Chị Phương (bên trái) và mẹ cháu Đức cứ lặng lẽ rơi nước mắt, họ động viên nhau cùng cố gắng - Ảnh: L.ANH
Giây phút gặp nhau kỳ lạ, khó nói thành lời.
Chị Hoàng Thanh Phương (vợ anh Quý) và cháu Dương Minh Khải (con trai thứ 2 của anh chị) cùng họ hàng hai bên nước mắt chứa chan khi nhìn thấy người phụ nữ nhỏ người, quê mùa, khắc khổ hơn tuổi, tay xách chiếc túi nilon màu đỏ bước vào phòng.
Hơn 20 ngày trước, người thân của họ đã qua đời và đã hiến 7 mô tạng cho những người ở lại.
Còn người phụ nữ mới đến là chị Thuần, mẹ cháu Nguyễn Văn Đức (17 tuổi), đang điều trị sau khi được ghép phổi được anh Quý hiến tặng, tại Khoa Phẫu thuật tim mạch và lồng ngực, Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội).
Anh ấy đã đợi để tặng cháu lá phổi
Chị Phương, vợ anh Quý đã đợi buổi gặp gỡ này cả tuần nay, từ khi chị nghe tin cháu Đức đã ghép xong phổi nhưng còn yếu. Chị muốn đến gặp để "động viên" mẹ con chị Thuần.
Giây phút gặp nhau, hai người phụ nữ ôm chầm lấy nhau. "Gia đình em suốt đời không quên" - chị Thuần nghẹn ngào nói. Còn chị Phương mắt rớm lệ, nói: "Chồng tôi mất rồi còn lại một chút trao gửi đây, hai chị em mình cùng cố gắng nhé".
Trước tháng 11-2018, khi anh Quý cùng vợ, hai con trai và gia đình nội ngoại sum vầy ở Ninh Bình, đột ngột anh Quý thấy yếu đi rồi được phát hiện là bị dị dạng mạch máu não. Bệnh chuyển biến nặng nhanh chóng, chỉ trong hơn một tháng anh đi vào hôn mê.
Nhưng trước khi vĩnh viễn không tỉnh lại, anh đã gọi người em rể út nói rõ nguyện vọng của mình là được hiến mô tạng cho những người bệnh đang cần.
Gia đình hai bên không đồng tình, họ chờ phép màu, nhưng khi anh Quý đi vào hôn mê thì họ lại sợ rằng sẽ không kịp thực hiện nguyện vọng của anh. Gia đình đã liên lạc với Hội Chữ thập đỏ Ninh Bình rồi từ đó liên lạc với Trung tâm điều phối hiến ghép mô tạng quốc gia.
Những ngày đầu tháng 12-2018, gia đình và Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đưa anh Quý từ Bệnh viện Bạch Mai khi anh đã hôn mê để chuẩn bị hồi sức và nhận tạng hiến tặng.
Trong số những người được nhận tạng, có hai cháu bé là Đức và một bạn ở Đà Lạt được nhận thận. Ngày anh Quý sắp mất cháu Đức đã chuẩn bị về nhà, cháu chưa biết tin mình có thể được ghép phổi. Đức đã ở bệnh viện 5 năm nay và gia đình cháu đã khánh kiệt, cơ thể 17 tuổi của cháu chỉ còn 30 kg. Nhưng đến cổng bệnh viện, đột nhiên Đức lên cơn đau và buộc phải quay trở vào. Dường như số phận đã cho cháu cơ hội sống.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến (thứ 3 từ trái) thăm cháu Nguyễn Văn Đức trưa 2-1 - Ảnh: THÚY ANH
"Chúng tôi đã làm các xét nghiệm đánh giá cho cháu và thấy phù hợp, nhưng gia đình cháu chưa quyết định vì họ rất khó khăn. Chúng tôi đã thuyết phục gia đình, vì đây là một cơ hội được sống. Đức có hỏi tôi về tỷ lệ thành công, cháu nói muốn sống.
Khi các bác sĩ đang họp, tôi đã chạy vào cuộc họp ấy để nói với các thầy mong ước của cháu. Là ca ghép phổi đầu tiên do các bác sĩ Việt Nam thực hiện, mọi người muốn giảm bớt rủi ro, nhưng mong muốn được sống của cháu khiến mọi người nhanh chóng đi đến quyết định, bởi không đi sẽ không bao giờ thành đường. Và anh Quý đã "đợi" cháu Đức thêm một ngày để tặng cháu lá phổi"- chị Thu Hà, Khoa Phẫu thuật Tim mạch và lồng ngực, Bệnh viện Việt Đức kể.
Qua cơn sóng gió rồi, tất cả sẽ bình tâm mà sống
Từ ngày anh Quý mất, hơn 20 ngày nay vợ con anh vẫn để bát đũa dành cho anh ở vị trí anh ngồi. Kể cả ăn bữa sáng, họ cũng kêu thêm một phần đồ, cho một người đã đi xa nhưng những gì anh ấy trân quý nhất, là vợ con, là cha mẹ anh em, anh vẫn để lại mảnh đất Ninh Bình này.
Dương Minh Khải là con trai thứ 2 của anh Quý. Khải đã học lớp 11 và rất cao lớn, nhưng bố vẫn hay giành cắt móng chân cho. Rồi bố hay mua những món ngon con trai thích để động viên con.
"Giờ thì anh Quý đã đi khắp nơi rồi"- người điều dưỡng ở Khoa Phẫu thuật tim mạch - lồng ngực, Bệnh viện Việt Đức nói. Bởi một quả thận của anh đã vào tận Đà Lạt, lá phổi của anh về Hải Dương, một quả thận nữa của anh ở Hà Nội, trái tim về Hà Tĩnh, hai lá gan đi TP.HCM.
"Giờ thăm cháu bé được ghép phổi rồi, chúng tôi bình tâm rồi. Qua cơn sóng gió rồi, tất cả rồi sẽ bình tâm mà sống" - một người thân của anh Quý chia sẻ.
Qua cơn sóng gió rồi, nhưng nỗi nhớ thì còn mãi.
Truy tặng kỷ niệm chương Vì sức khỏe nhân dân cho anh Dương Hồng Quý
Ngày 2-1, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã truy tặng kỷ niệm chương Vì sức khỏe nhân dân cho anh Dương Hồng Quý.
Theo Bộ trưởng Tiến, nhờ những người như anh Quý mà các bác sĩ có thêm cơ hội cứu người.
Trong những năm qua, các bác sĩ Việt Nam đã ghép tạng cho gần 4.000 người. Trong đó có 105 người được ghép gan, hàng ngàn người được ghép thận, 3 người được ghép phổi, gần 20 người được ghép tim...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận