14/11/2018 10:55 GMT+7

Giá dầu chạm đáy thảm hại trong 3 năm qua

NHẬT ĐĂNG
NHẬT ĐĂNG

TTO - Giá dầu thô đang lao dốc trong bối cảnh các nước, đặc biệt là 3 ông lớn Saudi Arabia, Nga và Mỹ, cùng tăng nguồn cung nhằm bù đắp khoảng thiếu hụt do Iran bị Mỹ trừng phạt.

Giá dầu chạm đáy thảm hại trong 3 năm qua - Ảnh 1.

Một giếng dầu ở Iran. Do Iran bị Mỹ cấm vận trở lại, thị trường trở nên khó đoán định - Ảnh: AFP

Kết thúc ngày 13-11, giá dầu ở thị trường Mỹ giảm 7% xuống còn 55,69 USD/thùng, thấp nhất trong năm nay. Đây cũng là ngày sụt giá thảm hại nhất của dầu thô kể từ tháng 9-2015, theo đài CNN.

Tình trạng này diễn ra trong bối cảnh lo ngại ngày càng tăng về việc nguồn cung trở nên thừa mứa. Giá dầu thô đã giảm liên tục trong 12 ngày, giai đoạn dài nhất kể từ khi giao dịch được tính vào tháng 3-1983. 

Ông Clay Seigle, Giám đốc quản lý phụ trách dầu mỏ tại Công ty phân tích, tư vấn năng lượng Genscape, trụ sở ở New York (Mỹ) nhận định tình trạng sụt giảm đã bao trùm cả thị trường dầu.

Đây là sự thay đổi rất lớn nếu biết rằng mới chỉ đầu tháng 10 qua, giá dầu đã leo lên mốc cao nhất trong 4 năm, đạt 76 USD/thùng.

Giá dầu thô lao dốc tuần trước, và tình trạng bán ra bắt đầu tăng tốc kể từ đó. Thậm chí các nỗ lực của "đại gia dầu lửa" Saudi Arabia cũng không cải thiện được tình hình.

Hôm 12-11, Saudi Arabia công bố kế hoạch cắt giảm 500.000 thùng/ngày, đồng thời nhấn mạnh khả năng tiếp tục thúc Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cắt giảm sản lượng tại cuộc họp ở Vienna (Áo) tháng tới.

Nguyên nhân của việc giá dầu giảm đa phần tập trung vào lệnh trừng phạt kinh tế áp lên Iran, liên quan tới cáo buộc từ phía Mỹ cho rằng Tehran vi phạm thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015.

Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump trên thực tế muốn gây áp lực tối đa lên Iran, bằng cách cắt luôn "yết hầu" xuất khẩu dầu mỏ của nước này. 

Dù vậy, các quan chức Mỹ sau đó được cho đã có cách tiếp cận mềm mỏng hơn vì lo ngại thị trường dầu mỏ sẽ hỗn loạn. 

Cụ thể, chính quyền ông Trump cho phép Trung Quốc, Ấn Độ và một số quốc gia khác tiếp tục mua dầu từ Iran, đài CNN cho biết.

Nhưng ngược lại, Mỹ cùng Saudi Arabia và Nga vẫn đang tăng sản lượng trong vài tháng nay, với lý do bù đắp thiếu hụt từ việc Iran bị hạn chế đầu ra. Điều này khiến nguồn cung tăng đột biến.

Ngoài ra, lo ngại về sức khỏe của nền kinh tế dầu mỏ cũng ám ảnh những quan sát về nhu cầu. Gần một nửa các nhà quản lý đầu tư trong khảo sát của ngân hàng Mỹ Bank of America Merrill Lynch kỳ vọng tăng trưởng toàn cầu sẽ tăng tốc trong 12 tháng tới, và đây là tỉ lệ lạc quan thấp nhất kể từ tháng 11-2008.

Ông Michael Wittner, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu dầu mỏ toàn cầu của Ngân hàng Société Générale, nhận định: "Mặc dù nhu cầu có vẻ được duy trì tốt, vẫn có những lo ngại về chiến tranh thương mại, các nền kinh tế mới nổi và đồng đôla mạnh. Tâm lý tiêu cực là điều dễ thấy".

NHẬT ĐĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên