10/05/2006 05:07 GMT+7

Gia đình "Robinson" trên hoang đảo

 HỒ VĂN
 HỒ VĂN

TT - Chỉ cách ánh đèn rực rỡ của thị trấn An Thới và thị trấn Dương Đông, huyện đảo Phú Quốc (Kiên Giang) vài giờ chạy ghe nhưng hòn Mây Rút đến giờ vẫn là một hoang đảo.

UaBrdJx0.jpgPhóng toCheo leo kiếp sống Robinson - Ảnh: HỒ VĂNTT - Chỉ cách ánh đèn rực rỡ của thị trấn An Thới và thị trấn Dương Đông, huyện đảo Phú Quốc (Kiên Giang) vài giờ chạy ghe nhưng hòn Mây Rút đến giờ vẫn là một hoang đảo.

Nơi hoang đảo ấy một đại gia đình với nhiều thế hệ sống khép mình với thế giới bên ngoài mà người dân huyện đảo gọi họ là gia đình “Robinson”. Hai vợ chồng già hơn 44 năm chưa một lần đặt chân về đất liền kể từ ngày ra đảo, nay sáu người con của họ cũng đang tiếp tục sống kiếp Robinson.

Vượt trùng khơi lập nghiệp

Bây giờ với nhiều người ở huyện đảo Phú Quốc, hòn Mây Rút vẫn còn là một hoang đảo, nhưng mấy ai biết gia đình ông Bảy Yên - gia đình mà họ gọi là gia đình “Robinson” ấy - đã khai khẩn thành một hòn đảo cực kỳ đẹp. Những bãi cát vẫn còn nguyên vẻ hoang sơ với làn nước trong vắt.

Những ghềnh đá ngầm ẩn hiện với những bãi san hô chết trắng bờ. “Nhiều lần có mấy ông khách ăn mặc lịch sự hình như là từ Sài Gòn xuống gạ gẫm chúng tôi thuê bãi, mua đất làm gì đó nhưng chúng tôi kiên quyết không bán” - vợ ông Bảy Yên cho biết.

Ông Bảy Yên lại kể thêm: “Nhiều lần tôi phải vừa đuổi vừa dọa mấy đoàn du lịch tây có ta có đến đảo. Họ tìm tới các ghềnh đá ngầm tắm truồng (tắm tiên), chướng mắt lắm”. Không những từ chối khách du lịch, ông còn từ chối cả tiền tỉ của những công ty, những đại gia làm du lịch từ các thành phố lớn tìm tới...

Khác xa với trí tưởng tượng của chúng tôi về một hòn đảo hoang sơ, ở đây đảo xanh rợp bóng dừa và có lẽ đây là hòn đảo có nhiều dừa nhất ở huyện đảo Phú Quốc. “Dừa này tôi trồng hồi mới đặt chân lên đảo. Chúng có tuổi đời 44 năm rồi đấy” - ông Phạm Văn Bảy (sau đây gọi là “Robinson” Bảy Yên) bắt đầu câu chuyện về gia đình “Robinson” của mình như thế.

Ông Bảy không nhớ chính xác ngày tháng mình lên ghe vượt biển tìm tới hoang đảo mà chỉ biết lúc ấy ông đã ở độ tuổi 42. Đó là những năm của thập niên 1960, hai vợ chồng ông cùng với mấy đứa con sống ở Rạch Đùng, xã Mong Thọ, huyện Châu Thành (Kiên Giang). Những năm ấy chiến tranh ác liệt, bảy người con trong gia đình lần lượt qua đời. Đứa chết do bom mìn đạn lạc, đứa chết do bệnh tật không thuốc thang chữa bệnh vì nghèo.

“Hai vợ chồng tôi đau đớn nhưng chẳng tìm được lối thoát khỏi cuộc sống túng quẫn ấy. Lại thêm tụi “lính quốc gia” luôn tìm vào xóm bắt lính, tôi phải trốn chui nhủi hằng đêm” - “Robinson” Bảy Yên nhớ lại. Thế là ông quyết định để lại vợ và hai đứa con còn sống rồi một mình ra đi tìm cuộc sống mới cho gia đình. Ông quá giang một ghe cá vượt trùng khơi với lời hẹn: “Bà ơi, tui sẽ trở lại đón bà và các con”.

Sau mấy ngày lênh đênh trên biển, chiếc ghe lưới thả ông xuống hòn đảo hoang vắng mà ông chẳng biết tên gọi là đảo gì, chỉ nghe mấy ngư dân trên ghe gọi là hòn Mây Rút. Với chút thực phẩm mang theo có thể sống cả tháng, ông bắt đầu cuộc sống mới trên hoang đảo không người. “Hòn đảo hoang sơ đến rợn người. Đêm đêm sợ thú dữ ăn thịt, tôi trằn trọc đốt lửa thức trắng đêm”. Dựng căn chòi lá bằng cây rừng, Bảy Yên bắt đầu mò cua bắt ốc quanh những ghềnh đá gần bờ, hái rau rừng bữa đói bữa no.

Ngày tháng qua, “Robinson” Bảy Yên cứ lặng lẽ khai phá mấy bãi đất gần biển trồng dừa và nhiều cây ăn trái khác. Bẫy thú rừng, hái rau, bắt cá, ốc kiếm bữa quanh bờ. Sau đó ông kết được chiếc bè từ cây rừng tiến ra xa hơn bắt con cá, con mực. Như kiến tha lâu đầy tổ, dần dà ông cũng mua lại được chiếc ghe câu nhỏ của một ngư dân từ đất liền ra. Có ghe, Bảy Yên có thêm những chuyến đánh bắt xa hơn, cuộc sống cũng có đồng vào đồng ra. Một mình một đảo, một mình đánh vật với sóng biển ngót một năm dài ông đã tạo dựng được một cuộc sống ổn định. Một năm sau, ông rời đảo vào đất liền đón vợ con ra sinh sống, cả gia đình bắt đầu một cuộc sống mới - “Robinson”.

44 năm chưa một lần về đất liền

Có vợ có con chung tay gầy dựng, đảo hoang ngày một nhiều dừa và vườn cây ăn trái. Từ nơi định cư đầu tiên gọi là bãi Mây Rút ngoài, hai vợ chồng khai hoang thêm được hai bãi khác mà ông đặt tên là bãi Mây Rút giữa và bãi trong. Mỗi một bãi là một vườn dừa bạt ngàn rợp bóng và được hai vợ chồng dựng thêm mỗi căn chòi mới. Mùa biển lặng cả gia đình sống ở bãi ngoài, mùa biển động lại dắt díu vào bãi trong. Cuộc sống càng vui thêm khi vợ ông sinh hạ thêm bốn người con, cả gia đình lúc bấy giờ đã có tám nhân khẩu. Mỗi một tháng hai vợ chồng Bảy Yên chạy ghe vào mấy hòn lớn mua bán, đổi chác thực phẩm.

Từ lúc đầu đặt chân lên hoang đảo đến giờ đã là 44 năm dài. Chàng trung niên Bảy Yên (42 tuổi) ngày nào giờ đã là một cụ già 86 tuổi, vợ ông cũng đã ngoài bát tuần, sáu đứa con của hai vợ chồng cũng đã yên bề gia thất. 44 năm sống kiếp “Robinson” trên hoang đảo, họ chưa một lần đặt chân về đất liền. Bảy Yên bảo: “Nhiều lần cũng muốn đem vợ con vào đất liền sinh sống nhưng dạ muốn đi mà chân không muốn bước. Có lẽ chúng tôi quen sống thế này rồi, đời mình đã bén rễ với cái hoang đảo này rồi”.

Thế hệ “Robinson” con

Bây giờ sáu người con của gia đình “Robinson” ngày ấy đã lớn khôn và yên bề gia thất. Mỗi người thay cha mẹ cai quản một bãi trên đảo, có người lại tìm ra hòn khác chưa có người ở để khai khẩn.

Sự cám dỗ vào đất liền, sự cám dỗ của món tiền hậu hĩnh nhiều lần đã khiến họ lung lay ý định trụ lại đảo. Nhưng chị Phạm Thị Nữ, người con gái thứ hai, giải thích: “Nghĩ lại ông bà già một đời khai khẩn và chính hòn đảo này nuôi sống cưu mang chúng tôi mấy chục năm nên cũng chỉ bàn rồi thôi”. Anh Chín - người con cả của gia đình, một “Robinson” đang trấn giữ bãi giữa nơi có bãi san hô đẹp nhất - cho hay: “Có một đại gia ở Sài Gòn xuống trả mua cái bãi rộng nhất 800 triệu đồng, sau nâng lên 1 tỉ nhưng chúng tôi quyết không bán”.

Không màng đến tiền tỉ, sáu anh em của gia đình “Robinson” ấy lại tiếp tục nối gót cha “bén rễ” cùng đảo. Riêng cô con gái út mà họ thường gọi là “Út Bạch Lan” cùng chồng tìm ra hòn Dơi (cũng là một hoang đảo chưa người ở gần đó). Ở đó họ cất một căn chòi cheo leo trên sườn đảo, nhìn từ xa chẳng khác nào một tổ chim cu. Người vợ ra khơi bủa lưới, còn chồng ở nhà làm rẫy. Họ liên tiếp cho ra đời sáu đứa con, bằng đúng gia đình “Robinson” ngày trước của họ...

Đến bây giờ thế hệ “Robinson” thứ ba của họ gom lại cũng có thể thành lập được cả một trung đội. Cái trung đội ấy giờ cũng theo cha mẹ chúng “đánh trận” trên rẫy hay ra khơi vật lộn với sóng gió biển cả kiếm miếng ăn. Duy chỉ có mấy đứa con của “Robinson” Sáu Hoàng (con cả) là được vào xã Hòn Thơm để học chữ cùng mấy đứa con của “Robinson” Phạm Văn Chính. Không học hành, đầu tắt mặt tối cùng cha mẹ giăng câu, bủa lưới, làm rẫy... cũng đang biến thế hệ thứ ba của họ trở thành những “Robinson” như cha chú và ông bà chúng.

 HỒ VĂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên