Theo thông tin từ nhiều nhà vườn và đại lý, giá cà phê chiều 4-12 giao dịch quanh ngưỡng 107.000-113.000 đồng/kg nhân và 21.000-22.500 đồng/kg tươi tùy loại. Mức giá trên giảm khoảng 16.000-21.000 đồng/kg nhân và 7.000-8.500 đồng/kg cà phê tươi so với mức đỉnh của 2 ngày trước đó.
Như vậy, sau hơn 10 ngày tăng liên tục và đạt đỉnh cao nhất trong lịch sử, giá cà phê quay đầu giảm mạnh đột ngột. Tình trạng này đã khiến nhiều nông dân và doanh nghiệp chia sẻ "bị sốc" vì mức giảm lớn, không ít người vội bán tháo, nhưng cũng có trường hợp giữ lại chờ giá tăng.
Theo ông Nguyễn Văn Quân (Đắk Nông), hơn một tuần qua gia đình thu được 20 tấn cà tươi và đã bán giá 25.000-30.000 đồng/kg, nhưng từ ngày 2-12 giá bắt đầu giảm mạnh nên gia đình chọn giữ cà tươi để phơi xay thành cà nhân trữ lại.
"Chúng tôi hy vọng giá có thể tăng lên lại. Bởi các tháng trước giá cũng tăng đột biến rồi quay đầu giảm, sau đó tăng lên lại vào cuối tháng 11, thậm chí vượt mức đỉnh trước đó", ông Quân kỳ vọng.
Trong khi đó theo ghi nhận đầu ngày 4-12, kết thúc phiên giao dịch, giá cà phê robusta (loại cà xuất khẩu chính của Việt Nam) trên sàn London giảm 199 - 208 USD/tấn, về ngưỡng 4.390 - 4.772 USD/tấn. Cụ thể, kỳ hạn giao hàng tháng 1-2025 là 4.626 USD/tấn; tháng 3-2025 là 4.604 USD/tấn; tháng 5-2025 là 4.544 USD/tấn và tháng 7-2025 là 4.477 USD/tấn.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online ngày 4-12, ông Nguyễn Nam Hải, chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam, cho rằng giá cà phê quay đầu giảm đột ngột sau khi tăng nóng trước đó chịu tác động từ nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu là ảnh hưởng từ sàn giao dịch thế giới.
"Nhiều doanh nghiệp tăng mua trên sàn giao dịch London và New York, điều này dẫn đến giá trên sàn và giá trong nước tăng mạnh trước đó. Ngược lại, hai ngày nay giá trên sàn giảm đột ngột, đặc biệt trên sàn London dẫn đến giá trong nước giảm theo", ông Hải nói.
Đồng quan điểm, theo ông Nguyễn Văn Đông - đại diện một doanh nghiệp chuyên xuất khẩu tại TP.HCM, sản lượng cà phê Việt Nam đang vào chính vụ nên có chút thay đổi, nhưng đây không phải là yếu tố chính dẫn đến giá giảm đột ngột trong 2 ngày qua.
Lý giải điều này, ông Đông cho biết một số nhà nhập khẩu lớn bị kẹt nguồn cung tại Brazil nên quay sang gom mua từ các nguồn khác, trong đó có tìm mua trên sàn, điều này góp phần thúc đẩy giá tăng mạnh trước đó.
Còn giá quay đầu giảm cũng có thể do nhu cầu trên sàn giảm. Bên cạnh đó, có tình trạng nông dân, doanh nghiệp đẩy mạnh bán ra trong bối cảnh giá giảm, tạo áp lực lớn lên thị trường, đang kéo giá giảm thêm.
"Việc tăng giá quá nóng thường không bền vững, nên giá quay đầu giảm đột ngột nằm trong dự báo, không quá bất ngờ. Giá cà phê giảm sau tăng nóng cũng phản ánh đúng thực tế cung cầu", ông Đông nhận định.
Nhiều doanh nghiệp cho rằng diễn biến giá sắp tới khó dự đoán vì yếu tố sàn giao dịch ảnh hưởng quá lớn, trong khi hoạt động giao dịch trên sàn chịu sự chi phối lớn từ nhiều doanh nghiệp, hoạt động đầu cơ...
Tuy vậy, với thực tế nguồn cung thế giới giảm so với nhu cầu, khả năng giá cà phê vẫn ở trong mức cao so với mọi năm, ít nhất là hết quý 1-2025.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận