26/12/2018 08:16 GMT+7

Giá dầu tiếp tục giảm, OPEC bất lực

TRẦN PHƯƠNG
TRẦN PHƯƠNG

TTO - Những biến động chính trị và xã hội gần đây ở Mỹ được cho là một trong những nguyên nhân khiến giá dầu tiếp tục giảm và thị trường tài chính thế giới chao đảo bất chấp nỗ lực cứu giá của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu (OPEC).

Giá dầu tiếp tục giảm, OPEC bất lực - Ảnh 1.

Một cơ sở khai thác dầu ở Texas, Mỹ, nước đang khai thác lượng dầu kỷ lục thời gian gần đây - Ảnh: Reuters

Cụ thể, giá dầu thô ngày 24-12 (giờ Mỹ) lần đầu tiên xuống dưới ngưỡng 45 USD/thùng trong 15 tháng qua, có lúc chạm đáy 42,53 USD - mức thấp nhất kể từ 2016. Mức giảm tương đương 6,7%, khoảng 3,06 USD.

Trong khi đó Brent giao sau cũng giảm 3,35 USD (6,2%), còn 50,47 USD/thùng. Nếu tính từ "đỉnh điểm" 77 USD/thùng hồi đầu tháng 10, giá dầu thô ở Mỹ đã mất gần 45%. Giá dầu Brent cũng mất 42% trong cùng khoảng thời gian này.

Giá dầu thấp hơn cũng có nghĩa là trợ giá ít hơn. Nhiên liệu rẻ sẽ làm tăng chi tiêu tiêu dùng. Về tác động của sự trồi sụt của giá dầu lên tăng trưởng kinh tế và xuất khẩu, điều này có thể quản lý và giảm thiểu được"

Giám đốc LEE HENG GUIE của Trung tâm Nghiên cứu kinh tế xã hội Malaysia

Lo ngại nhất thời?

Nhằm chặn đà giảm giá dầu, các nước thành viên và các đồng minh do Nga dẫn dắt họp tại Vienna, Áo đầu tháng này đã nhất trí cắt giảm sản lượng 1,2 triệu thùng/ngày bắt đầu từ tháng 1-2019. Tuy nhiên, các nỗ lực kềm giá dầu hầu như không mấy tác dụng.

Theo giới quan sát, động thái của OPEC không thể trấn an các lo ngại về dự báo suy giảm nhu cầu dầu trong năm sau và việc Mỹ tăng nguồn cung. Ngoài ra, nhiều người hoài nghi việc OPEC có thể đảm bảo việc cắt giảm sản lượng khi một số thành viên bằng mặt nhưng chưa chắc bằng lòng.

Căng thẳng tài chính, thương mại, tăng lãi suất... đang làm gia tăng lo ngại về tăng trưởng kinh tế toàn cầu, điều này cũng sẽ tác động lớn tới nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu. Bên cạnh đó, số lượng dầu được lọc ở Trung Quốc giảm mạnh trong tháng 11-2018 là dấu chỉ rõ nhất về sự suy giảm nhu cầu dầu.

Trước diễn biến mới, OPEC đã nhất trí sớm tổ chức họp bất thường để tìm giải pháp. Các nước Iraq, Kuwait, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) tuần trước thậm chí kêu gọi cắt giảm thêm sản lượng từ giữa 2019. "Nếu cắt giảm 1,2 triệu thùng không đủ, chúng tôi sẽ gặp và xem bao nhiêu là đủ và sẽ hành động" - Bộ trưởng năng lượng UAE Suhail al-Mazrouei tuyên bố hôm 23-12.

Các chuyên gia nhận định về ngắn hạn, giá dầu sẽ khó giảm thêm nhưng bức tranh kinh tế ảm đạm sẽ tiếp tục gây sức ép lên giá dầu trong thời gian tới. Nhiều ngân hàng cũng giảm dự báo về giá dầu trong năm tới. Tuy nhiên, một số ý kiến lạc quan cho rằng giá dầu sẽ ổn định, thậm chí tăng trong năm sau, cho biết sự sụt giảm hiện tại chỉ là do những lo ngại nhất thời.

"Vấn đề của thị trường dầu hiện tại chỉ là thiếu nhu cầu đầu tư thụ động và thiếu các quỹ đặt lệnh mua dầu. Tôi nghĩ tình trạng này chỉ nhất thời và chúng ta sẽ sớm biết rõ vào 2019" - Stephen Innes, một lãnh đạo của Tập đoàn Oanda, nói và dự báo giá dầu Brent có thể đạt 70 USD/thùng vào 2019.

Chứng khoán chao đảo

Các lo ngại còn đến từ thị trường tài chính khi thị trường thế giới đồng loạt chìm trong sắc đỏ dịp lễ Giáng sinh. Các chỉ số trên thị trường chứng khoán Mỹ ngày 24-12 (giờ địa phương) tiếp tục giảm điểm trong phiên thứ 4 liên tiếp, với chỉ số Dow Jones giảm xuống mức thấp nhất trong 15 tháng qua.

Tiếp nối đà giảm, thị trường châu Á ngày 25-12 cũng lao dốc với chỉ số Nikkei, Nhật Bản giảm 5% xuống mức thấp nhất trong 20 tháng qua, theo CNN, trong khi chỉ số Shanghai Composite của Trung Quốc có lúc mất đến 2,5%. "Thị trường đang bị ‘đập’ từ mọi hướng" - một chuyên gia trong ngành nhận xét.

"Những gì đang diễn ra trên thị trường chứng khoán làm tăng lo sợ rằng kinh tế sẽ chững lại và về cơ bản sẽ triệt nhu cầu về dầu. Giá dầu sẽ trở nên đắt đỏ trong sự ì ạch của kinh tế nếu không nói là suy giảm" - nhà phân tích Phil Flynn của Price Futures Group, Mỹ, đánh giá.

Theo giới đầu tư, việc Tổng thống Mỹ Donald Trump chỉ trích Cục Dự trữ liên bang (FED) tiếp tục tác động tiêu cực tới thị trường trước những quan ngại sẵn có về tăng trưởng của kinh tế toàn cầu, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung chưa có hồi kết cũng như việc FED tiếp tục tăng lãi suất.

Bên cạnh đó, Chính phủ Mỹ tiếp tục đóng cửa trong dịp lễ do bế tắc về vấn đề kinh phí cho bức tường an ninh dọc biên giới Mexico. Các lo ngại đã khiến nhiều nhà đầu tư thời gian qua tháo chạy sang các lĩnh vực ít rủi ro hơn như đầu tư vàng và mua nợ chính phủ.

Giá xăng dầu ở Việt Nam chỉ giảm nhẹ

Chiều 21-12, Bộ Công thương tiếp tục điều chỉnh giảm 300-400 đồng/lít xăng dầu (tùy loại) và là kỳ điều hành thứ 5 liên tiếp giá giảm. Với đà giảm mạnh của giá xăng dầu thế giới trong 2 tháng qua, lẽ ra giá xăng dầu trong nước có thể được điều chỉnh giảm mạnh hơn nếu như cơ quan điều hành không điều chỉnh tăng mạnh mức trích lập vào quỹ bình ổn xăng dầu, với trên 1.000 đồng/lít các loại; dầu các loại là 1.200 đồng.

Nguyên nhân của việc tăng mạnh tiền trích lập vào quỹ bình ổn giá xăng dầu là do số dư quỹ bình ổn đã giảm mạnh. Theo Petrolimex, lũy kế đến hết ngày 30-11-2018 thì số dư cuối kỳ chỉ còn lại trên 1.371 tỉ đồng.

Từ đầu năm 2018, tính đến thời điểm này, thị trường đã trải qua 24 kỳ điều hành giá xăng. Theo đó, Bộ Công thương hầu hết đã chi mạnh quỹ bình ổn để giữ ổn định giá xăng dầu, số lần giảm nhiều hơn tăng, nên sẽ giúp các đơn vị vận tải giảm đáng kể chi phí đầu vào.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, một đại diện của tổ điều hành thị trường trong nước của bộ cho biết từ ngày 1-1-2019 quy định tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu sẽ chính thức có hiệu lực. Theo đó, mỗi lít xăng RON95 sẽ được điều chỉnh tăng thêm 1.000 đồng, các mặt hàng dầu tăng từ 500-1.100 đồng/lít. Đặc biệt khi đây là thời điểm gần Tết Nguyên đán nên việc tăng mạnh giá bán lẻ xăng dầu sẽ làm giá hàng hóa, nguyên liệu, dịch vụ vận tải tăng theo, tạo áp lực lên CPI.

NGỌC AN

OPEC đang rung lắc, giá dầu có nhảy múa theo?

TTO - Tương lai ngành công nghiệp dầu mỏ đang trở nên bất định trước các biến động địa chính trị, xu hướng năng lượng tái tạo và cả tình trạng biến đổi khí hậu mà thế giới đang phải đối mặt.

TRẦN PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên