Bộ Công thương họp báo chính thức công bố điều chỉnh giá bán lẻ điện - Ảnh: CHÍ TUỆ
Theo quyết định điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân và quy định giá bán điện được bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh ký ngày 20-3, giá bán lẻ điện sinh hoạt được chia làm 6 bậc thang với mức cao nhất là 2.927 đồng/kWh.
Cụ thể, giá bán lẻ điện sinh hoạt bậc 1 (0 - 50kWh) là 1.678 đồng/kWh, bậc 2 (51 - 100kWh) là 1.734 đồng/kWh, bậc 3 (101 - 200kWh) là 2.014 đồng/kWh, bậc 4 (201 - 300kWh) là 2.536 đồng/kWh, bậc 5 (301- 400kWh) là 2.834 đồng/kWh, bậc 6 (401kWh trở lên) là 2.927 đồng/kWh.
Vẫn chia theo bậc thang cho hộ sinh hoạt
Giá bán điện với các hộ, doanh nghiệp sản xuất, khu công nghiệp... được chia theo giờ (bình thường, thấp điểm và cao điểm) và cấp điện áp dưới 6kV, 22kV và 110kV. Mức giá bán lẻ cao nhất cho ngành sản xuất, điện áp dưới 6kV giờ cao điểm là 3.076 đồng/kWh, thấp nhất là 970 đồng/kWh vào giờ thấp điểm với cấp điện áp từ 110kV trở lên.
Với quyết định số 648 ký ngày 20-3, giá bán lẻ điện bình quân được điều chỉnh tăng lên mức 1.864,44 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế VAT). Với thời gian áp dụng từ ngày 20-3-2019, giá bán lẻ điện bình quân sẽ được điều chỉnh tăng tương đương so với giá cũ là 8,36%.
Bộ Công thương cho biết đã phối hợp với Tổng cục Thống kê đánh giá tác động của việc điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân năm 2019 tới chỉ số giá tiêu dùng (CPI), chỉ số giá sản xuất (PPI) và tăng trưởng GDP.
Theo đó, với giá điện tăng 8,36% từ ngày 20-3, CPI năm 2019 khoảng 3,3 - 3,9%. Với mức CPI này, việc điều chỉnh giá điện vẫn đảm bảo mục tiêu CPI năm 2019 được Quốc hội thông qua là dưới 4%.
EVN thu được 20.000 tỉ, phải trả 21.000 tỉ đồng?
Tại buổi họp báo công bố điều chỉnh giá điện chiều ngày 20-3, ông Nguyễn Anh Tuấn - cục trưởng Cục Điều tiết điện lực Bộ Công thương - cho biết theo tính toán thì nếu sử dụng điện ở mức từ 50-100kWh thì tiền trả thêm 14.000 đồng, tăng 8,4%.
Trường hợp khách hàng sử dụng đến đến 200kWh sẽ trả thêm 31.600 đồng, khách hàng sử dụng đến 300kWh sẽ trả thêm 53.000 đồng và ở mức trên 400kWh thì chi phí trả thêm là 77.200 đồng.
Nếu mức sử dụng như 2018, khách hàng kinh doanh (hiện có 443.000 hộ) số tiền bình quân phải trả tăng thêm hơn 500.000 đồng, các hộ sản xuất (hơn 1,4 triệu hộ) thì phải trả bình quân là 12,39 triệu đồng, tăng thêm 869.000 đồng.
Ông Đinh Quang Tri - phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) - cho biết việc điều chỉnh tăng giá điện lần này giúp doanh thu EVN tăng hơn 20.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, EVN phải chi trả chi phí đầu vào tăng thêm gồm than 7.000 tỉ đồng, chênh lệch giá khí bao tiêu gần 6.000 tỉ đồng, chênh lệch tỉ giá là 3.825 tỉ đồng cùng các khoản khác... với tổng số tiền lên tới 21.000 tỉ đồng.
"Chúng tôi là người trung gian thu trả cho thiên hạ, đối tác cung cấp than, khí, nhà máy điện bán cho EVN, thuế... EVN không thể nào cáng đáng được buộc đưa vào giá điện và phải tính toán, EVN cố gắng tự nguyện giảm chênh lệch tỉ giá 4.500 tỉ, phấn đấu cắt giảm không đưa vào giá điện" - ông Tri cho hay.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận