20/08/2024 11:56 GMT+7

Giá điện tăng nhưng không tính đúng tính đủ, lại lo thiếu điện khi không có tiền đầu tư

Các chuyên gia khuyến nghị cần điều chỉnh giá điện theo thị trường, tính đúng tính đủ để đảm bảo việc thu hút đầu tư ngành điện, tránh nguy cơ thiếu điện trong tương lai.

Sáng 20-8, Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức tọa đàm “"Đột phá nào để thu hút đầu tư vào ngành điện?”.

Ông Nguyễn Tiến Thỏa, nguyên cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), chỉ ra hiện nay giá điện đang chưa theo cơ chế thị trường. 

Dẫn chứng là các chi phí đầu vào như giá dầu, than, khí đã theo thị trường, nhưng giá điện đầu ra không phản ánh đúng chi phí.

Giá điện sẽ có xu hướng tăng chứ không giảm

Thực tế có lúc giá điện điều chỉnh quá lâu khi 4 năm giữ nguyên, đến khi điều chỉnh lại không tính đúng tính đủ chi phí đầu vào. Điều này gây ra lỗ cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) lên tới 47.500 tỉ đồng, gây khó khăn cải thiện dòng tiền để ngành điện tái đầu tư nguồn và lưới.

Thêm nữa, giá điện hiện đang phải thực hiện nhiệm vụ đa mục tiêu. Vừa phải đảm bảo yêu cầu tính đúng tính đủ chi phí, khuyến khích đầu tư, vừa đảm bảo an ninh năng lượng, nhưng lại vừa phải kiểm soát lạm phát, an sinh xã hội. Những mục tiêu này ngược chiều nhau, nên việc xử lý khó hài hòa, không đạt yêu cầu đặt ra. 

Ông Thỏa cũng chỉ ra cơ chế bù chéo giá điện kéo dài nhiều năm nhưng chưa có phương án khắc phục. 

Đó là việc bù chéo trong các bậc thang của nhóm tiêu dùng điện sinh hoạt; bù chéo giữa giá sinh hoạt với sản xuất, bù chéo giữa các vùng. Vì vậy giá điện chưa đảm bảo đúng nguyên lý về giá cả thị trường, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư.

Đồng tình với quan điểm giá điện đang phải thực hiện quá nhiều mục tiêu đang tạo áp lực lớn, ông Bùi Xuân Hồi - chuyên gia kinh tế năng lượng - chỉ ra với cơ cấu nguồn điện hiện nay, điện than, khí có vai trò quan trọng nhưng chi phí đầu vào giá than và khí liên tục tăng. Vì vậy không thể kỳ vọng chi phí đầu vào giá điện sẽ giảm. 

Thêm nữa, Việt Nam thực hiện Net Zero với điện sạch, thì không thể có điện sạch giá rẻ. Điện mặt trời công suất phát tối đa 4 tiếng/ngày, điện gió phập phù. Như vậy giá thành cung ứng điện nói chung sẽ tăng lên.

Ông Nguyễn Đình Tuấn - giám đốc Công ty Nhiệt điện Sơn Động - cũng cho hay các nhà máy nhiệt điện than sẽ phải dừng sản xuất từng bước từ năm 2030 và dừng vào năm 2050 theo lộ trình Net Zero. 

Bên cạnh đó, việc thay đổi nguồn nguyên liệu ảnh hưởng giá bán, suất nhiên liệu trên thị trường. Ông Tuấn cho hay vừa qua có những nhà máy phải dùng than nhập khẩu, khi tính giá cao hơn so với thị trường điện nên phải dừng vận hành. 

Đề xuất luật hóa về giá điện, điều chỉnh 3 tháng/lần 

Vì vậy ông cho rằng trong lộ trình chuyển đổi điện than sang các nguồn năng lượng mới, cần có cơ chế giá nhiên liệu đầu vào liên thông, linh hoạt. 

Cùng đó, với nguồn năng lượng mới như điện khí và năng lượng tái tạo sẽ chiếm tỉ trọng chủ yếu, cũng đặt ra yêu cầu phải có cơ chế giá phù hợp, tạo ra lợi nhuận để thu hút đầu tư. 

Đại biểu Quốc hội Phan Đức Hiếu, ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội - khuyến nghị cần phải có quan điểm về tính giá thành điện, tính đúng tính đủ. Đồng thời không nên đưa quá nhiều mục tiêu chính sách trong cơ chế giá điện. 

Cùng đó, cơ chế tài chính cần minh bạch hơn, thúc đẩy thị trường và tăng tính cạnh tranh trong tất cả các khâu. Như vậy sẽ kiểm soát độc quyền và người tiêu dùng có cơ hội hưởng giá cả cạnh tranh hơn. 

Trong khi đó, ông Bùi Xuân Hồi cũng cho rằng nếu giá điện điều hành theo hướng đa mục tiêu, thì người bán điện lớn nhất cho hộ tiêu dùng cuối cùng là EVN, hiện chỉ nắm một chút nguồn và phải đi mua điện của nhiều nơi, sẽ phải chấp nhận lỗ, tức Nhà nước mất vốn. 

Việc không có lợi nhuận sẽ không đảm bảo nguồn vốn, dòng tiền và việc tái đầu tư vào ngành điện. Khi không thể có nguồn và lưới điện, có thể dẫn tới khả năng thiếu điện tiếp tục xảy ra. 

Vì vậy, ông khuyến nghị Thủ tướng cần tiếp tục quyết liệt ở cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện. Bởi không thể để một văn bản quan trọng về điều hành giá điện áp dụng từ năm 2014 đến nay chưa được điều chỉnh. 

Cơ cấu biểu giá và cơ chế điều hành giá nên luật hóa ở mức độ cao hơn. Xăng dầu hiện nay điều hành một tuần/lần, điện có thể không làm được như vậy nhưng có thể quy định ở cấp độ luật điều chỉnh 3 tháng/lần điều chỉnh thì giá điện sẽ cơ bản ổn định hơn.

Giá điện tăng nhưng không tính đúng tính đủ, lại lo thiếu điện khi không có tiền đầu tư  - Ảnh 3.Vì sao EVN liên tục lỗ lớn?

Mặc dù đã hai lần tăng giá điện nhưng Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vẫn ghi nhận mức lỗ lũy kế liên tục trong suốt hơn 2 năm rưỡi qua. Vì sao?

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên