Phóng to |
Qua giải thích vụ việc ở đập thủy điện Sông Tranh 2, người dân chưa biết tin ai - Ảnh: Tấn Vũ |
TTO trích đăng một số ý kiến của bạn đọc:
Đúng là bệnh giả dối đã gây nhức nhối trong xã hội. Dẫu biết rằng giả dối là một tật xấu và đó là nguyên nhân phát sinh nhiều căn bệnh khác làm xói mòn đạo đức và niềm tin của con người, làm cho xã hội suy thoái, thế tại sao người ta vẫn cứ giả dối? Bệnh giả dối không phải là truyền thống của dân tộc ta! Vậy, bệnh giả dối đã bắt đầu từ khi nào và do đâu mà nó hình thành và phát triển? Xin những người Việt Nam chân chính, biết tự trọng cùng nhau góp ý và tìm biện pháp đẩy lùi bệnh dối trá!
Nếu bạn là người sống cùng một nhóm người nào đó, bạn không giả dối là bạn khó an toàn. Cách nhìn nhận này là tiêu cực, nhưng nó thật sự đang phổ biến nhiều nơi, nếu không muốn nói là chủ đạo trong nhiều mối quan hệ kinh tế - xã hội ngày nay. Quan điểm này một phần xuất phát từ văn hóa lúa nước của ta. Tập quán sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp của ta cho thấy rằng muốn tốt hơn phải thuận theo điều kiện thiên nhiên, ý trời. Người ta gieo trồng, thu hoạch và rồi tận hưởng thành quả lao động đều theo mùa, vụ, nắng, mưa và theo ý cộng đồng.
Từ đây, tính cách của ta trọng sự hài hòa, thuận theo yếu tố khách quan bên ngoài hơn là phải đấu tranh để thay đổi nó. Trong nhiều trường hợp, điều này tạo thuận lợi cho cá nhân vì không khác người và dễ khơi gợi sức mạnh cộng đồng. Trong nhiều trường hợp khác, điều này làm mất khả năng sáng tạo, khả năng tự hoàn thiện mình vì còn bị hạn chế tầm nhìn và góc nhìn cũng như khả năng phản biện - cãi trời.
Họ đánh đổi sự bực bội cá nhân để đổi lấy sự hứa hẹn an toàn từ người khác. Và như thế, cứ như thế, vẫn như thế và mãi mãi như thế. Ông bà có nói sự thật mất lòng. Chỉ khi nào dám chấp nhận đau, chúng ta mới có sự thật. Hãy thay đổi, hãy chấp nhận đau để cùng tiến bộ nếu không thì "thật" ơi, ta xin chào mi!
* Tôn vinh sự ngay thẳng
Đây là thực trạng hiện nay trong xã hội. Thực tế ta thấy có nhiều người lừa nhau mà sống, ai lừa được nhiều hơn thì thu được lợi bất chính càng nhiều nhưng không bị trừng phạt: xăng bị làm dỏm, cho công nhân ăn đồ thối, thực phẩm thiếu an toàn... Pháp luật ta quá nương tay. Trong xã hội, ai đóng kịch tốt, càng tinh vi thì càng được... "kính trọng". Trong khi đó người ngay thẳng, thật thà thì lắm lúc bị chèn ép.
Bởi vậy, cái vô cảm, vô tâm có đất để sinh sôi, nảy nở. Xã hội đen tung hoành, giữa thanh thiên bạch nhật đi chém người, trấn áp và cướp bóc. Phải nhìn thẳng vào sự thật, phải tôn vinh sự ngay thẳng, cái thật, nhất là có sự gương mẫu từ cấp trên.
* Cường điệu hóa cũng là giả dối
Tôi thấy hiện nay người ta có thói quen thích cường điệu hóa mọi thứ. Cách nay vài năm tôi có xem chương trình “Vườn cổ tích” của VTV, chỉ trong vòng 10 phút tôi thấy cả người dẫn chương trình và các cháu thiếu nhi lặp đi lặp lại các nhóm từ “rất là”, “rất chi là”, vô cùng”… khoảng 15 lần.
Nào là “mụ phù thủy vô cùng độc ác”, nào là "bạn A rất chi là giỏi”, “bạn B rất là thông minh”… Tại sao chúng ta lại phải cường điệu hóa mọi thứ bằng việc liên tục dùng các từ: rất là, rất chi là, vô cùng... Khi nghe hoặc đọc các đoạn văn sử dụng nhiều các từ loại này tôi có cảm giác người nói (hay viết) không nói đúng sự thật, 10 phần thì có đến 5 phần giả dối.
Tôi nói: Có thể chữa được: Vấn đề là có quyết tâm dám làm hay không? Đừng bao che, đừng bưng bít, hãy lắng nghe sự thật từ người dân sẽ hiểu. Tôi xin trích 1 câu ngạn ngữ nước ngoài, để chúng ta cùng suy ngẫm: "Bạn có thể lừa dối vài người mãi mãi, bạn có thể lừa dối mọi người một lúc nào đó, nhưng bạn không thể lừa dối mọi người mãi mãi được".
Không chỉ riêng tôi mà hầu như tất cả mọi người dân trên đất nước Việt Nam chúng ta ai cũng hiểu cũng biết đâu cũng có giả dối, cũng chạy, xin... Chủ trương của Đảng và Nhà nước thì luôn đúng, nhưng nhiều người thực thi chủ trương ấy thì lại đi đường vòng làm nảy sinh việc không nghiêm minh trung thực. Vậy những người ấy có vi phạm pháp luật hay không? Theo tôi là quá vi phạm và vi phạm đặc biệt nghiêm trọng nữa là đằng khác.
Chúng ta phải đến lúc chữa trị nghiêm minh triệt để bởi căn bệnh đó đã đến lúc di căn rồi, nên không thể để thêm ngày một ngày hai nữa mà phải làm ngay. Làm từ trên xuống dưới, phải hết sức nghiêm minh, minh bạch để trả lại cái nét văn hoá vốn có của nó là sự chân thật. Bởi nếu có chân thật thì người dân mới tin mới yên, lúc đấy mới gọi là phát triển bền vững. Lòng dân mà thuận thì đất nước sẻ thịnh, xã hội mới tiến tới đựơc công bằng, văn minh.
Đừng để mọi sự lẫn lộn khi cái thật không tin lại tin sự giả dối.
Xã hội đang ngầm chạy. Nạn chạy chức, chạy quyền, chạy bằng, chạy tiền, chạy dự án, chạy tội, chạy án, chạy công, chạy huy chương, chạy thành tích, chạy trường, chạy thầy, chạy điểm, chạy việc, chạy hộ khẩu, sổ đỏ, số đẹp... Có thể thấy một bức tranh động về một dòng sông đen giả dối đang chảy ngầm trong mọi ngóc ngách của đời sống xã hội. Nguyên nhân vì đâu? Có lẽ câu hỏi đó dành cho nhà quản trị, nhà nghiên cứu xã hội học.
Căn bệnh dối trá đã vào giai đoạn di căn, nó làm xói mòn niềm tin. Mất tiền là mất ít, mất người là mất nhiều, nhưng mất niềm tin là mất tất cả! Do vậy đã đến lúc ngăn chặn, tiêu diệt nạn dối trá này một cách rất thật. Nếu không thì sự dối trá sẽ mãi còn là nguy cơ lớn nhất của mọi nguy cơ làm suy yếu nguyên khí của quốc gia.
Mời bạn đọc tham gia diễn đàn này dưới dạng các bài phản ảnh, bình luận, phân tích... Bài vở gửi về địa chỉ báo Tuổi Trẻ - 60A Hoàng Văn Thụ, quận Phú Nhuận, TP.HCM hoặc email [email protected] hoặc trong phần Ý kiến bạn đọc dưới đây. Cám ơn. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận