Gia đình xuyên Việt bị sa lầy trên cát ở Quảng Bình
Nhân dịp nghỉ lễ 30-4, anh T.D. cùng gia đình quyết định tự lái xe xuyên Việt với hành trình Hà Hội - Huế - Đà Nẵng - Quảng Bình - Hà Nội. Chiếc xe được gia đình sử dụng là Honda CR-V.
Trên đường trở về Hà Nội, đến địa phận Quảng Bình, anh T.D. lái xe vào đoạn đường cát và bị mắc kẹt. Lúc này là buổi trưa, trời nắng nóng, đường vắng bóng người qua lại.
"Khi đi qua khu vực điện gió, vợ mình thấy đẹp quá nên mình quyết định lái xe vào gần hơn cho vợ check-in.
Từ quốc lộ rẽ ngang khoảng 300-400m (đường cho phép rẽ) vào khu vực điện gió Dohwa Lệ Thủy. Đoạn đường rẽ vào là đường đất.
Mình đi khoảng 300m thì thấy bên cạnh có đường nhựa và dễ check-in hơn nên rẽ sang. Giữa 2 con đường nhựa là mương cát có vết bánh xe. Mình chủ quan nghĩ có xe đi được thì mình cũng đi được (dù biết là CR-V cầu trước). Tuy nhiên, khi xe chạy được khoảng 1m thì dừng hẳn, không thể đi được", anh T.D. kể lại.
Lúc đó, anh T.D. rất lo lắng cho vợ con. Bởi khi ấy, ngoài trời nắng nóng với nhiệt độ lên tới 40 độ C. Vợ con cũng chưa được ăn gì dù đã 12h trưa. Anh T.D. vốn tính đưa vợ con vào check-in rồi đi ăn trưa, nhưng không ngờ gặp phải cảnh sa lầy trên cát.
Mắc kẹt giữa trời nắng nóng và thời điểm buổi trưa khiến việc xử lý và tìm xe hỗ trợ trở nên vất vả hơn bao giờ hết - Ảnh: NVCC
Tham khảo các bài viết về xử lý tình huống khi bị sa lầy trên cát, anh T.D. thử rất nhiều cách như đào cát lót gỗ, lót đá, đánh tiến, đánh lùi lấy đà...
Ban đầu, chiếc xe nhích được khoảng nửa mét, lùi lại được khoảng 40cm. Nhưng sau đó, chiếc Honda CR-V dừng hẳn do cát khá sâu, xe bị lún chạm gầm trước, xe một cầu nên không kéo lên nổi.
"Khi đó mình bình tĩnh xử lý chứ không dí ga tiến lùi thêm, vì có thể phát sinh thêm rủi ro khác. Khi đó, mình xác định chỉ có cách có xe cứu hộ kéo lên mới thoát được", anh T.D. cho biết thêm.
Cái kết ấm lòng sau những nỗ lực gọi trợ giúp
Cuối cùng, anh T.D. quyết định đăng bài lên các nhóm phượt trên Facebook để tìm người hỗ trợ, đồng thời chạy ra quốc lộ vẫy nhờ xe kéo.
Anh xác định chỉ vẫy SUV hay bán tải bởi những xe này mới đủ khỏe và có đồ chuyên dụng như dây kéo và cáp.
"Khi mình vẫy cũng làm ký hiệu chéo tay biểu hiện cần trợ giúp (mình hay xem các kênh mạo hiểm). Tuy nhiên, có thể lúc đó mình trông rất bẩn (mồ hôi, cát... dính lên người) và giữa trời nắng nên mọi người tưởng xin đi nhờ và hầu như các xe chạy thẳng chứ không dừng lại", anh T.D. cho hay.
Khoảng 10 phút sau, anh T.D. gặp được anh N.T. - chủ xe bán tải Ford Ranger. Rất may, xe của anh N.T. có dây buộc để kéo. Mặc dù vậy, ban đầu xe kéo cũng rất vất vả do chiếc Honda CR-V đã lún xuống cát sâu, phải bới cát chèn lốp thì xe mới ra khỏi bãi cát được.
"Sau khi anh N.T. hỗ trợ kéo xe của mình lên, mình có xin số điện thoại để cảm ơn nhưng hai vợ chồng anh nhất quyết không nhận gì.
Chiều về, mình có đăng bài lên nhóm trên Facebook để cảm ơn anh N.T., cũng rất muốn mời gia đình anh N.T. dùng bữa cơm gia đình để cảm ơn nhưng anh ấy từ chối.
Cuối cùng, sau một hồi thuyết phục, anh N.T. cũng nhận cái hẹn ra cà phê. Vui hơn nữa là có thêm một bác trên nhóm trên Facebook ở Quảng Bình khi biết sự việc cũng ra cà phê cùng, lại còn tặng mình đặc sản nơi đây dù trước đó chưa hề quen biết", anh T.D. kể lại.
"Mình rất biết ơn anh N.T. bởi lúc đó trời quá nắng, lại giữa trưa nên gia đình chưa được ăn gì, chỗ bị nạn lại khuất quốc lộ. Anh N.T. quá tốt và nhiệt tình, thậm chí còn cởi trần, xuống buộc dây kéo xe mà không quản ngại vất vả. Quả thật rất ấn tượng với tấm lòng con người miền Trung", anh T.D. xúc động kể tiếp.
Những bài học đúc kết sau sự việc
Sau sự việc trên, anh T.D. đã đúc kết được một số kinh nghiệm khi tự lái xe xuyên Việt:
- Trên xe cần sẵn thùng lạnh, nước, đồ ăn nhẹ. "Cái làm mình lo là giữa trưa nắng. Vợ mình lại nhút nhát, huyết áp thấp nên ở lâu sẽ có thể ảnh hưởng sức khỏe", anh T.D. cho biết.
- Nên kiểm tra độ lún của cát, thay vì chỉ nhìn vết bánh xe đi trước rồi cứ làm theo. Nhìn chung, xe một cầu không nên mạo hiểm khi đi những cung đường xa, đặc biệt khi trên xe đang có phụ nữ, trẻ em.
- Trên xe nên có giấy hoặc thứ gì đó viết được lên. Nên viết chữ SOS rồi cầm ra quốc lộ sẽ dễ có xe dừng lại hỗ trợ hơn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận