Một mỏ dầu ở Nga - Ảnh: REUTERS
Giá dầu Brent giảm 16,84 USD, tương đương 13,2%, xuống còn 111,14 USD/thùng, phiên giảm mạnh nhất kể từ ngày 21-4-2020.
Giá dầu WTI giảm 15,44 USD, tương đương 12,5%, còn 108,7 USD/thùng, phiên giảm mạnh nhất kể từ tháng 11-2021.
"Chúng tôi ủng hộ tăng sản lượng và sẽ khuyến khích OPEC cân nhắc sản xuất nhiều hơn", đại sứ UAE tại Mỹ Yousuf al-Otaiba viết trên Twitter.
Theo Hãng tin Reuters, UAE và nước láng giềng Saudi Arabia thuộc số ít thành viên OPEC có thể tăng sản lượng. Trước đó, Mỹ kêu gọi các nước sản xuất dầu mỏ tăng sản lượng nếu có thể.
"Trong thời điểm khủng hoảng này, chúng ta cần thêm nguồn cung", Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Jennifer Granholm nói. "Chúng ta cần tăng sản xuất dầu và khí đốt để đáp ứng nhu cầu".
Nguồn cung bổ sung từ OPEC có thể bù đắp phần nào thiếu hụt từ Nga, sau khi nước này bị Mỹ và phương Tây áp trừng phạt liên quan đến chiến sự ở Ukraine.
"Sản lượng tăng thêm đó không ý nghĩa gì. UAE có thể tung 800.000 thùng ra thị trường rất nhanh, thậm chí ngay lập tức, nhưng chỉ thay thế được 1/7 nguồn cung từ Nga" - Bob Yawger, giám đốc năng lượng tương lai tại Ngân hàng Mizuho, cho biết.
OPEC thay đổi quan điểm trong tuần này khi tổng thư ký Mohammed Barkindo nói nguồn cung ngày càng tụt lại so với nhu cầu.
Tuần trước, OPEC+ (OPEC và các nhà sản xuất liên minh) cho rằng giá dầu tăng vì yếu tố địa chính trị hơn là thiếu nguồn cung, đồng thời quyết định không tăng thêm sản lượng.
OPEC+, bao gồm Nga, đặt mục tiêu tăng 400.000 thùng/ngày mỗi tháng và từ chối lời kêu gọi tăng cung từ Mỹ cũng như nhiều quốc gia tiêu thụ dầu khác.
Nga là nước xuất khẩu dầu thô và nhiên liệu hàng đầu thế giới, cung cấp khoảng 7 triệu thùng dầu mỗi ngày, chiếm 7% nguồn cung toàn cầu.
Giá dầu đã giảm sau khi Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) thông báo có thể xả thêm dầu từ kho dự trữ để ứng phó.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận