12/04/2020 14:21 GMT+7

Giá đôi mắt

QUỐC BÌNH
QUỐC BÌNH

TTO - Tôi có sở thích mua tranh khi thấy thích, và đa số… để đó. Mấy ngày bị corona "nhốt", có thời gian mang tranh ra treo, bỗng nhớ cô L..

Giá đôi mắt - Ảnh 1.

Bức tranh chân dung cô L. của họa sĩ Dương Bích Liên - Ảnh: Q.B. chụp lại

Một buổi sáng, tôi nhận cuộc gọi của cô L. từ Thụy Điển. Giọng buồn buồn, cô nói: "B. lấy bức tranh chân dung của cô đi, cô để rẻ cho con thôi. Cô muốn lấy tiền làm từ thiện". 

Nói chuyện với cô xong, tôi dè dặt lấy hình bức tranh gửi cho người bạn thân là họa sĩ. Bạn gọi lại tức thì, giọng chùng xuống như không muốn người xung quanh nghe thấy: "Lấy... ngay! Bức này làm lại cái khung bán hơn ba mươi ngàn đô đấy!". 

Tôi nói: "Ừ, nhưng tao với cô thân quen hơn chục năm, tao lấy mà đem bán lại kiếm lời thì kỳ lắm". Hơn tuần sau, cô L. gọi lại nói đã có người mua bức tranh. Một bác ở Hà Nội chuyển cho cô năm mươi ngàn đô với lời nhắn "Tôi yêu quý bức tranh nên mua, giữ làm kỷ niệm".

Ngày ấy, cô L. vang danh Hà thành với cái cổ thanh tao, tràn ngập niềm vui sống với bạn trai ngoại quốc danh giá. Giữa thời bao cấp khốn khó, cuộc sống cô L. là giấc mơ của biết bao người. Rất nhiều họa sĩ muốn vẽ chân dung, nhưng cô toàn kêu "vớ vẩn". 

Một hôm, không hiểu sao cô lại lạc vào căn gác của họa sĩ Dương Bích Liên. Ông nằn nì "Để chú vẽ cháu…", và cô gật đầu. Vừa soạn cọ, ông Liên vừa kêu bạn gái: "Đứng đó làm gì, đi mua hoa quả cho nó ăn".

Ngày đông, chưa kịp ngồi ấm chỗ thì bức tranh đã xong. Họa sĩ cuộn bức tranh đưa tặng mẫu, vừa lúc bạn trai nước ngoài của cô L. đến đón. Anh muốn gửi họa sĩ ít tiền, nhưng ông nhất định không nhận. 

Chắc do văn hóa phương Tây nên chàng vẫn ngại, cố gắng nằn nì: "A, hay bác thích gì để tôi mua biếu". Dương Bích Liên suy nghĩ một chút rồi nhỏ nhẹ: "Nếu chú có… phômai thì cho tôi xin một mẩu". Bức tranh chân dung với đôi mắt buồn hun hút của cô L. có lịch sử… ngắn như vậy.

Cô L. làm bánh ngon tuyệt. Mỗi khi về Sài Gòn, cô lại làm bánh cho tôi ăn. Lần nào đưa bánh cô cũng cười, mắt lấp loáng nước. Hôm đầu tiên thấy bức tranh, tôi hơi sững lại thảng thốt, tự hỏi tại sao lúc đó họa sĩ đã nhìn ra được "đôi mắt" của hơn bốn mươi năm sau? 

Không ai ngờ cuộc sống đáng mơ ước của cô L. lại tràn ngập nỗi đau và nước mắt. Cái chết bất ngờ của chồng rồi của con đẩy cô đối diện những cơn mất ngủ triền miên, những cơn trầm cảm, song cô phải gượng dậy bươn chải một mình giữa vùng đất xa lạ, đầy tuyết, lạnh lẽo nhất nhì thế giới.

Mọi người hay nói "phố Phái, gái Liên". Thật vậy, với tôi, ở Việt Nam vẽ thiếu nữ đầy chất thơ, bàng bạc nao lòng nhất chỉ là Dương Bích Liên.

Mặc dù nổi danh khá sớm, họa sĩ chưa một lần triển lãm chính thức, chưa một lần xuất ngoại. Xa lạ với đám đông, hội hè và nghi lễ, trên căn gác nhỏ của ông chỉ có chiếc giường đơn để ông cô độc rong chơi cùng giá vẽ, cùng hờn tủi, lận đận... 

Chẳng màng mấy đến những sáng tạo hay của mình, thậm chí có việc ra ngoài ông đều không khóa cửa. Trước lúc mất, ông thì thầm "Cô đơn là số phận của đời tôi" và mong được đốt hết những bức tranh đã vẽ. Phải chăng vì buồn, vì cô đơn mà ông nhìn ra được cái buồn, cái cô đơn của người khác?

Vài tuần sau nghe tin em bán tranh, anh trai của cô L. ghé lên nhà bác "yêu quý bức tranh" hỏi mua lại. Bác ấy nói bức tranh giá một trăm sáu mươi ngàn đô.

Họa sĩ Lê Việt Hồng đạo tranh của họa sĩ Dương Bích Liên Họa sĩ Lê Việt Hồng đạo tranh của họa sĩ Dương Bích Liên

TT - Hơn một năm sau khi tác phẩm nổi tiếng của danh họa Dương Bích Liên được đăng trang bìa tạp chí Văn Nghệ Cà Mau với tên tác giả khác, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Cà Mau tiến hành họp làm rõ vụ việc.

QUỐC BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên