Ngày 6-11, anh Võ Văn Quang - người nuôi cá lồng, bè ở TP Phú Quốc - cho biết hiện nay anh và nhiều hộ nuôi cá lồng, bè tại địa phương kém vui vì giá cá bớp, cá mú… bán ra thị trường không cao.
Thương lái hiện thu mua cá mú trân châu với giá dao động 140.000-150.000 đồng/kg; cá bớp với giá 170.000 đồng/kg, giảm khoảng 30-50% (tùy loại) so với vài tháng trước đây.
"Chúng tôi hiện đang nuôi cá bớp, cá mú trên biển cầm chừng để chờ thời cơ vực dậy", anh Quang buồn nói.
Tương tự, ông Lê Văn Sẻo - giám đốc Hợp tác xã Tiến Đạt, ấp Thiên Tuế (xã Lại Sơn, huyện Kiên Hải) - thông tin mỗi năm ông Sẻo nuôi hơn 10.000 con cá mú trân châu; 500-600 con cá bớp. Cá được gia đình ông nuôi theo hình thức xoay vòng (xuất bán xong là ông tái thả cá giống nuôi lại).
"Một bè cá mú trân châu khoảng 1.000 con nhưng đến khi xuất bán mà bè cá đó hao hụt 50% và bán với giá 150.000 đồng/kg như hiện nay, tôi lỗ ít nhất 30 triệu đồng", ông Sẻo than.
Ông Sẻo thông tin thêm cá mú, cá bớp thời gian qua chỉ tiêu thụ thị trường nội địa, ít xuất bán ra thị trường nước ngoài; hiện kinh tế khó khăn, khách du lịch ít đi chơi nên đầu ra của cá càng gặp khó.
Ông Sẻo hiện đang làm logo sản phẩm cá mú, cá bớp… rồi sẽ đưa lên trên mạng bán, mở rộng thị trường tiêu thụ. Người dân nuôi cá lồng, bè trên biển ở Kiên Giang còn kỳ vọng vào thị trường Tết sắp đến.
Kiên Giang thời gian qua có gần 4.000 lồng, bè nuôi cá bớp, cá mú, cá chim vây vàng và một số loại cá khác và xuất bán ra thị trường hàng trăm ngàn tấn cá trong năm.
Phó chủ tịch hội nông dân tỉnh Kiên Giang Lâm Quốc Toàn nhìn nhận giá cá mú, cá bớp thời gian gần đây giảm nhiều. Người nuôi cá lồng, bè ở Kiên Giang đang gặp khó khăn.
"Hội kết hợp với các đơn vị liên quan nuôi thuần dưỡng cá mú, cá bớp rồi ép cá giống phục vụ cho người nuôi. Dự kiến ngày 10-11 sắp tới, hội sẽ ra Hà Nội gặp gỡ các đối tác nước ngoài, quảng bá và kết nối đầu ra cá mú, cá bớp cho người dân", ông Toàn nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận