Hội nghị lấy ý kiến đại biểu HĐND TP.HCM về dự thảo bảng giá đất trên địa bàn TP tổ chức chiều 20-8 do Phó chủ tịch HĐND TP.HCM Phạm Thành Kiên chủ trì.
Tỉ lệ điều chỉnh giá đất cần phù hợp
Tại hội nghị, đại biểu Trần Văn Khuyên, bí thư Huyện ủy huyện Hóc Môn, góp ý mục tiêu của bảng giá đất cần phải hướng tới đời sống người dân nhiều hơn.
Ông Khuyên nêu thực tế hiện nay ở khu vực nông thôn đất nông nghiệp khi chuyển mục đích, chuyển quyền sử dụng là vấn đề rất lớn. Ví dụ có nhà ở Hóc Môn có đến 2-3 đứa con phải tách thửa, chuyển quyền sử dụng đất mới xây nhà ở được. Trong khi có một số tuyến giá tăng đến 50 lần sẽ gây khó cho dân.
Đại biểu Vương Đức Hoàng Quân cũng cho rằng việc điều chỉnh bảng giá đất cần xem xét thêm mục tiêu về tính ổn định kinh tế - xã hội, ổn định giá cả, tránh lạm phát. Vì vậy việc điều chỉnh giá đất cần phải đánh giá tác động thật cụ thể, định lượng chứ không định tính...
"Cần xây dựng các lộ trình với các mức giá tốt nhất để phù hợp. Bởi nếu giá đất cao khiến người dân không đủ tiền chuyển mục đích sử dụng đất sẽ dẫn đến tình trạng vi phạm xây dựng, sử dụng đất không đúng mục đích", ông Quân nói.
Góp ý kiến, Chánh Thanh tra TP.HCM Trần Văn Bảy cho rằng việc điều chỉnh bảng giá đất là cần thiết và có cơ sở pháp lý. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là mức điều chỉnh như thế nào cho phù hợp.
“Nếu bây giờ không điều chỉnh thì đến 1-1-2026 có bảng giá mới sát giá thị trường thì cũng sẽ tạo ra cú sốc cho thị trường. Tuy nhiên, xây dựng mức điều chỉnh cần phù hợp vì giá đất tác động nhiều đối tượng. Giống như đi lên thì cân nhắc cách nào. Nếu đi thang máy lên cái ào sẽ gây ra cú sốc. Vì vậy cân nhắc đi thang bộ, từ từ, có lộ trình…", ông Bảy nói.
Kiến nghị hướng dẫn nghĩa vụ tài chính giai đoạn chuyển tiếp
Theo phân tích của ông Trần Văn Bảy, Luật Đất đai 2024 không cho áp dụng hệ số K nữa mà phải áp dụng trực tiếp bảng giá đất nên TP cần phải có bảng giá đất điều chỉnh cho giai đoạn chuyển tiếp. Còn đến 1-1-2026, TP sẽ có bảng giá đất mới theo Luật Đất đai.
Tuy nhiên, quá trình lấy ý kiến người dân trước đây thì tỉ lệ điều chỉnh đối với giá đất phi nông nghiệp (gồm cả đất ở) tăng tối đa 30 lần, còn giá đất nông nghiệp tăng tối đa 35 lần so với giá cũ được nhiều ý kiến đồng thuận. Nhưng đến khi có dự thảo với tỉ lệ điều chỉnh cao hơn, nhiều ý kiến người dân không đồng tình.
Trong khi theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường, hiện nay TP.HCM còn khoảng 7.779 thửa đất chưa cấp giấy chứng nhận lần đầu. Đối tượng này sẽ bị tác động nhiều nhất.
"Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, bảng giá đất điều chỉnh tăng, trung bình ở mức vào khoảng 70% giá thị trường, cần cân nhắc thêm mức này. Tại sao là 70% giá thị trường. Giá đất mỗi lần tăng phải cân nhắc…".
Nhiều ý kiến của các đại biểu cũng cùng băn khoăn như ông Bảy. Trao đổi lại với các ý kiến, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM Nguyễn Toàn Thắng khẳng định sẽ tiếp thu tất cả ý kiến để hoàn thiện bảng giá đất điều chỉnh.
Phát biểu tiếp thu, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường khẳng định sẽ tiếp thu ý kiến về việc đánh giá tác động về mức tăng giá đất đến việc tính tiền sử dụng đất khi công nhận quyền sử dụng đất lần đầu và chuyển mục đích sử dụng đất.
"Liên quan những vướng mắc trong việc giải quyết các thủ tục hành chính về nghĩa vụ tài chính trong giai đoạn chuyển tiếp từ ngày 1-8-2024 đến thời điểm có bảng giá đất mới ngày 1-1-2026 ban hành, UBND TP đã kiến nghị Chính phủ hướng dẫn thực hiện...", ông Cường nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận