07/08/2018 12:20 GMT+7

Gia đình không hạnh phúc, trẻ dễ tự tử

THÙY DƯƠNG
THÙY DƯƠNG

TTO - Khảo sát trẻ bị ngộ độc nhập viện tại khoa hồi sức tích cực - chống độc Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP.HCM) cho thấy 80% trẻ tự tử do mâu thuẫn tình cảm gia đình, 16% mâu thuẫn bạn bè học cùng và 4% mâu thuẫn với bạn bè bên ngoài.

Gia đình không hạnh phúc, trẻ dễ tự tử - Ảnh 1.

Một cháu bé tự tử bằng Paraquat từng nhập viện điều trị tại TP - Ảnh: M.TIẾN

Sau khi cãi nhau với bạn, một học sinh nam 15 tuổi (Q.8, TP.HCM) đã uống thuốc Cinnarizine của ba để tự tử.

Nhiều lý do khiến trẻ tự tử

Sau sáu giờ uống Cinnarizine, cậu bé mới được phát hiện và đưa vào Bệnh viện Nhi Đồng 1 trong tình trạng mê, được đặt nội khí quản, rửa dạ dày, than hoạt. Sau đó, cậu tỉnh lại. Bác sĩ cho biết tuổi này trẻ háo thắng, tâm lý chưa ổn định nên dễ bị các kích thích bên ngoài từ bạn bè.

Một cậu trai khác sau khi bị bạn gái chia tay đã giấu gia đình uống thuốc diệt cỏ Paraquat tự tử. Trường hợp này phát hiện trễ, nên nhập viện trong tình trạng nặng và tử vong sau đó.

Có một nam sinh đồng tính yêu một bạn nam cùng lớp nhưng bị gia đình ngăn cấm. Có lần em bỏ đi chơi với bạn trai này thì bị gia đình ngăn cấm, và em đã uống thuốc diệt cỏ Paraquat tự tử. Trước đó, em này đã tự tử nhiều lần và đều được cứu.

Có những cô bé bỏ nhà đi chơi với bạn trai, sau đó bị ba mẹ la cũng uống thuốc Paracetamol tự tử.

Theo các bác sĩ, phần lớn trẻ tự tử do nguyên nhân mâu thuẫn trong gia đình. Trẻ bị những người thân như ba, mẹ, ông, bà la hoặc bị đánh...

Gia đình không hạnh phúc, trẻ dễ tự tử - Ảnh 2.

Hãy lắng nghe trẻ

Theo thạc sĩ - bác sĩ Lê Phước Truyền - khoa hồi sức tích cực - chống độc Bệnh viện Nhi Đồng 1, các em tự tử do tình cảm, mâu thuẫn trong gia đình thường có hoàn cảnh gia đình đặc biệt, không hạnh phúc như ba mẹ ly hôn, ly thân.

Rơi vào hoàn cảnh này, các em chỉ sống với ba hoặc mẹ, hoặc ông hoặc bà hoặc cô dì, chú bác, không nhận được sự chăm sóc yêu thương từ cả ba và mẹ. Do trẻ chỉ sống với ba hoặc mẹ hoặc một người thân trong gia đình nên luôn cảm thấy thiếu vắng tình cảm. Các em có tâm lý rất sợ người thân duy nhất đang chăm sóc mình sẽ bỏ mình.

Đã có một bé gái mới 9 tuổi đã uống thuốc tự tử chỉ vì một câu nói của mẹ: "Nếu con không ngoan mẹ sẽ bỏ đi Hà Nội". Với những trẻ sống trong một gia đình không trọn vẹn hạnh phúc, đôi lúc chỉ vì một lời nói thoáng qua của ba hoặc mẹ đều có thể làm trẻ nghĩ quẩn, suy nghĩ và hành động dại dột.

Một cháu khác bị mất ba, mẹ tái giá nên sống với ông bà nội. Cháu thường xuyên bị ông bà la nên luôn thấy mình là "gánh nặng" của ông bà nội. Trong một lần cháu bỏ đi chơi đá gà với bạn, khi về nhà bị ông dùng gậy đánh, cháu buồn, nghĩ quẩn nên uống thuốc trừ sâu tự tử.

Có trẻ sống với ba vì mẹ bỏ đi, ba phải thường xuyên đi làm, không quan tâm nên em học hành kém. Thế nhưng khi đi họp phụ huynh nghe cô giáo phản ảnh con lười học, người cha đã đánh con...

Trường hợp này trẻ có những khó khăn nhưng không có ai để chia sẻ, nên khi bị ba đánh trẻ rất buồn và cũng không thể chia sẻ với người thân duy nhất là ba nên đã uống thuốc tự tử...

Các bác sĩ cho rằng lứa tuổi thiếu niên có tâm lý chưa ổn định, dễ bị tác động bởi những yếu tố bên ngoài cũng như trong cả gia đình. Với các trẻ có hoàn cảnh gia đình phức tạp, chỉ cần một tác động dù nhỏ ở gia đình có thể làm trẻ uống thuốc tự tử, để lại những hậu quả đáng tiếc.

Bác sĩ Lê Phước Truyền khuyên các bậc cha mẹ hay những người thân chăm sóc trẻ nên lắng nghe, trò chuyện với các em. Khi trẻ làm sai hoặc làm chưa tốt một việc gì đó thì nên hỏi rõ để trẻ chia sẻ những khó khăn, để hiểu và thông cảm, động viên trẻ, đặc biệt là các em trong lứa tuổi vị thành niên (13-15 tuổi).

Theo nhiều nghiên cứu, đây là độ tuổi có nguy cơ tự tử cao nhất. Với những em có hoàn cảnh gia đình đặc biệt như đã kể trên, nhà trường, các đoàn thể trong xã hội nên có sự quan tâm, giúp đỡ trẻ.

Phần lớn trẻ tự tử trên 10 tuổi

Trong 31 trẻ bị ngộ độc được điều trị tại khoa hồi sức tích cực - chống độc Bệnh viện Nhi Đồng 1, phần lớn là trẻ trên 10 tuổi. Trong số này, có 61% ngộ độc hóa chất và 39% ngộ độc thuốc.

Các trẻ ngộ độc do tự tử thường không tự khai, nên thời gian từ khi ngộ độc đến khi được người lớn phát hiện thường chậm trễ.

Cảnh báo tình trạng trẻ tự tử

TT - Trong báo cáo gần đây của Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em, tự tử đang đứng thứ ba sau đuối nước và tai nạn giao thông về căn nguyên tử vong do tai nạn thương tích ở trẻ em.

THÙY DƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên