Công nhân Nguyễn Thanh Hằng (phải, Công ty CPĐT Thái Bình) trong công đoạn sản xuất túi xách xuất qua Mỹ (ảnh chụp tháng 5-2020) - Ảnh: T.T.D.
Để hỗ trợ các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, giảm bớt khó khăn do ảnh hưởng dịch COVID-19, tháng 3-2020 Chính phủ đã ban hành chỉ thị số 11 về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch COVID-19.
Nhưng Nhà nước cũng như một gia đình, muốn làm gì cũng phải có tiền, thu ngân sách khó khăn nhưng chi trợ cấp nhiều buộc phải đi vay mượn từ nước ngoài, từ phát hành trái phiếu chính phủ, buộc phải nâng bội chi ngân sách lên.
Chính phủ đã tung ra gói hỗ trợ miễn, giãn, giảm thuế, phí, tiền sử dụng đất, quy mô ước tính lên tới 180.000 tỉ đồng; gói hỗ trợ tín dụng cơ cấu lại nợ vay, lãi vay, khoanh nợ, quy mô khoảng 250.000 tỉ đồng.
Rõ ràng việc triển khai các chính sách hỗ trợ thời gian qua đã đem lại kết quả tích cực, Việt Nam là một trong số ít những nền kinh tế tăng trưởng dương 6 tháng đầu năm, trong khi đa số các quốc gia tăng trưởng âm.
Trong các phiên họp với bộ, ngành, địa phương gần đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tuyên bố sẵn sàng tăng bội chi ngân sách, tăng nợ công thêm 2-3% để tăng nguồn lực hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong những tháng cuối năm.
Nhưng vấn đề không nằm ở quy mô gói hỗ trợ tín dụng, hỗ trợ tài khóa là bao nhiêu ngàn tỉ, mục tiêu cuối cùng Chính phủ là làm sao để vận hành trơn tru nền kinh tế.
Trong bối cảnh hiện nay, Chính phủ muốn các bộ, ngành hiệu chỉnh lại những chính sách hỗ trợ tài khóa như miễn, giãn, giảm thuế, phí và các chính sách hỗ trợ an sinh xã hội đã đề ra xem chính sách nào hiệu quả hơn, đáp ứng yêu cầu thiết thực của doanh nghiệp hơn thì "gia cố" lại, chứ không phải ban hành một chương trình kích thích hoàn toàn mới lạ.
Và khi nhiều doanh nghiệp chưa tiếp cận được gói hỗ trợ tài khóa lần 1, việc các bộ, ngành đánh giá lại các chính sách hỗ trợ về tín dụng, tài khóa đã triển khai, xem chính sách nào thực sự hiệu quả để tiếp tục triển khai, chính sách nào cần bổ sung là cần thiết.
Về thời hạn triển khai gói hỗ trợ tài khóa, hết thời hạn 6 tháng, Chính phủ hoàn toàn có thể gia hạn thêm 6 tháng tiếp theo nếu các chính sách thực sự hiệu quả, giúp doanh nghiệp hồi phục sản xuất, góp phần thúc đẩy tăng trưởng chung của nền kinh tế.
Ý tưởng của một giải pháp, một chính sách là quan trọng, còn thời hạn triển khai bao lâu sẽ do Chính phủ đặt ra.
Để duy trì tăng trưởng kinh tế, đẩy mạnh đầu tư là nhân tố quan trọng. Với bất cứ quốc gia nào đầu tư luôn là nhân tố quan trọng bảo đảm cho tăng trưởng. Bối cảnh Việt Nam hiện nay, đầu tư tư nhân còn gặp nhiều khó khăn nên đẩy mạnh đầu tư công là một lựa chọn phù hợp.
Hiện còn khoảng 700.000 tỉ đồng (hơn 30 tỉ USD) vốn đầu tư công chưa được giải ngân, vì thế Chính phủ đôn đốc địa phương, bộ, ngành đẩy nhanh giải ngân những dự án đầu tư đã cấp vốn, đặc biệt các dự án lớn, dự án quan trọng quốc gia để kích thích việc mua sắm vật liệu, thiết bị, tăng việc làm, tạo sức lan tỏa trong nền kinh tế.
Đầu tư công sẽ vẫn là hướng đi chủ đạo, có vai trò thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn 2020 - 2022.
Hơn nữa cần khơi thông lại các hoạt động trong nền kinh tế. Khuyến khích người dân, doanh nghiệp trong nước giao dịch buôn bán bình thường. Thương mại luôn là yếu tố quan trọng của nền kinh tế.
Để kích thích điều này, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành thông tư 01 để các ngân hàng thương mại có thể khoanh nợ, giãn nợ, cơ cấu lại nợ, hạ lãi suất, giảm chi phí vốn để có thể khởi động lại các hoạt động kinh tế bằng đồng vốn rẻ hơn, thủ tục tiếp cận vốn thông thoáng hơn.
Đồng thời cho phép các tổ chức tín dụng tăng hạn mức tín dụng trong 6 tháng cuối năm. Đây cũng là nhân tố để nền kinh tế hồi phục nhanh, phát triển trở lại.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận