Khách hàng đăng ký gắn điện kế mua điện tại Công ty Điện lực Gò Vấp TP.HCM sáng 16-10 - Ảnh: Tự Trung |
Phân tích của nhiều chuyên gia, đại biểu Quốc hội... tại diễn đàn về tính giá điện do Trung tâm Phát triển sáng tạo xanh (GreenID), Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật VN tổ chức ngày 16-10 cho thấy có quá nhiều chi phí đầu vào khiến giá điện khó có thể giảm.
Tại diễn đàn, nhiều chuyên gia không chỉ góp ý về biểu giá mà kiến nghị giải pháp lâu dài để tăng quyền của người dân, công bằng hơn trong giá điện.
Đầu vào quá cao
Trình bày một báo cáo chuyên đề về giá điện VN, TS Ngô Đức Lâm, Liên minh Năng lượng bền vững VN, cho rằng đang có rất nhiều chi phí được tính vào giá điện đầu vào như khấu hao, nguyên nhiên vật liệu, lương thưởng, sửa chữa lớn, dịch vụ mua ngoài, chi phí phát triển khách hàng...
Trong các chi phí trên, chỉ hai chi phí là khấu hao và định mức lương là Nhà nước quy định, còn lại hoàn toàn do EVN (và các đơn vị phát điện khác - PV) quyết. Việc này ông Lâm nêu có thể ảnh hưởng đến yếu tố giảm giá thành.
Việc Bộ Công thương tổ chức đoàn kiểm tra giá thành rồi công bố, theo ông Lâm, là chưa đủ bởi chưa kê được hết các loại yếu tố chi phí kể trên.
Đặc biệt, báo cáo chuyên đề của ông Lâm nêu chi phí giá phát điện của VN cao là do nhiên liệu chịu tác động mạnh của hiệu suất thiết bị (lò, máy) và phương thức huy động của Trung tâm Điều độ hệ thống điện.
Cụ thể, mức tiêu hao nhiên liệu ở các lò tại VN hiện từ 560-700g/kWh, kể cả nhà máy mới đưa vào hoạt động cũng 450g/kWh trong khi mức của thế giới chỉ 380g/kWh. “Cả điều độ cũng chưa tối ưu nên dẫn đến chi phí cao và người tiêu dùng sẽ phải chịu chi phí này” - ông Lâm nói.
Trích dẫn báo cáo của chính Viện Năng lượng (Bộ Công thương), ông Lâm cho biết điện tự dùng của các nhà máy điện cũng nằm ở dải cao: từ 8,3-12,8%. Hiệu suất của các nhà máy cũng chỉ ở mức khoảng 39% (trên nguồn năng lượng đưa vào).
Ngoài ra, các nhà máy vận hành khoảng 10 năm hiệu suất chỉ còn 32% và hiệu suất trung bình toàn hệ thống chỉ 27,5%, theo ông Lâm, khiến tiêu hao nhiên liệu lớn. Chưa kể chi phí vận hành và sửa chữa cũng đều tăng so với định mức...
“Cơ chế cứ đầu vào tăng là cho tính tăng giá bán khiến triệt tiêu động lực phấn đấu giảm giá thành điện. Anh được quyền tự tính nên anh làm kiểu gì anh cũng có lãi” - ông Lâm nói.
6 năm, 8 lần tăng giá
PGS Nguyễn Minh Duệ, Đại học Bách khoa Hà Nội, khẳng định giá điện VN từ năm 2009 đến nay đã tăng tám lần, không giảm, giá bình quân đã tương đương 8,3 cent, khoảng trên 1.700 đồng/kWh (tính cả thuế VAT).
Đặc biệt, có năm đưa thủy điện Sơn La vào hoạt động khiến chi phí đầu vào giảm nhưng giá điện vẫn tăng. Cho rằng giá điện cần ổn định để ổn định vĩ mô, ông Duệ nêu ba giải pháp giảm giá điện: thúc đẩy điện cạnh tranh; nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và sử dụng điện; cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước. Ngoài ra, cần tăng thành phần tư nhân, vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào ngành điện.
Tương tự, ông Phạm Thế Minh, Tổng hội Xây dựng, cũng đặt câu hỏi vì sao nhiều thời điểm nhiên liệu đầu vào giảm, Nhà nước yêu cầu giá gas, vận tải giảm nhưng giá điện không giảm?
Chưa kể tổn thất truyền tải cũng giảm, song giá điện không giảm? Ông Minh kiến nghị về lâu dài nên tổ chức lại ngành điện theo hướng những nhà máy vừa và nhỏ nên bán, khoán, cho thuê.
Đại biểu Quốc hội Bùi Thị An (Hà Nội) thì nêu việc một số đơn vị EVN đã công khai minh bạch bằng cách mời người dân đi giám sát ghi chỉ số côngtơ. Nhưng côngtơ treo rất cao, lại kiểm tra chủ yếu giờ hành chính, lúc chỉ người già, trẻ con ở nhà.
“Cột cao thế, chẳng lẽ ông già bà lão trèo lên để giám sát ghi có đúng?” - bà An bình luận và đặt hàng loạt câu hỏi cho Cục Điều tiết điện lực: các nước chia biểu giá điện sinh hoạt, họ có độc quyền như ta hay họ có cạnh tranh? Đầu vào với ngành điện VN đã minh bạch chưa? Thấy EVN nói lỗ, vậy khi lỗ ai bù, hay dân cũng chịu?
Nhân viên Công ty Điện lực Gò Vấp (TP.HCM) ghi số điện kế tại một hộ gia đình trên đường Quang Trung, P.10, Q.Gò Vấp sáng 16-10 - Ảnh: Tự Trung |
Đang kiểm tra giá thành điện
Trả lời câu hỏi của đại biểu Bùi Thị An, ông Đinh Thế Phúc - cục phó Cục Điều tiết điện lực, Bộ Công thương - khẳng định ở ASEAN mới có hai nước có thị trường điện cạnh tranh là Philippines và Singapore. Ông Phúc nêu Bộ Công thương đang xúc tiến thị trường bán buôn cạnh tranh và năm 2021 sẽ thí điểm thị trường bán lẻ cạnh tranh.
Liên quan đến giá thành điện, ông Phúc nêu hiện đoàn kiểm tra giá thành điện đang đi kiểm tra ở EVN. Sau khi kiểm tra, trình Bộ Công thương, Bộ Tài chính xem xét có điều chỉnh giá điện hay không. Năm nay, ông Phúc cho biết đoàn kiểm tra ngoài các bộ, ngành, Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng, có mời thêm phía Quốc hội, Hội Điện lực...
Về việc áp dụng công nghệ hiện đại, giám sát ghi chỉ số, ông Phúc cho biết Bộ Công thương đang yêu cầu EVN lập đề án lắp côngtơ điện tử, đo chỉ số từ xa. Tuy nhiên, ông Phúc cho rằng cần có lộ trình để thực hiện, bởi VN đang có trên 20 triệu khách hàng dùng điện. “Hiện mới có trên 2 triệu côngtơ điện tử. Không thể thay một lúc, vì giá gấp ba lần côngtơ cơ” - ông Phúc nói.
Sớm trình phương án biểu giá điện mới Ông Đinh Thế Phúc cho biết theo lộ trình, EVN sẽ lấy ý kiến về các phương án biểu giá điện sinh hoạt mới và sẽ trình Bộ Công thương trong tháng 10-2015. Sau đó, Bộ Công thương sẽ thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định trong khoảng tháng 11-2015. Qua tổng hợp góp ý nhân dân, ông Phúc tiết lộ ý kiến người dân thiên về biểu giá điện sinh hoạt sẽ chỉ còn 3-4 bậc thay vì 6 bậc như hiện nay. |
Không thể chỉ có một mức giá Liên quan đến các phương án tính giá điện, nhiều chuyên gia đã phân tích phương án thứ hai mà EVN đưa ra “chỉ có một mức giá là 1.747 đồng/kWh” là không có lợi cho người nghèo. Ông Nguyễn Mạnh Hùng, phó chủ tịch Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng VN, cảnh báo nếu áp dụng một mức giá sẽ thuận tiện cho người bán nhưng tạo sự xáo trộn, hộ dùng ít, tiêu thụ không tăng vẫn phải tăng trả tiền điện. Vì đáng ra họ đang được hưởng giá chỉ khoảng 1.500 đồng/kWh do dùng ít, ở bậc thang thấp, bỗng nhiên phải trả tới 1.747 đồng/kWh. Trong khi đó, số hộ dùng dưới 200kWh/tháng chiếm khoảng 80%. Theo ông Đinh Thế Phúc, nhiều quốc gia gần đây đã giảm số bậc thang điện sinh hoạt, chẳng hạn Malaysia trước có 9 bậc giảm còn 5 bậc, Philippines trước 8 bậc mới giảm còn 4 bậc... Tuy nhiên, ông Phúc nêu hầu hết các nước đều theo bậc thang lũy tiến chứ không dùng một giá điện áp cho tất cả. “Ngay Nhật, Mỹ cũng áp dụng giá bậc thang” - ông Phúc nói. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận