Hoạt động sản xuất tại Tổng kho xăng dầu Nhà Bè, TP.HCM và biểu đồ diễn biến giá dầu thế giới - Ảnh: Huy Hùng - Đồ họa: Tấn Đạt |
Giá thành sẽ tăng và cạnh tranh khó khăn hơn. Đặc biệt, theo các chuyên gia, “bóng ma” lạm phát có nguy cơ quay trở lại nếu giá dầu tăng cao, đồng thời khuyến cáo phải thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt hơn nhằm phòng ngừa lạm phát.
Cao su và dầu khí mừng
Đang tất bật cho vụ thu mủ cao su mới, ông Dương Đình Khoa - chủ vườn cao su tiểu điền hơn 5ha (tại xã Phước Tân, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) - cho biết thông tin từ các đầu mối thu mua cho thấy giá mủ tươi đã khả quan trở lại.
“Theo thông báo của các cơ sở thu mua, giá mủ tươi hiện khoảng 300 đồng/độ, tăng gần 58% so với mức giá vào cuối niên vụ khai thác trước” - ông Khoa cho biết.
Trước đó, theo ông Khoa, khi giá mủ tươi xuống còn 190 đồng/độ vào cuối vụ khai thác năm ngoái, nhiều chủ vườn cao su tiểu điền đã phải ngừng khai thác mủ do tiền bán mủ chưa đủ trả công, thậm chí nhiều hộ chặt bỏ cây cao su để chuyển sang cây trồng khác.
Tuy nhiên, khi giá dầu thế giới tăng trở lại thời gian gần đây, giá mủ cao su tự nhiên cũng tăng theo, nhiều chủ vườn hi vọng năm nay sẽ có lãi.
Tương tự, ông Nguyễn Văn Tiến (Đồng Phú, Bình Phước) cho biết với giá mủ tươi 290-300 đồng/độ hiện nay, người trồng cao su đã bắt đầu có lời chứ không còn thua lỗ hoặc lấy công làm lời như hồi cuối năm ngoái nữa. “Chỉ sợ đến mùa cạo mủ thì nguồn cung nhiều giá lại giảm” - ông Tiến nói.
Một lãnh đạo Hiệp hội Cao su VN (VRA) cũng cho biết cùng với việc giá dầu tăng trở lại và nguồn cung hạn chế do nhiều nông dân chủ động ngưng cạo mủ, giá xuất khẩu cao su cũng tăng trở lại và các DN cao su đã “dễ thở” hơn.
“Giá cao su xuất khẩu hiện ở mức 33-34 triệu đồng/tấn, thậm chí lên tới 37 triệu đồng/tấn vào cuối tháng 4-2016, tăng 32-42% so với mức giá xuất khẩu vào đầu năm nhờ giá dầu thế giới nhích lên” - vị này cho biết.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Hùng Dũng - phó tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí quốc gia VN - cũng cho rằng giá dầu tăng lên 50 USD/thùng trong mấy ngày qua là tín hiệu mừng cho ngành dầu khí VN.
“Nếu giá dầu duy trì ở mức này hoặc tăng cao hơn nữa, ngành dầu khí sẽ bớt đi những khó khăn, tăng được nguồn thu nộp cho ngân sách nhà nước cũng như góp phần đảm bảo an ninh năng lượng” - ông Dũng nói.
Tuy nhiên, ông Bùi Hoàng Điệp - phó giám đốc Công ty PTSC M&C (chuyên chế tạo các giàn khoan dầu khí) - cho rằng mức giá dầu hiện nay vẫn chưa ổn định và “chưa đủ độ “nóng” để các dự án khởi động lại, bởi nhiều mỏ khai thác dầu tại VN điểm hòa vốn phải ở mức 60-65 USD/thùng.
“Giá dầu tăng nhưng phải ổn định và lâu dài, các nhà đầu tư mới có niềm tin để quay lại đầu tư vì đầu tư khai thác dầu là đầu tư dài hạn” - ông Điệp cho biết.
Xăng tăng giá sẽ tác động đến giá cả thị trường. Trong ảnh: khách hàng đổ xăng trên đường Lê Đại Hành, Q.10, TP.HCM - Ảnh: Quang Định |
Nhiều doanh nghiệp lo
Trong khi đó, nhiều DN lo rằng giá xăng dầu tăng trở lại sẽ đe dọa đến chi phí hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhất là trong bối cảnh mặt bằng lãi suất đang tăng cao.
Theo ông Nguyễn Trí Kiên - giám đốc Công ty Miti, với mức giá xăng dầu đứng ở mức thấp vừa qua, nhiều DN cảm thấy dễ thở vì chi phí vận chuyển chiếm khá cao trong giá thành sản phẩm. Vì vậy, việc giá xăng dầu tăng trở lại gần đây chắc chắn sẽ tác động đến hoạt động của DN, DN phải tiếp tục theo dõi để tính toán.
Ông Nguyễn Văn Tuấn, phó chủ tịch Hiệp hội Bông sợi VN, cho biết VN hiện vẫn phải nhập thêm 200.000 tấn sợi/năm mới đủ cho nhu cầu sử dụng, trong khi số sợi này đều có gốc hóa dầu nên khi giá dầu tăng, chắc chắn giá sợi cũng sẽ tăng theo, ảnh hưởng đến giá thành sản phẩm dệt may.
Tuy nhiên, hiện giá sợi chưa có biến động gì nhiều do còn phụ thuộc vào nhu cầu thị trường, chưa kể lượng hàng tồn kho của nhà cung cấp vẫn còn tương đối lớn.
Theo các DN sản xuất nhựa, thông thường đều có một độ trễ nhất định về mức giá giao dịch nguyên liệu nhựa.
Giám đốc một DN cho biết ở thời điểm giá dầu lao dốc, giá nguyên liệu hạt nhựa vẫn không giảm theo mức giảm của giá dầu, dù gốc của nó vẫn từ hóa dầu mà ra. Tuy nhiên, điều mà các DN lo là khi giá dầu tăng trở lại, giá nguyên liệu nhựa sẽ ăn theo.
“Mức giá cuối cùng đều do nhà cung cấp quyết định vì hơn 80% nguồn nguyên liệu nhựa mà các DN trong nước sử dụng hiện nay đều phải nhập khẩu từ nước ngoài” - ông Cao Văn Sang, tổng giám đốc Công ty CP Nhựa Sài Gòn, cho hay.
Một tiểu thương hàng thời trang ở chợ An Đông (Q.5) cũng cho biết kinh doanh mặt hàng quần áo, thời trang những tưởng không liên quan đến xăng dầu nhưng thật ra quan hệ chặt chẽ.
Mấy năm trước, mỗi lần giá xăng dầu tăng kiểu gì vài tháng sau các mối giao hàng tăng giá theo. Hơn một năm nay, giá xăng dầu giảm liên tục và duy trì ở mức thấp, cộng sức mua cũng yếu nên giá cả các mặt hàng không hề tăng.
“Xăng dầu mà tăng kiểu gì phí vận chuyển cũng tăng đầu tiên” - tiểu thương này nói.
Áp lực lạm phát
Theo bà Đỗ Thị Ngọc - phó vụ trưởng Vụ Thống kê giá Tổng cục Thống kê, giá xăng dầu tăng chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI). Ngoài ảnh hưởng trực tiếp, giá xăng dầu tăng còn làm tăng giá đầu vào các ngành sản xuất, dịch vụ.
Khi đầu vào tăng, nhiều khả năng giá một số loại hàng hóa dịch vụ sẽ tăng theo, tiếp tục đẩy CPI cao lên. “Giá xăng tăng vào các ngày 20-4 và 5-5 đã dẫn tới chỉ số giá nhóm nhiên liệu tăng 5,15% so với tháng trước, góp phần tăng CPI chung khoảng 0,21%” - bà Ngọc cho biết.
TS Nguyễn Sơn, Viện Kinh tế và chính trị thế giới, nhận định lạm phát ở VN tăng thời gian qua do nhiều yếu tố, trong đó có nguyên nhân từ giá xăng dầu tăng.
Theo ông Sơn, mặt tích cực của giá dầu tăng là sẽ giúp thu ngân sách tăng. Theo như tính toán trước đó, giá dầu giảm 1 USD thì ngân sách thất thu khoảng 1.500 tỉ. Ngược lại, giá dầu tăng 1 USD, ngân sách cũng sẽ tăng thu khoảng 1.500 tỉ đồng.
Tuy nhiên, theo ông Sơn, việc tăng thu này không phải là nhiều, vì trước đây VN quen thu ở giá dầu tầm 100 USD/thùng, còn hiện nay chỉ 50 USD/thùng, tổng thu chưa phải lớn.
Dù vậy, điều ông Sơn lo ngại là với tốc độ tăng CPI như hiện nay, lạm phát cả năm của VN nhiều khả năng sẽ vượt 5%, bởi tháng 5 là tháng không cao điểm mà CPI tháng này đã tăng 0,54%, những tháng cuối năm có thể sẽ còn cao hơn.
“Đã đến lúc giảm cho vay chi tiêu. Chính sách tiền tệ cần làm từ sớm, trước 5-6 tháng, đợi khi lạm phát tăng cao rồi sẽ trễ” - ông Sơn khuyến cáo.
GS Trần Ngọc Thơ, trưởng khoa tài chính doanh nghiệp Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, cho rằng tùy theo giá dầu ở ngưỡng nào, nó sẽ có những ảnh hưởng khác nhau.
Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất hiện nay cần lưu tâm là “bóng ma lạm phát” có nguy cơ trỗi dậy, khi DN sẽ tính trước chi phí giá dầu vào trong giá thành sản phẩm, tạo ra tâm lý lạm phát trên toàn thị trường.
Do đó, theo ông Thơ, việc Chính phủ cần phát ra những tín hiệu gì trong chính sách điều hành tiền tệ, hoặc có những biện pháp nào để trấn an thị trường ở các thời điểm phù hợp là hết sức quan trọng.
Giá dầu có thể tăng nhưng cũng có thể giảm. Vấn đề là DN, người dân có thể hình dung được diễn biến sắp tới của thị trường sẽ hình thành nên mặt bằng giá như thế nào.
“Thị trường sẽ không hốt hoảng cho dù giá dầu có tăng nếu Chính phủ có những thông điệp điều hành thị trường được phát đi kịp thời. Đây mới là điều quan trọng” - ông Thơ khẳng định.
* TS Nguyễn Sơn (Viện Kinh tế và chính trị thế giới): Đời sống người dân sẽ khó khăn nếu lạm phát tăng Nếu để CPI tăng trên 5%, nhiều thứ khác sẽ căng thẳng. Và nếu giá cả tăng trong khi thu nhập không tăng, đời sống người dân sẽ khó khăn. Đó là chưa kể CPI tăng sẽ phải tăng lãi suất, đẩy giá đầu vào của DN tăng, tiêu thụ và sản xuất gặp khó khăn sẽ ảnh hưởng đến công ăn việc làm và thu nhập, tiếp tục kéo sản xuất giảm. Đặc biệt, CPI tăng trong thời gian gần đây không hẳn do tăng cầu, do thu nhập tăng mà do chi phí đẩy, tức giá tăng. Do đó, quan trọng nhất vẫn là giữ ổn định vĩ mô để đảm bảo đời sống người dân. Kinh tế toàn cầu sẽ ổn định khi giá dầu phục hồi Giá dầu thô thế giới sáng 27-5 (giờ VN) giảm nhẹ sau khi bất ngờ vượt mốc 50 USD/thùng lần đầu tiên trong gần bảy tháng qua, khi số liệu lưu trữ cho thấy dư thừa nguồn cung toàn cầu đang giảm. Guardian dẫn lời nhiều chuyên gia phân tích dự đoán sự hồi phục giá dầu sẽ giúp vực dậy ngành công nghiệp dầu Biển Bắc và giúp ổn định lại nền kinh tế toàn cầu vốn đã trồi sụt theo giá dầu suốt thời gian qua. Chuyên gia Julian Jessop nhận định rằng: “Giá dầu ở mức 50-60 USD là đủ cao để giải tỏa áp lực cho các nhà sản xuất, trong khi mức này vẫn đủ thấp để thúc đẩy chi tiêu hàng hóa và các dịch vụ khác”. Theo Wall Street Journal, giá dầu thô Mỹ bán ra trong tháng 7 tại sàn giao dịch New York giảm 0,2% xuống còn 49,48 USD/thùng. Giá dầu thô Brent mất 0,3% xuống còn 49,59 USD/thùng tại sàn ICE Future Europe. Trước đó, trong phiên giao dịch đầu ngày 26-5 cả giá dầu thô Mỹ và giá dầu thô Brent đều trên mốc 50 USD/thùng. Như vậy, sau khi rơi xuống mức thấp nhất trong suốt 13 năm qua vào tháng 2-2016, giá dầu hiện đã tăng 89% nhờ sự gián đoạn trong khâu sản xuất và trong các đường ống dẫn dầu, chủ yếu do cháy rừng tại Canada và sự bất ổn của Nigeria ở châu Phi, vốn cung cấp khoảng 3,4 triệu thùng dầu/ngày. |
Giá rau củ, thực phẩm tăng Hàng loạt mặt hàng rau xanh, trái cây tươi vẫn neo giá cao với rất nhiều lý do như hạn hán kéo dài, chi phí vận chuyển chỉ tăng không giảm. Do đó, nhiều tiểu thương cũng bày tỏ lo lắng giá các loại nông sản thực phẩm không những không giảm mà sẽ tiếp tục tăng cao trong thời gian tới do ăn theo giá xăng dầu tăng. Cụ thể, so với hồi tháng 4-2016, giá hàng hóa tại các chợ đầu mối đã tăng phổ biến từ 10.000-20.000 đồng/kg. Như quả chanh tăng từ 22.000 đồng/kg lên 27.000 đồng/kg; thanh long từ 20.000 đồng/kg vọt lên 30.000-32.000 đồng/kg; các loại trái cây giải nhiệt khác như cam sành, quýt đường... đều tăng nhẹ từ 5.000-7.000 đồng/kg. Tại các chợ lẻ, giá rau xanh, rau có lá đều tăng thêm 2.000-5.000 đồng/kg. Các loại rau như mùi tàu, tía tô, húng cây, giá tăng trên 60.000 đồng/kg, rất cao so với mức 40.000-50.000 đồng/kg từ hồi đầu năm. Chỉ vào đống rau cải ngọt mới nhập về, chị Triều - tiểu thương chợ Phạm Văn Hai - nói: “Hôm nay may còn có hàng mà bán, mấy hôm trước thì làm gì có đâu mà mắc với rẻ”. Theo chị Triều, nguyên nhân chủ yếu do hạn quá, miền Tây rau xấu nên nhập hàng chỗ được chỗ không, giá đã cao lại còn rất khó nhập. Tương tự, anh Tùng - chợ Bàu Cát (Tân Bình) - cho biết dù cam sành rất dồi dào nhưng giá vẫn tăng. Theo nhiều tiểu thương, ngoài nguyên nhân từ nguồn cung hạn chế, giá hàng hóa tăng cao một phần cũng tác động từ giá xăng dầu thời gian qua đã tăng trở lại. Một tiểu thương cho biết dù giá xăng dầu tác động không nhiều tới chi phí vận chuyển hàng hóa nhưng mỗi đợt giá xăng dầu tăng, tiểu thương lại phải chịu thêm chi phí vận chuyển từ các nhà xe, thương lái. “Một tạ trái cây từ Thủ Đức về chợ Tân Trụ tùy mối, có khi 300.000-400.000 đồng/chuyến, xăng mà tăng thì lại nhích lên chút ít, hồi nào giờ vẫn vậy rồi, bảo sao giá bán lẻ không tăng cho được” - anh Trần Văn Định (chợ Tân Trụ) nói. Cũng theo anh Định, nhiều xe không cần biết như thế nào nhưng cứ xăng dầu tăng là họ lại tăng giá vận chuyển, nhà nào nhập ít, tự chở được hàng thì đỡ được chút ít, còn thuê xe là đều chịu giá chi phí tăng khi giá xăng tăng. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận