Gia đình người Việt ở tâm động đất Myanmar: 'Người dân nước nào mình cũng gắng giúp'

Những ngày sau trận động đất kinh hoàng, vợ chồng chị Nguyệt Chu và nhiều người Việt tại thành phố Mandalay, vùng tâm chấn động đất tại Myanmar, không quản ngại khó khăn để đưa nhu yếu phẩm cần thiết đến những người dân địa phương khốn khó.

Myanmar - Ảnh 1.

Lực lượng chức năng của Việt Nam bắt đầu tìm kiếm, hỗ trợ người dân tại thủ đô Naypyidaw - Ảnh: DUY HƯNG

"Mình là người Việt Nam nên luôn có tấm lòng tương thân tương ái. Không kể là người Việt hay người dân nước bạn, cứ thấy người bị nạn là mình giúp", chị Nguyệt Chu, sống ở Myanmar từ tháng 9-2022, chia sẻ với Tuổi Trẻ qua điện thoại vào sáng 31-3.

Ký ức khủng khiếp

Trận động đất mạnh 7,7 độ hôm 28-3 đã gây ra cảnh đau thương và đổ nát ở Mandalay - thành phố lớn thứ hai Myanmar. Chị Nguyệt Chu nhớ lại khoảnh khắc kinh hoàng khi trận động đất xảy ra vào khoảng gần 13h, lúc cả gia đình đang nghỉ trưa. Mặt đất chao đảo và rung lắc dữ dội, cường độ ngày càng mạnh và kéo dài trong 4 - 5 phút.

"Tôi chưa bao giờ trải qua cảm giác nào khủng khiếp hơn thế. Đồ đạc treo trên tường đồng loạt rơi xuống, tôi phải bám chặt vào giường hay ghế mới có thể đứng vững. Khi trận động đất qua đi, mọi thứ đều đổ sập và vỡ tan", chị kể.

Ngay khi mọi thứ tạm lắng, chị lao ra đường và vội vã chạy đến trường tìm con nhưng mặt đất lại tiếp tục rung lên. May mắn là đợt dư chấn này yếu hơn và chỉ diễn ra trong thời gian ngắn, trường học của con chị chỉ bị nghiêng một khối và các em học sinh vẫn an toàn.

Đến khoảng chiều tối, chị Nguyệt Chu mới hay tin một dãy chung cư 4 khối gần nhà chị đã gần như sụp đổ hoàn toàn. Lập tức chị chạy đến hiện trường và trước mắt chị là khung cảnh tang thương không thể nào quên.

"Lực lượng cứu hộ và người dân đã tập trung rất đông ở đó khi tôi đến nơi. Chứng kiến cảnh tượng ấy, tôi cảm thấy đau đớn vô cùng. Ở đó rất đông người nhưng không ai nói một tiếng nào, họ chỉ đứng lặng người và nước mắt cứ tuôn rơi", chị nhớ lại.

260 gia đình và có lẽ đến hàng trăm người đang mắc kẹt dưới đống gạch vụn. Gia đình một người bạn của chị cũng mắc kẹt trong khu chung cư. Đứa con nhỏ của họ được cứu ra và may mắn tỉnh lại sau hai ngày, nhưng bố mẹ và gia đình em vẫn chưa được tìm thấy.

Người Việt tương thân tương ái

Myanmar - Ảnh 2.

Cộng đồng người Việt Nam tại Mandalay phân phát thực phẩm, nước uống cho người dân gặp nạn sau động đất - Ảnh: NVCC

Ngay sau khi những dư chấn đầu tiên qua đi, cộng đồng người Việt Nam tại Myanmar đã xuống đường hỗ trợ công tác cứu hộ, tìm kiếm các nạn nhân mất tích và đưa nhu yếu phẩm cần thiết đến những người đang trong cảnh màn trời chiếu đất.

Gia đình chị Nguyệt Chu tự bỏ tiền túi, cùng với tấm lòng của bạn bè và nhiều người Việt trên toàn thế giới chung tay hỗ trợ người dân Myanmar trong lúc khó khăn. Bên cạnh nhóm của gia đình chị, nhiều nhóm người Việt cũng đến hỗ trợ các khu vực khác bị ảnh hưởng bởi động đất ở Myanmar. Số tiền quyên góp đến nay ước tính khoảng 1 tỉ đồng và vẫn chưa thống kê hết.

"Từ ngày động đất xảy ra, đoàn của chúng tôi kết hợp với chi nhánh Mandalay của Công ty Mytel đã hỗ trợ tại 4 địa điểm quanh thành cổ, nơi người dân đang tập kết lánh nạn. Chúng tôi cung cấp ô dù, lều bạt, phát sim thẻ miễn phí để người dân kết nối Internet, do các nhà mạng khác đều ngừng hoạt động, chỉ còn duy nhất mạng Mytel là hoạt động tốt. Cùng với đó, chúng tôi cũng phát thức ăn và nước uống cho người dân", chị chia sẻ.

Những ngày sau động đất, thực phẩm và nước uống trở thành mặt hàng khan hiếm. Dù một số nhà hàng và khu chợ đã bắt đầu hoạt động trở lại nhưng giá cả leo thang cùng với điện bị cắt và một số khu vực xảy ra tình trạng mất nước. Không chỉ đối diện với thiếu thốn trăm bề, nhiều gia đình vẫn quặn lòng chờ tin từ những người thân còn mất tích.

"Sáng hôm nay tôi đến một khu vực rất nghèo. Những ngôi nhà gỗ lợp mái tôn ở đó đã cháy rụi toàn bộ. Người dân phải trải chiếu ở bãi rác để nằm ngủ. Trong thành phố, tất cả các nhà cao tầng nếu không đổ sập thì cũng bị nứt vỡ, không ai dám vào ở. Thiệt hại về nhân mạng thì quá khó nói", chị Nguyệt Chu chia sẻ.

Bản thân gia đình chị và nhiều người Việt khác cũng chịu ảnh hưởng không nhỏ từ thảm họa. Nhà cửa may mắn còn đứng vững nhưng bị mất nước, gia đình chị cũng phải ở nhờ nhà người khác. Công việc gián đoạn vì hạ tầng bị phá hủy, con cái chị chưa biết bao giờ mới có thể quay lại trường học. 

Ngoài ra, đường sá hư hỏng, cao tốc và sân bay đóng cửa để sửa chữa, khiến việc quay về Việt Nam của chị cũng vô cùng khó khăn.

Đội cứu hộ Việt Nam khẩn trương tìm nạn nhân

Sau khi đến sân bay quốc tế Yangon vào tối 30-3, lực lượng cứu hộ của Việt Nam đã nhanh chóng ổn định nơi ăn ở và tổ chức các lực lượng bắt tay vào nhiệm vụ hỗ trợ khắc phục hậu quả động đất tại Myanmar.

Ngay trong đêm, đoàn công tác cứu nạn cứu hộ của Việt Nam đã di chuyển bằng ô tô, băng qua quãng đường gần 500km để tới thủ đô Naypyidaw.

Hơn 3h sáng 31-3, các cán bộ chiến sĩ đã có mặt tại hiện trường, nhanh chóng ổn định nơi ăn ở và tổ chức các lực lượng trinh sát thực địa. Lực lượng quân đội chia làm 3 mũi, phối hợp với đoàn của Bộ Công an đi theo 3 hướng tìm kiếm với tinh thần nhanh nhất có thể.

Sau khi nắm được cụ thể tình hình khu vực, số lượng nạn nhân nghi ngờ còn mắc kẹt, đoàn cứu nạn tiếp tục cử đội công binh cứu sập, sử dụng hệ thống dò tìm radar xuyên tường và thiết bị tìm kiếm bằng hình ảnh và âm thanh để xác định chính xác vị trí của nạn nhân.

30 cán bộ thuộc lực lượng quân y cũng đã sẵn sàng để thành lập đội thu dung điều trị quy mô nhỏ, thực hiện được các phương pháp sơ cấp cứu cả nội khoa và ngoại khoa phục vụ các nạn nhân cũng như nhân dân trong khu vực.

Trong khi đó, theo thông tin từ Cục Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (Bộ Công an), sau khi họp thống nhất với lực lượng điều phối, nhà chức trách đã cùng lực lượng công an tới hiện trường đầu tiên để tìm kiếm cứu nạn.

Nắng nóng oi bức đang là thách thức lớn đối với công tác cứu nạn. Thời tiết buổi sáng tại nơi này nhanh chóng đạt 35 độ C và có thể lên 40 độ C vào lúc giữa trưa tới đầu giờ chiều. Điều này khiến thi thể nạn nhân bị phân hủy nhanh hơn, gây khó khăn cho việc nhận dạng.

Hiện trường đầu tiên cách vị trí đóng quân khoảng 20 phút di chuyển. Nơi này là ngôi nhà số 2367 ở khu dân cư Balathidi tại Zabuthiri, cao 3 tầng, bị sập đổ hoàn toàn trên diện tích 200m2.

Phía trước ngôi nhà có một người đàn ông hơn 60 tuổi bị mắc kẹt, phía sau là một phụ nữ chừng 30 tuổi. Qua khảo sát ban đầu, cảnh sát đã phát hiện mùi tử thi. Đoàn công tác đã sử dụng chó nghiệp vụ và các thiết bị xác định vị trí người gặp nạn để đưa họ ra ngoài.

Trước đó đoàn cứu hộ của Việt Nam đã trao tặng 30 tấn lương khô cho đại diện phía Myanmar, hỗ trợ những nạn nhân của trận động đất.

Nhiều tấm lòng bạn đọc báo Tuổi Trẻ gửi đến người dân Myanmar

Tấm lòng người Việt ở Myanmar - Ảnh 3.

Ông Trần Danh Dần đóng góp hỗ trợ người dân Myanmar vào chiều 31-3 tại báo Tuổi Trẻ - Ảnh: TỐ OANH

Ngày 31-3, nhiều bạn đọc đến báo Tuổi Trẻ đóng góp ủng hộ người dân Myanmar đang chịu sự mất mát do động đất gây ra. Với tấm lòng sẻ chia "một miếng khi đói bằng một gói khi no", nhiều bạn đọc mong muốn góp phần nhỏ giúp người dân nước bạn sớm vượt qua khó khăn do thiên tai.

Sáng sớm, bà Nguyễn Hồng Yến (83 tuổi, ngụ quận Phú Nhuận, TP.HCM) sau khi đọc bản tin "Bạn đọc Tuổi Trẻ sẵn lòng hỗ trợ người dân Myanmar" đã vội chạy sang nhờ người hàng xóm mang 1 triệu đồng đến tòa soạn báo Tuổi Trẻ để chuyển đến người dân Myanmar.

"Tôi không có lương hưu, tiền này là của con cháu cho, không xài nên để dành làm thiện nguyện thôi", bà Yến chia sẻ thêm. Bà Yến nói số tiền này không lớn, chỉ hy vọng nhiều người ủng hộ như bà thì chắc chắn sẽ giúp được phần nào đó cho người dân nước bạn đang chịu ảnh hưởng của trận động đất.

Chiều cùng ngày, ông Trần Danh Dần (90 tuổi, ở quận Tân Bình, TP.HCM) tự chạy xe máy đến đóng góp hỗ trợ người dân Myanmar. Đây là số tiền con cho để ông tiêu vặt hằng tháng. "Hôm nay con vừa đưa 2,5 triệu đồng, tôi dành luôn 2 triệu đồng để đóng góp, của ít lòng nhiều", ông nói.

Nhiều năm qua ông Dần là gương mặt quen thuộc đóng góp cho các chương trình xã hội của báo Tuổi Trẻ. Mỗi lần có những câu chuyện, chương trình xúc động ông đều đến báo Tuổi Trẻ mong được góp một chút phần của mình để hỗ trợ.

Tranh thủ lúc có người canh chăm mẹ già, cô Thu (quận Phú Nhuận) mang đến 7 triệu đồng để ủng hộ cho người dân Myanmar. Trong đó phần cô Thu dành dụm được 5 triệu đồng, mẹ cô góp thêm 2 triệu đồng.

Cô Thu bày tỏ: "Mấy nay xem thời sự thấy người dân Myanmar phải chịu cảnh màn trời chiếu đất sau động đất mà thương quá. Số tiền này tôi nhờ Tuổi Trẻ nhanh chóng chuyển đến người dân Myanmar để họ sớm vượt qua những tang thương, khó khăn".

Dù mẹ bệnh nằm một chỗ suốt hơn 20 năm nay, nhưng mỗi khi báo Tuổi Trẻ có chương trình xã hội nào, hai mẹ con cô Thu đều nhín chút tiền để tham gia ủng hộ.

105 triệu đồng

Tính đến 16h30 ngày 31-3 đã có gần 130 lượt bạn đọc đóng góp ủng hộ người dân Myanmar bị ảnh hưởng do động đất với số tiền 105 triệu đồng.

Tấm lòng người Việt ở Myanmar - Ảnh 4.Công an Việt Nam cắt bê tông, đưa thi thể bé trai Myanmar ra khỏi đống đổ nát

Đoàn tìm kiếm cứu nạn của Bộ Công an Việt Nam vừa tìm thấy thi thể một bé trai 10 tuổi bị vùi dưới đống đổ nát trong ngôi nhà sập ở Myanmar, tối 31-3.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên