Chưa biết sau Tết giá gạo ra sao!
Ông Ngưu Bá Phúc (ngụ xã Phú Vĩnh, thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang) cho biết lúa OM18 và Đài thơm 8 được thương lái mua với giá 7.800 đồng/kg, tăng hơn 300 đồng/kg so với tuần vừa qua.
"Bà con nông dân rất phấn khởi, vì giá lúa cao và năng suất cũng ổn. Chưa bao giờ giá lúa hè thu cao ngất ngưởng như vậy", ông Phúc vui vẻ nói.
Ông Lê Quốc Điền - phó giám đốc Sở NN&PTNT Đồng Tháp, cho biết: "Giá lúa sắp tới có thể trên 8.000 đồng/kg. Tuy nhiên, nông dân nên làm theo lịch thời vụ của địa phương, không nên thấy giá cao mà bất chấp mùa vụ".
Hiện Đồng Tháp đang xin Bộ NN&PTNT cho thay đổi mùa vụ đông xuân sớm từ 60.000ha lên 100.000ha cho vùng nước ngọt vào tháng 10 tới đây. "Làm sao để người nông dân thu hoạch ăn Tết vui. Còn sau Tết chưa biết giá cả ra sao", ông Điền nói thêm.
Nhưng các đơn vị sử dụng gạo lại lo lắng khi giá gạo tăng nhanh. Tại tỉnh Cà Mau, gạo nhóm cứng cơm từ 13.000 đồng/kg lên hơn 15.000 đồng/kg, gạo mềm cơm từ mức 14.000 đồng/kg đã tăng lên 16.000 đồng/kg. Riêng nhóm gạo cao cấp như gạo thơm, ST tăng từ 700 - 900 đồng/kg.
Chủ vựa gạo Trần Hy (TP Cà Mau) cho biết giá gạo trong 10 ngày nay "nhảy múa" liên tục, có ngày tăng hoặc giảm vài lần. Tại địa phương này, giá gạo đã tăng trung bình khoảng 10 - 15% so với gần đây.
Tương tự, chủ một đại lý gạo ở đường Mạc Đĩnh Chi, phường 9, TP Sóc Trăng cho biết các loại gạo cứng cơm để chế biến bún, bánh phở, bột... tăng mạnh hơn, cũng là mức tăng cao nhất từ nhiều năm nay.
Giá bột, bún tăng theo
Giá gạo tại miền Tây tăng cao gần đây ít nhiều đã ảnh hưởng đến đời sống người dân. "Tôi chạy gạo ăn từng bữa, trước làm bánh chuối chiên đi bán ngày cũng được khoảng 50.000 đồng đủ tiền gạo, mắm muối cho nhà bốn miệng ăn.
Những ngày gần đây giá gạo tăng nên lượng gạo mua được cũng ít lại. Sợ rằng gạo lên giá rồi những cái khác lên theo thì khổ" - bà Hồ Thị Bé (67 tuổi), hộ cận nghèo ở phường 1, TP Cà Mau, nói.
Ghi nhận tại chợ trung tâm TP Sóc Trăng (tỉnh Sóc Trăng), giá bún và bánh phở tăng 2.000 - 4.000 đồng/kg.
Ông Trần Thiện Cảnh, chủ cơ sở bánh hỏi Út Dzách (Cần Thơ), cho biết loại bột ông mua là loại tốt đã tăng 3.000 đồng/kg lên 28.000 đồng/kg. Nếu giá bột vẫn giữ ở mức cao thì cơ sở này sẽ tăng giá bán bánh hỏi.
TS Võ Hùng Dũng, nguyên giám đốc VCCI Cần Thơ, cho rằng việc nhiều nước ngừng xuất khẩu gạo, đẩy giá lúa gạo trong nước tăng nên lo nhiều hơn mừng.
Bởi mỗi khi giá lúa cao, diện tích trồng lúa cũng tăng theo. Sau đó giá lúa trở lại bình thường, lúc này sản lượng quá lớn, đi tìm nguồn cung hết sức khó khăn.
Theo TS Dũng, Việt Nam không nhất thiết mỗi năm phải xuất khẩu 7-8 triệu tấn gạo, mà ổn định sản lượng 3-5 triệu tấn.
Đặc điểm của vùng Đồng bằng sông Cửu Long đa dạng, thời vụ ba tháng thu hoạch nên xem xuất khẩu gạo là lưu trữ tự nhiên. Có như vậy mới sử dụng hiệu quả đất đai và các chính sách liên quan đến sản xuất lúa gạo cần quân bình ở mục tiêu này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận