gồm Công ty cổ phần Đường Việt Nam (20.000 tấn); Công ty cổ phần Đường Quảng Ngãi (20.000 tấn); Công ty cổ phần Thành Thành Công - Biên Hòa (16.000 tấn); Công ty TNHH MTV Đường TTC Biên Hòa - Đồng Nai (16.000 tấn) và Công ty TNHH MTV Đường Biên Hòa - Ninh Hòa (4.000 tấn).
Doanh nghiệp trúng đấu giá quyền sử dụng hạn ngạch nhập khẩu đường sẽ nhập khẩu ở những thị trường có thuế thấp, trước đây thường là Thái Lan.
Ngày 15-6-2021, Bộ Công thương đã ban hành quyết định 1578/QĐ-BCT áp dụng thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp chính thức đối với một số sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Vương quốc Thái Lan. Do vậy, nếu doanh nghiệp trúng đấu giá nhập khẩu đường từ Thái Lan thì vẫn phải chịu thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp chính thức.
Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), giá đường thế giới đang ở mức cao nhất trong bốn năm gần đây cộng với chi phí vận chuyển quốc tế cũng đang ở mức rất cao. Theo đó, giá đường trong nước sẽ tiệm cận với giá đường trong khu vực và giá đường Thái Lan nhập khẩu có đóng thuế chống phá giá, chống trợ cấp.
Hiện giá đường trong nước bán tại nhà máy đã lên mức trên dưới 20.000 đồng/kg.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận