Chiều 11-5, bà Phạm Thị Hương, chủ tịch UBND huyện Lý Sơn, cho biết các công trình đầu tư công tại đảo đang gặp khó vì giá cát lên đến 700.000 đồng/m3. Đây là mức giá cao nhất từ trước đến nay.
"Giá cát quá cao đang gây khó khăn cho các công trình tại đảo. Một số công trình xây dựng nhà thầu đặt cọc, trữ cát trước đang tiếp tục thi công. Những nhà thầu không chủ động đang gặp khó khi giá quá cao mà vẫn không có cát để mua. Nguy cơ chậm tiến độ là rất cao", bà Hương nói.
Theo chính quyền huyện Lý Sơn, thời điểm trước đây, cao cũng dao động 300.000 - 400.000 đồng/m3. Chưa năm nào giá cát tăng khủng khiếp như hiện tại.
Các chủ tàu vận chuyển vật liệu xây dựng cũng thở dài vì giá cát mua trong đất liền cũng đã 400.000 đồng/m3, cộng thêm chi phí đưa cát lên xuống tàu, vận chuyển ra đảo đã đẩy giá lên cao hơn. Ông Dương Quới, chủ tàu vận tải vật liệu, cho biết: "Tôi làm cả đời vận chuyển cát mà chưa năm nào giá cao ngút, lại khó mua như giờ".
Chủ thầu một dự án đầu tư công ở đảo Lý Sơn nói việc thi công gặp vô vàn khó khăn, giá quá cao và nguồn cung cũng thiếu hụt. Công trình đơn vị đang thi công dự kiến hoàn thành vào cuối năm, nhưng với tình hình hiện tại thì nhiều khả năng phải tạm dừng thi công, chờ nguồn cung cát không còn khan hiếm và giá giảm xuống.
Không chỉ các công trình, người dân huyện đảo Lý Sơn cũng ngợp trước giá cát. Anh Danh (thôn An Vĩnh, Lý Sơn) cho biết phải tạm dừng việc xây dựng nhà dù đã xây dựng xong phần móng. Theo tính toán của anh, giá cát cao đã đội vốn làm nhà tăng lên quá nhiều, anh không đủ chi phí tiếp tục nên tạm dừng.
"Mong chính quyền có phương án để giảm giá cát, như hiện tại bà con đảo chịu không nổi nữa rồi", anh Danh nói.
Không chỉ ở đảo Lý Sơn, tại các huyện miền núi Quảng Ngãi như Ba Tơ, Sơn Tây, Sơn Hà... giá cát hiện tại dao động ở mức 500.000 đồng/m3 và cũng như Lý Sơn luôn trong tình trạng khan hiếm.
Thiếu cát tại nơi trữ lượng cát
Đây là nghịch lý khó lý giải bởi Quảng Ngãi có trữ lượng cát rất lớn từ các sông Trà Khúc, sông Vệ... Riêng sông Trà Khúc, trữ lượng dự báo lên đến hơn 40 triệu m3.
Năm 2022, tỉnh Quảng Ngãi đã tổ chức đấu giá thành công 5 mỏ cát (trong đó mỏ Xuân Đình, xã Hành Thịnh, huyện Nghĩa Hành doanh nghiệp trúng thầu xin trả lại cho tỉnh).
Đầu năm 2023, có 7 mỏ được đấu giá thành, có tổng diện tích trên 93ha và tổng khối lượng tài nguyên dự báo gần 4,2 triệu m3.
Dù đấu giá mỏ cát nhiều, nhưng thủ tục rối rắm, cần có thời gian hoàn thiện nên chưa mỏ nào được cấp phép khai thác.
Trong 12 mỏ đưa ra đấu giá, hiện chỉ có mỏ cát ở xã Hành Thiện, huyện Nghĩa Hành đã hoàn tất thủ tục và đang trình tỉnh cấp quyền khai thác; 3 mỏ mới vừa được phê duyệt trữ lượng, đang trình Sở Xây dựng tỉnh thẩm định thiết kế cơ sở mỏ.
Trong thời gian qua, UBND tỉnh Quảng Ngãi liên tục họp, xử lý tình trạng thiếu cát nhưng vẫn chưa tìm ra lời giải. Thiếu cát cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến dự án trọng điểm là cao tốc Bắc - Nam. Các nhà thầu thi công khu tái định cư liên quan đến cao tốc đang 'đứng bánh', chờ nguồn cát.
Toàn tỉnh Quảng Ngãi hiện có 3 mỏ cát đang khai thác với trữ lượng nhỏ. Riêng khu vực đồng bằng, gồm 7 huyện, thị và thành phố có nhiều dự án và công trình trọng điểm nhưng chỉ duy nhất mỏ cát ở xã Đức Hiệp, huyện Mộ Đức còn phép. Mỏ này cũng còn vài tháng nữa là hết thời gian khai thác, chấm dứt hoạt động.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận