Cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 10 diễn ra tại Hà Nội chiều tối 6-11 - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Ông Đỗ Thắng Hải, thứ trưởng Bộ Công thương, thông tin như trên tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 10, diễn ra chiều tối 6-11.
Địa phương có dịch ở cấp độ 1 và 2 được dạy học trực tiếp
Tại cuộc họp, Chính phủ đã thảo luận về công tác phòng, chống dịch COVID-19, nhấn mạnh với sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Nhà nước, sự tham gia của cả hệ thống chính trị, dịch bệnh cơ bản được kiểm soát. Ca khỏi bệnh ngày càng tăng, tốc độ tiêm vắc xin ngày càng tăng, cả nước thích ứng an toàn với dịch bệnh, hoạt động kinh tế xã hội dần được mở ra.
Với quan điểm đặt sức khỏe, tính mạng của người dân lên trên hết, trước hết, từng bước mở cửa, đảm bảo hài hòa, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu thực hiện nghiêm nghị quyết 128 về quy định tạm thời thích ứng an toàn dịch bệnh, tiếp tục hoàn thiện chiến lược tổng thể về phòng chống dịch, đảm bảo sự thống nhất, xuyên suốt.
Địa phương chủ động xây dựng kịch bản, tăng cường ứng phó dịch bệnh, tăng khả năng thu dung, điều trị tại chỗ. Triển khai tốt 3 trụ cột phòng chống dịch gồm cách ly nhanh nhất, hẹp nhất; xét nghiệm thần tốc đảm bảo khoa học, hợp lý, tiết kiệm; điều trị từ sớm, từ xa, ngay tại cơ sở, thực hiện phương châm vắc xin + 5K; đảm bảo vắc xin nhanh nhất, hướng tới chủ động nguồn cung, tập trung bao phủ 2 mũi vắc xin cho những nơi có dịch…
Công tác mua sắm đấu thầu trang thiết bị cần đảm bảo nghiêm, chống tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm; thúc đẩy xã hội hóa, thúc đẩy công tư, tạo thuận lợi cho doanh nhân, chuyên gia về nước, có chính sách cho lực lượng tuyến đầu có nhiều đóng góp; nâng cao nhận thức trong tình hình mới… cũng được Chính phủ đặt ra.
Về đánh giá tình hình kinh tế xã hội, Chính phủ cho biết: nhờ kiểm soát dịch bệnh, nền kinh tế từng bước được mở cửa, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát ở mức thấp; lãi suất có xu hướng giảm, thu ngân sách đạt 90,9% dự toán, kịp thời đáp ứng nhu cầu phòng chống dịch, hỗ trợ người dân.
Đồng thời tiếp tục rà soát, tinh gọn bộ máy, rà soát tháo gỡ vướng mắc để đơn giản hóa thủ tục sản xuất kinh doanh…
Về việc tiêm vắc xin và mở cửa trường học, ông Hoàng Minh Sơn, thứ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo, cho hay bộ đã ban hành hướng dẫn trên nguyên tắc nơi nào kiểm soát được dịch thì cho học sinh quay trở lại trường học. Với địa phương có dịch ở cấp độ 1 và 2, tổ chức dạy học trực tiếp nhưng phải phụ thuộc đặc điểm từng chính quyền địa phương và trách nhiệm từng địa phương.
Với địa phương có số lượng học sinh lớn như Hà Nội, tuy đã có phương án cho học sinh trở lại học nhưng đến nay phải điều chỉnh do có lo lắng về tình hình dịch bệnh.
Bộ trưởng Y tế và Bộ trưởng Giáo dục và đào tạo đánh giá nhu cầu học sinh quay trở lại trường học là chính đáng, nên thống nhất tổ chức hội nghị trực tuyến để triển khai dạy học trực tiếp vào đầu tuần tới. Đồng thời rà soát, ban hành hướng dẫn sổ tay y tế, kỹ năng vận hành phòng chống dịch để mỗi giáo viên là một cán bộ y tế…
Về vấn đề vắc xin, Bộ Giáo dục và đào tạo đề nghị rõ cần có ngay phương án tổ chức cho học sinh tiêm vắc xin sớm, đảm bảo tốt hơn phòng chống dịch cho các em đến trường.
Nhiều mặt hàng tăng giá, áp lực lạm phát rất lớn
Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải - Ảnh: VIỆT DŨNG
Ông Đỗ Thắng Hải, thứ trưởng Bộ Công thương, cho hay: lạm phát được kiểm soát ở mức thấp nhưng nhiều mặt hàng tăng giá, đặc biệt xăng dầu, than, giá vận chuyển… Do đó sẽ ảnh hưởng tới CPI, tháng 10 tăng 1,67% so với cùng kỳ năm 2020.
Nhấn mạnh áp lực lạm phát là rất lớn, ông Hải cho hay việc tăng giá những mặt hàng đầu vào sẽ làm giá thành, chi phí sản xuất tăng cao lên, đưa giá hàng tiêu dùng tăng cao, ảnh hưởng đời sống người dân cũng như năng lực cạnh tranh của hàng hóa.
Do đó, Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt ngay từ đầu năm, giảm áp lực tăng giá thành. Với Bộ Công thương, mặt hàng xăng dầu liên bộ đã sử dụng linh hoạt Quỹ bình ổn để bình ổn giá xăng dầu, nên giá trong nước tăng thấp hơn giá thế giới.
Với mặt hàng điện, đã có năm đợt hỗ trợ giảm giá điện, với tổng số tiền là 16.650 tỉ đồng. Mặc dù giá đầu vào tăng sẽ điều chỉnh giá điện, nhưng năm 2021 sẽ không tăng giá điện, còn việc điều chỉnh thế nào thì còn phụ thuộc vào diễn biến giá thị trường thế giới.
Thời gian tới, ông Hải cho rằng cần theo dõi sát diễn biến tình hình giá cả thế giới, đánh giá mặt hàng nguyên vật liệu nào có khả năng thiếu hụt để có chính sách đối ứng cho phù hợp...
Từ ngày 20-11 bắt đầu đón khách du lịch quốc tế
Thứ trưởng Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch Hoàng Đạo Cương cho hay bộ này đã ban hành hướng dẫn tạm thời thí điểm đón khách quốc tế đến Việt Nam, hướng dẫn chi tiết về việc đón khách.
Theo đó, lộ trình sẽ chia làm 3 giai đoạn, từ tháng 11-2021 khách đi theo chương trình du lịch trọn gói tại 5 địa điểm: Phú Quốc, Khánh Hòa, Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Ninh.
Giai đoạn 2 sẽ mở rộng thêm các địa phương. Giai đoạn 3 là mở cửa hoàn toàn trên cơ sở căn cứ tình hình dịch bệnh. Khách du lịch có thể là người nước ngoài, hoặc người Việt Nam cư trú ở nước ngoài, đã tiêm vắc xin, có kết quả âm tính bằng phương pháp PCR, có bảo hiểm y tế, tham gia chương trình du lịch trọn gói…
Về thời gian bắt đầu đón khách quốc tế, ông Cương cho biết từ ngày 20-11 đón khách đến Phú Quốc; giữa tháng 11 sẽ đón khách đến Khánh Hòa và giữa tháng 12 sẽ đón khách tới Quảng Ninh...
Bộ Giao thông vận tải không đồng thuận nhập toa tàu cũ của Nhật Bản
Về việc nhập khẩu 37 toa tàu cũ của Nhật Bản, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Ngọc Đông cho biết đang lấy ý kiến các bộ, ngành; dự kiến vài ngày tới bộ sẽ có văn bản báo cáo Thủ tướng.
Tuy nhiên, quan điểm của Bộ Giao thông vận tải là phải căn cứ vào các quy định của pháp luật, tức là đăng kiểm phương tiện đường sắt, khi đưa vào sử dụng phải đảm bảo niên hạn sử dụng, đảm bảo an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường.
"Phương tiện đường sắt nhập khẩu phải đảm bảo dưới 10 năm, toa xe chở hàng là 5 năm; nhưng toa xe sản xuất là 1979 - 1982 là lâu rồi. Để nhập về phải sửa chữa, hoán cải, dự kiến là 140 tỉ đồng, nên phải tính toán. Quan điểm Bộ Giao thông vận tải là không đồng thuận", ông Đông cho biết.
Về việc thực hiện nghị quyết của Chính phủ về hỗ trợ tiền bảo hiểm thất nghiệp, ông Lê Hùng Sơn, phó tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam, cho biết đã cải cách tối đa thủ tục để tạo thuận lợi cho việc chi trả. Đến nay tiến độ giải ngân là trên 22.000 tỉ đồng.
Tuy vậy, một số vướng mắc là có 2,7 triệu người về quê nên việc chi trả khó khăn, chỉ mới chi trả được hơn 1 triệu người, nên sẽ tiếp tục tuyên truyền mời người lao động liên lạc với cơ quan chức năng để nhận hỗ trợ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận