Tuy nhiên ba mẹ con họ vẫn mạnh mẽ nương tựa vào nhau để vươn lên và con cái ham học với ước mơ đổi đời...
Ảnh hưởng bởi chất độc da cam khiến đôi chân chị Võ Thị Kiều (45 tuổi, xã Hưng Khánh Trung A, huyện Mỏ Cày Bắc, Bến Tre) teo từ nhỏ và hai đứa con một gái, một trai không thể phát triển như người bình thường.
Gian nan kiếm đồng lẻ từ vé số
Họ được hàng xóm gọi vui là gia đình tí hon, bởi chiều cao chỉ khoảng 1m trở lại, chị Kiều thậm chí chỉ cao vài tấc. Đôi chân co lại, bàn chân cong vào nhau, ngón chân cọ vào làm mắt cá chân bị phù lên, đau nhức khiến ba mẹ con đi đứng nặng nhọc và khó khăn.
Sau khi chồng bỏ đi vào năm con trai út Võ Minh Lâm mới 3 tuổi và con gái lớn Võ Ngọc Cẩm Ly 5 tuổi, chị Kiều một mình bán vé số nuôi hai con, cũng là cái nghề duy nhất mà chị làm từ trước tới nay.
Nhớ lại chuyện xưa, chị trải lòng hồi mới sinh hai đứa nhỏ hoàn toàn bình thường. Lên 2 tuổi thì phát hiện chân con đi ngày càng cong. Lo lắng, vợ chồng cố đem con đi chạy chữa nhiều nơi nhưng đều thất bại vì đây là dị tật di truyền.
"Hai đứa nhỏ lớn lên học hành bình thường, chỉ duy nhất cái chân là bị tật giống tôi" - chị nhìn sang hai con đang ngồi chơi kế bên, tâm sự.
Cẩm Ly và Minh Lâm dần lớn lên trong tình thương của mẹ và ông bà ngoại. Hai con dẫu không lành lặn nhưng điều làm người mẹ này thấy an ủi là chúng biết nghe lời và ham học, đặc biệt cô bé Cẩm Ly rất hiểu chuyện.
Từ hồi lớp 1, Ly đã chủ động đòi theo mẹ bán vé số để mẹ đỡ cực. Hiện mỗi ngày sau khi đi học về, Ly cùng mẹ đi bán đến 9h tối.
"Nó đi mau lẹ hơn tui nên lên xe khách bán được, vô quán nhậu, quán cà phê, cây xăng bán người ta thấy thương cũng cho luôn tiền thừa mua vé số. Có nó theo bán mau hết hơn, mình tui thì đi chậm. Hai mẹ con lúc nào cũng đi chung chứ không để bé nó đi bán một mình", chị Kiều nói.
Do chân cong cộng thêm trọng lượng cơ thể đè xuống nên mấy mẹ con phải đi rất chậm, một lúc lại đau nhức. Từ nhà ra điểm bán vé số chỉ 400m nhưng họ đi bộ... nửa tiếng mới tới. "Bữa nào gặp người quen cùng đường thì được cho quá giang tới chỗ bán.
Thường thì bán hết do người ta cũng thương tình, hết sớm thì chia lại của mấy người bán dạo khác để bán thêm. Mưa quá thì mới ế hoặc không đi bán được", chị cho hay. Thi thoảng một số nhà hảo tâm biết hoàn cảnh đã cho gạo, đồ ăn, tiền để mấy mẹ con trang trải cuộc sống.
Tiền lời bán vé số được 130.000 đồng/ngày, cộng thêm trợ cấp từ địa phương 750.000 đồng/tháng, mấy mẹ con chắt chiu đắp đổi qua ngày. Chị em bé Ly đều được giảm một nửa học phí và miễn đóng bảo hiểm.
Gánh nặng oằn vai mẹ nhưng vui vì con hiểu chuyện
Di chuyển khó khăn, hai đứa nhỏ không thể tự đi bộ đến trường cách nhà mấy cây số nên hằng ngày chị Kiều phải thuê hai chiếc xe ôm đưa rước các con đi học sáng lẫn chiều. Còn bản thân chị trước giờ toàn đi bộ, nhà chẳng có nổi chiếc xe ba bánh dành cho người khuyết tật.
"Tiền xe ôm mỗi đứa khoảng 200.000 đồng một tuần, chưa kể tiền cho tụi nhỏ bỏ túi đi học ăn quà bánh", chị cho biết.
Năm năm nay, mẹ chị Kiều bị tai biến nằm một chỗ, ba chị ở sát nhà quanh quẩn cơm nước cho bà và cho hai cháu ngoại ăn nếu hôm nào chị đi bán về trễ. Ông bà được địa phương cất cho căn nhà tình thương và trợ cấp 1 triệu đồng/tháng.
Thương ông bà, sau giờ trưa đi học về Cẩm Ly thường chạy sang đút cơm cho bà ngoại. Cô bé 12 tuổi cũng phụ mẹ quét nhà, nấu cơm, rửa chén, giặt đồ. "Bữa nào nó đi bán vé số được người ta cho tiền thì không xin mẹ", chị Kiều chia sẻ.
Còn Minh Lâm, cậu nhóc 10 tuổi dẫu chưa hiểu chuyện như chị mình nhưng được cái ngoan ngoãn, không vòi vĩnh mẹ mua đồ chơi. Đi học về, em quẩn quanh trong nhà chơi với chị. Có hôm thì ra trước nhà chơi banh với mấy bạn trong xóm.
Do ngoại hình Lâm, chị Kiều lo lắng bởi con trai đang có dấu hiệu khó di chuyển hơn. "Lúc nào mệt quá đi không nổi thì nó bò bằng hai đầu gối", người mẹ nói.
Một mình cáng đáng nhưng nhìn hai con ham học, khỏe mạnh, biết thương mẹ, chị Kiều thấy an ủi. "Chịu học lắm, nhiều khi kẹt công chuyện kêu xin cô cho nghỉ học một bữa mà hai đứa không chịu nghỉ".
Con mơ làm nhà khoa học, làm lính cứu hỏa
Đôi lúc mấy mẹ con không tránh khỏi chạnh lòng khi nghe Ly đi học về khóc với mẹ, tủi thân bảo trong lớp bị bạn bè chọc ghẹo ngoại hình và gia cảnh. Nhưng thương mẹ vất vả, Ly vẫn tập trung học hành để đỡ đần cho mẹ.
Từ nghèo khó, Ly nói mình muốn vươn lên để thoát ra, không phải bán vé số dãi nắng dầm mưa. Và em đã có ước mơ cho mình.
"Con thích đi học lắm, muốn lớn lên làm khoa học tại vì hồi lúc học môn khoa học con biết trả lời những câu hỏi khó mà các bạn chưa nghĩ ra. Con sẽ ráng học giỏi để kiếm tiền nuôi mẹ, ông bà ngoại, em con", Ly vui vẻ tâm sự ước mơ. Còn Minh Lâm, ở độ tuổi lên 10, nói mình thích học toán, muốn sau này làm lính cứu hỏa giúp mọi người.
Với chị Kiều, người mẹ chỉ học đến lớp 2 tâm sự dẫu khó khăn trăm bề vẫn muốn lo cho con học tới nơi tới chốn, không để con bỏ học giữa chừng, "nghèo càng phải cho nó đi học để ra đời không thua thiệt người ta".
Đơn thân nuôi hai con, nhiều năm nay người mẹ này chỉ mong mình có sức khỏe, dành dụm được tiền để lo cho cha mẹ và con cái ăn học. Chị đang mong có được một chiếc xe máy cũ cho người khuyết tật để đi bán vé số, có tiền sống qua ngày. "Đó giờ tui đi bộ chậm quá, đi phải nhích từng chút. Đi về nhiều lúc thở không nổi".
Bà Thanh Thúy, hàng xóm chị Kiều, cho biết ở xóm ai cũng biết hoàn cảnh nhà chị Kiều. "Tui cũng hay qua lại, nhiều khi có đồ ăn hay cái gì đó cũng đem qua cho ba mẹ con. Thấy thương hai đứa nhỏ lắm", bà Thúy tâm sự.
Ông Nguyễn Văn Mồi, tổ phó ấp Gia Khánh (xã Hưng Khánh Trung A), cho biết gia đình chị Kiều thuộc hộ nghèo của địa phương, ai cũng thương hoàn cảnh khi ba mẹ con chị đều tật nguyền, cha hết tuổi lao động, mẹ bệnh nằm một chỗ, em trai chị bị tai nạn lao động mù một mắt.
"Địa phương luôn quan tâm, hỗ trợ gia đình qua trợ cấp hằng tháng cho người khuyết tật, quà cáp, gạo cho người nghèo", ông Mồi nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận