Một tàu chở dầu cập cảng tại thành phố Nam Thông, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc vào năm 2019 - Ảnh: REUTERS
Tính đến 8h30 sáng 6-4 theo giờ Việt Nam, Hãng tin Bloomberg ghi nhận giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 1,3% xuống còn 101 USD/thùng.
Giá dầu Brent giao tháng 6-2022 cũng giảm 0,3% xuống 106,37 USD/thùng trên sàn giao dịch của châu Âu.
Mặc dù EU sẽ áp dụng các hình phạt bổ sung đối với Nga vì cuộc chiến ở Ukraine, dầu thô vẫn chưa trở thành mục tiêu của những biện pháp này.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết khối sẽ tiếp tục thúc đẩy cuộc tranh luận giữa các thành viên về việc áp trừng phạt đối với dầu thô của Nga.
Trong khi đó, đồng USD vẫn duy trì đà tăng sau khi nhảy vọt vào ngày 5-4. Đồng USD mạnh hơn thường làm cho hàng hóa được định giá bằng đồng tiền này trở nên kém hấp dẫn hơn, trong đó có cả dầu thô.
Giá dầu đã tăng khoảng 30% trong quý đầu tiên của năm 2022, chạm mức cao nhất kể từ năm 2008, do "chiến dịch quân sự đặc biệt" của Nga tại Ukraine và phản ứng dữ dội từ Mỹ và phương Tây sau đó.
Trong khi Anh và Mỹ đều đã cấm vận dầu thô của Nga, giới chuyên gia nhận định EU sẽ khó đưa ra động thái tương tự vì sự phụ thuộc vào nguồn dầu từ Nga.
Washington đã phối hợp với đồng minh nhằm khai thác nguồn dự trữ xăng dầu chiến lược, cố gắng làm dịu giá cả.
Theo Bloomberg, các nhà đầu tư đang theo dõi đợt bùng phát COVID-19 ở Trung Quốc - nhà nhập khẩu dầu hàng đầu thế giới. Việc một loạt thành phố tại Trung Quốc bị phong tỏa cũng ảnh hưởng đến nhu cầu năng lượng toàn cầu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận