TTCT - Một trong nhiều mục tiêu của Đạo luật giảm lạm phát (IRA) - đạo luật mang dấu ấn của Tổng thống Joe Biden - là cắt giảm chi phí thuốc do chương trình bảo hiểm y tế Medicare chi trả. Nhưng cái giá cho thuốc rẻ có thể rất đắt. Ảnh: Kurt Wittman/Getty ImagesNgày 29-8, Nhà Trắng thông báo 10 loại thuốc đầu tiên Medicare sẽ thương lượng giá với các hãng dược, bắt đầu từ năm 2026. Đây là các loại thuốc phổ biến và đắt tiền, trị tiểu đường, tim mạch và các bệnh mạn tính khác.Cơ chế thương lượng giá với các nhà cung cấp có thể giúp Medicare, hệ thống đang chăm sóc sức khỏe cho 66 triệu người bằng tiền thuế, tiết kiệm gần 100 tỉ USD trong vòng 10 năm, đồng thời giảm chi phí tiền túi (không được bảo hiểm chi trả) cho đối tượng thụ hưởng - người Mỹ từ 65 tuổi trở lên.Tuy vậy, kế hoạch này có nhiều điểm có thể phản tác dụng, và hệ quả không chỉ trong nước Mỹ. "[Quy định mới này] sẽ không chỉ cắt giảm lợi nhuận của nhà sản xuất thuốc mà còn có thể định hình lại việc nghiên cứu thuốc mới và ảnh hưởng đến việc loại thuốc nào có thể được cung cấp cho bệnh nhân trên toàn thế giới" - Financial Times viết.Nhiều hệ lụyTừ khi quy định đàm phán giá được thông qua, hơn 50 công ty đã lên tiếng đổ lỗi IRA làm triển vọng tương lai của họ thêm u ám. Các hãng dược phẫn nộ trước hết vì luật chơi đưa ra không công bằng, ngay từ cách dùng từ "đàm phán". Việc thương lượng thật ra chỉ diễn ra một chiều: các hãng dược chỉ có thể đồng ý với giá chính quyền đưa ra, còn nếu không đồng ý, họ cũng chỉ có 2 lựa chọn: đóng tiền phạt (65-95% doanh số của thuốc đó ở Mỹ) hay rút toàn bộ thuốc ra khỏi chương trình Medicare. Tóm lại, chính quyền đặt giá luôn, chứ không phải mặc cả gì sất.The Economist mô tả chuyện này giống như nhà nước và hãng dược "bước vào một cuộc đấu mà chỉ một bên có súng". "Đây không phải là 'đàm phán' mà tương đương với việc tống tiền" - Hãng dược Merck (Đức) lên tiếng. Merck, cùng với nhiều công ty khác như Boehringer Ingelheim, Bristol Myers Squibb và Johnson & Johnson, đã tiến hành các thủ tục pháp lý để phản đối.Các hãng dược lớn dự đoán họ sẽ phải giảm giá từ 25 - 95% đối với các loại thuốc bắt buộc phải thương lượng giá. Điều này có ý nghĩa quan trọng với ngành dược toàn cầu chứ không chỉ ở Mỹ. Giá thuốc rẻ đến tay người nhận sẽ giúp người bệnh dễ chịu, ngân sách công ít hao hụt hơn trong tương lai gần, nhưng về lâu dài, chính bệnh nhân và xã hội sẽ gặp bất lợi khi các hãng dược không mặn mà đầu tư vào các loại thuốc mới nữa. Nếu thấy đầu tư không có lời hoặc khó thu hồi vốn ngay, các hãng dược sẽ chi ít hơn vào việc tìm kiếm các loại thuốc mới. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra doanh thu sụt giảm thật sự ảnh hưởng lớn đến chi tiêu cho đầu tư và phát triển. Theo quy định mới, các hãng dược sẽ có thời gian định giá tùy ý, trước khi phải "đàm phán" với chính phủ. Cụ thể, thuốc dạng thuốc phân tử nhỏ (small molecule, thuốc viên dùng hóa chất) sẽ được tự do định giá trong vòng 9 năm kể từ khi được cấp phép lưu hành, trong khi thời hạn với thuốc phân tử lớn (large molecule hay biologics, phức tạp hơn và phải tiêm vào máu) là 13 năm. Giới lãnh đạo ngành dược lo ngại rằng điều này sẽ cản trở đổi mới sáng tạo trong nghiên cứu thuốc phân tử nhỏ. Các hãng dược sẽ ưu tiên nghiên cứu thuốc trị các bệnh dễ kiếm lời hơn, đồng thời hoãn hoặc không mở rộng nghiên cứu thuốc chữa các bệnh có ít bệnh nhân. Ngược lại, họ sẽ ưu tiên vào thuốc phân tử lớn, như liệu pháp gene hay vắc xin, vì thời gian tự do định giá dài hơn.Đã có các ví dụ nóng hổi. Tháng 11 năm ngoái, Eli Lilly, một nhà sản xuất dược phẩm lớn của Mỹ, đã loại bỏ một loại thuốc trị ung thư phân tử nhỏ khỏi hệ thống sản xuất của mình, vì IRA đã "khiến khoản đầu tư này không khả thi". Trong cùng tháng đó, Alkermes, một công ty công nghệ sinh học của Ireland, cho biết sẽ tách hoạt động thuốc ung thư thành công ty độc lập. Nguyên nhân, theo giải thích của CEO Richard Pops, là vì IRA đã "làm cho thuốc biologics có giá hơn".Khoảng thời gian "9 năm tung tẩy" giá cũng có thể buộc các hãng dược tính toán lại thời điểm công bố thuốc mới. Các hãng dược thường ra mắt thuốc mới với một nhóm bệnh nhân nhỏ - như những người mắc bệnh hiếm gặp hoặc bệnh ở giai đoạn cuối, những người có ít lựa chọn thay thế - trước khi mở rộng thị trường. Nếu chỉ có 9 năm để tối đa hóa lợi nhuận, nhóm người dùng nhỏ này rõ ràng không còn hấp dẫn. Các hãng dược vì vậy có thể sẽ chỉ công bố thuốc của họ cho các nhóm bệnh lớn hơn, theo David Fredrickson, người đứng đầu bộ phận ung thư của AstraZeneca.Trước mắt, theo The Economist, Genentech, một công ty công nghệ sinh học của Mỹ thuộc sở hữu của nhà sản xuất dược phẩm Roche (Thụy Sĩ), đang xem xét hoãn việc ra mắt một loại thuốc ung thư buồng trứng, để "chờ thời" - đợi tới khi thuốc này được phép sử dụng cho bệnh nhân ung thư tuyến tiền liệt.Ảnh hưởng toàn cầuShailesh Chitnis, phóng viên kinh tế toàn cầu của The Economist, cho biết tác động của giá thuốc bảo hiểm rẻ có thể lan ra ngoài nước Mỹ, vì vai trò của Hoa Kỳ trong thị trường dược phẩm thế giới. Mỹ là thị trường dược phẩm lớn nhất thế giới, đóng góp doanh số 630 tỉ USD trong năm 2022, chiếm 42% tổng doanh thu toàn cầu. 65% lợi nhuận ngành dược đến từ Mỹ, thực chất là do người Mỹ cắn răng chịu giá thuốc cao nhất thế giới - giá thuốc kê đơn thường cao hơn các nước giàu từ 2-3 lần.Ngoài vai trò tiêu thụ, Mỹ còn dẫn đầu trong việc chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển dược phẩm - chiếm 2/3 tổng số trong khối OECD. Năm ngoái, Mỹ nghiên cứu 10.265 loại thuốc, hơn gấp đôi Trung Quốc và EU, và nhiều gấp 4 lần Anh. Các quốc gia khác trên thế giới đều "âm thầm hưởng lợi" từ các nghiên cứu sáng tạo của Mỹ, và mọi thay đổi từ thị trường khổng lồ và quan trọng này đều sẽ dẫn đến phản ứng dây chuyền trên cả chuỗi cung ứng. "Hiện có nguy cơ đầu tư nghiên cứu và phát triển sẽ chuyển trọng tâm từ những loại thuốc cần thiết nhất sang những loại thuốc tránh sự kiểm soát giá của Hoa Kỳ" - tác giả Brooke Masters viết trong bài "Thế giới sẽ cần ngừng dựa dẫm vào dược phẩm Mỹ" trên Financial Times.Kế hoạch "đàm phán giá" của Mỹ cũng sẽ khiến ngành dược khó hút đầu tư mạo hiểm hơn vì tiềm năng sinh lời thấp hơn. Theo Masters, điều này đặc biệt đáng lo vì "rất nhiều nghiên cứu thuốc giai đoạn đầu hiện đang được các start-up thực hiện trước khi bán lại cho các đại gia dược". Trong giai đoạn 2015-2021, 65% trong số 138 loại thuốc mới do các công ty lớn tung ra có nguồn gốc từ hợp tác giữa họ với các công ty nhỏ hơn. "Chúng tôi đã quyết định sẽ không tiến hành một số thử nghiệm thuốc nhất định, hoặc sẽ không thực hiện một vài vụ sáp nhập, mua lại vì việc này đang trở nên không khả thi về mặt tài chính" - Thomas Schinecker, giám đốc điều hành Roche, nói với báo giới.Mỹ vẫn còn vài năm để giải quyết những khúc mắc của kế hoạch giảm giá thuốc. Ngân hàng JPMorgan Chase cho rằng quy định mới sẽ chỉ "níu nhẹ" đà tăng trưởng của các ông lớn dược phẩm trong vài năm đầu. Nhưng The Economist lưu ý rằng khi có thêm nhiều loại thuốc được tung ra, các nhà sản xuất mới thấy thấm đòn.Trước mắt, với thế giới vốn đang "dựa dẫm vào dược phẩm Mỹ", như cách gọi của Brooke Masters, việc cần làm là tự giảm bớt sự phụ thuộc đó. Với quy mô, sự giàu có và năng lực khoa học của mình, Hoa Kỳ sẽ luôn đóng một vai trò lớn trong ngành công nghiệp dược phẩm, nhưng "giá thuốc cao ngất ngưởng ở Mỹ không phải là cách duy nhất để tài trợ cho tiến bộ y tế toàn cầu". Tác giả cho rằng các nước khác sẽ phải đóng góp nhiều hơn, bằng nhiều cách khác nhau. Các chính phủ có thể tài trợ cho nghiên cứu của các nhà sản xuất thuốc, hoặc giúp họ giảm thiểu rủi ro khi đầu tư nghiên cứu thuốc mới bằng hỗ trợ tài chính hoặc "bao tiêu" sản phẩm (kinh nghiệm gần đây với vắc xin Covid cho thấy điều này là khả thi).Có thuốc giá rẻ cho người nhận bảo hiểm sẽ tiếp tục là vấn đề tranh cãi trong nhiều năm tới. Điều này cũng cho thấy nhu cầu chuyển y tế sang dự phòng hơn chữa trị. Tại Mỹ, chi phí từ tiền túi của người có bảo hiểm cũng thuộc hàng top thế giới: trên 433 tỉ USD (2021). Con số toàn cầu năm 2020 là 1.500 tỉ USD, theo Liên đoàn Bảo hiểm toàn cầu (GFIA). Trong năm tài chính 2022, chính phủ liên bang đã chi 755 tỉ USD cho chương trình Medicare. Theo một báo cáo gần đây của Tổ chức nghiên cứu chính sách y tế KFF, mức chi cho Medicare có tốc độ tăng trưởng trung bình hằng năm là 6,3%, tính từ mức 200 tỉ USD năm 2000, một phần là do nhiều người tham gia chương trình bảo hiểm này hơn. Tags: Thuốc bảo hiểm rẻBảo hiểm y tếMedicareMỸBảo hiểmThuốcGiá thuốcThuốc bảo hiểm
Thăm dò ở bang chiến trường Wisconsin, bà Harris nhỉnh hơn ông Trump TRẦN PHƯƠNG 06/11/2024 Cuộc bầu cử Mỹ vẫn đang diễn ra và các cử tri đang bỏ những lá phiếu quyết định cuộc đua giữa ứng viên Kamala Harris của Đảng Dân chủ và Donald Trump của Đảng Cộng hòa.
Tin tức thế giới 6-11: Lính Triều Tiên và Ukraine đụng độ; Bộ trưởng quốc phòng Israel bị cách chức MINH KHÔI 06/11/2024 Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine xác nhận đã đụng độ lính Triều Tiên; Ấn Độ muốn dùng mưa nhân tạo để xử lý ô nhiễm không khí quá nặng.
Tin tức sáng 6-11: Giá USD 'chợ đen' tăng vọt; Lộ diện 'ngôi sao' tăng giá trên sàn chứng khoán TUỔI TRẺ ONLINE 06/11/2024 Một số tin tức đáng chú ý: Quốc hội thảo luận về các nhóm chính sách lớn sửa Luật Đầu tư công; 10 tháng đầu năm, thu bảo hiểm xã hội, thất nghiệp, y tế tăng gần 13% so với cùng kỳ; Việt Nam đạt kỷ lục 9 triệu tài khoản chứng khoán...
Bầu cử Mỹ: Ông Trump ám chỉ có gian lận quy mô lớn ở Philadelphia DUY LINH 05/11/2024 Trên mạng xã hội Truth Social ngày 5-11, ông Trump tuyên bố "hiện có nhiều lời bàn tán về nạn gian lận quy mô lớn ở Philadelphia", nhưng không giải thích gì thêm.