Cơ sở xử lý dầu tại mỏ dầu Vankorskoye thuộc sở hữu của Công ty dầu khí Rosneft ở phía bắc Krasnoyarsk, Nga - Ảnh: REUTERS
Giá dầu đã tăng hơn 10% trong phiên giao dịch ngày 1-3 trước khi giảm nhẹ trở lại. Cụ thể, theo kênh CNBC, giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) đã tăng 11,5% lên 106,78 USD/thùng. Sau đó, kết thúc phiên giao dịch, giá dầu tăng 8%, ở mức 103,41 USD một thùng, cao nhất kể từ năm 2014.
Trong khi đó, giá dầu thô Brent (được xem là tiêu chuẩn cho giá dầu thế giới) tăng 7,1% lên mức 104,97 USD một thùng.
Cùng ngày, Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) thông báo các nước thành viên của họ đã đồng ý "xả" 60 triệu thùng dầu từ các kho dự trữ khẩn cấp.
Theo Hãng tin AFP, đây là nỗ lực nhằm trấn an thị trường đang xáo trộn, trong bối cảnh nhiều người lo ngại dầu thô của Nga sẽ bị ảnh hưởng do các biện pháp trừng phạt của phương Tây, hoặc lo ngại Nga sẽ sử dụng dầu thô làm "vũ khí chính trị".
Thông báo của IEA được đưa ra trước cuộc họp quan trọng về sản lượng của OPEC và các nhà sản xuất đối tác (không phải là thành viên OPEC, trong đó có Nga).
Trong khi đó, các thị trường chứng khoán Frankfurt (Đức) và Paris (Pháp) chứng kiến mức giảm 3,9%. Thị trường chứng khoán London (Anh) ghi nhận mức giảm 1,7%.
Phố Wall cũng "nối gót", với các chỉ số chính giảm hơn 1,5%. Chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 1,76% xuống 33.294,95 điểm, còn chỉ số S&P 500 giảm 1,55% xuống 4.306,24 điểm.
Ông Art Hogan, chiến lược gia trưởng tại Công ty National Securities, nhận định hiện nay các nhà đầu tư cho rằng có ít khả năng xuống thang căng thẳng Nga - Ukraine.
Các lệnh trừng phạt của phương Tây nhắm vào Nga đã khiến đồng rúp mất giá kỷ lục và buộc Ngân hàng Trung ương Nga tăng lãi suất hơn gấp đôi lên 20%. Sàn giao dịch chứng khoán Matxcơva vẫn đóng cửa vào ngày 1-3 và đây được xem là nỗ lực của nhà chức trách nhằm ngăn chặn một đợt bán tháo khác.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận