09/04/2020 12:24 GMT+7

Giá bất động sản dần 'bốc hơi'!

ĐẶNG TUÂN - TRẦN MẠNH
ĐẶNG TUÂN - TRẦN MẠNH

TTO - Dịch bệnh kéo dài, nhu cầu mua bất động sản để ở và đầu tư tiếp tục giảm, nhiều người đầu tư phải bán nhà đất để cắt lỗ hoặc trả nợ đã tạo ra xu hướng giảm giá.

Giá bất động sản dần bốc hơi! - Ảnh 1.

Nhiều shophouse treo thông báo cho thuê hoặc bán tại một chung cư cao cấp ở TP.HCM - Ảnh: T.T.D.

Theo khảo sát từ thực tế và các đơn vị môi giới bất động sản, từ tháng 2-2020 đến nay giao dịch bất động sản đất nền ở các quận 9, Thủ Đức (TP.HCM), tỉnh Long An, Bình Dương, Đồng Nai... đều đã sụt giảm mạnh so với thời điểm trước Tết âm lịch.

Giảm giá hi vọng bán nhanh để cắt lỗ

Nhiều nhà đầu tư mua đất nền trước kia với ý định đợi giá lên để "lướt sóng" đã phải giảm giá nhằm thu hồi vốn hoặc cắt lỗ. 

Như ông Ngô Tuyến, nhà đầu tư bất động sản cá nhân, cho hay đang rao bán một căn shophouse của dự án Trần Anh Long An với giá 4,6 tỉ đồng, giảm tới 500 triệu đồng so với trước tết nhưng vẫn chưa bán được. 

"Shophouse thường là các sản phẩm có thanh khoản cao nhất trong các dự án nhưng giao dịch rất chậm, chứng tỏ người đầu tư đang rất thận trọng trong giai đoạn này, có thể họ đợi giá giảm thêm", ông Tuyến cho biết.

Anh Trần Đăng Thảo, môi giới đất tại quận 9, Thủ Đức và vùng ven, cho biết những năm trước đây cứ sau tết thì bất động sản có một đợt tăng giá mới, nhất là phân khúc đất nền ngoại thành và vùng ven. 

Do vậy, dù đã có nhiều cảnh báo trước đó nhưng nhiều nhà đầu tư vẫn tập trung mua hàng vào quý 4-2019. Tuy nhiên vì dịch bệnh COVID-19, nay giá không tăng mà còn giảm. Giao dịch đất nền giảm tới

70-80% so với hồi sôi động của năm 2019. "Một số nhà đầu tư cá nhân đã gửi lại cho các đại lý với giá bán thấp hơn 10-25% giá mua vào nhưng vẫn khó bán. Bây giờ khách có tiền sẽ cân nhắc rất kỹ và phải có giá giảm rất mạnh mới bỏ tiền ra mua", anh Thảo cho hay.

Thời gian gần đây, lượng thông tin đăng tải bán nhà đất, nhà mặt phố, đất nền tăng đột biến trên các trang web chuyên rao bán bất động sản như nhadatmatpho.net, alonhadat.com.vn, batdongsan.com...

Ghi nhận những ngày đầu tháng 4, trên nhiều trang mạng xã hội có hàng chục ngàn thành viên chuyên về rao bán bất động sản ở Hà Nội và TP.HCM như Thổ cư Hà Nội, Hội mua bán nhà đất... cũng đã bắt đầu xuất hiện những thông tin giảm giá như "giải cứu chủ nhà mùa COVID, nhà giá sập sàn", "COVID hoành hành, bán dưới giá thị trường"... Một số căn chậm bán đã chấp nhận hạ giá chào so với trước.

Báo cáo tình hình thị trường bất động sản quý 1-2020 được Hội Môi giới bất động sản công bố cho hay giao dịch nhà ở, căn hộ chung cư ở mức thấp nhất trong 4 năm qua. 

Với dự án nhà ở, tổng sản phẩm chào bán trên cả nước đạt khoảng 53.200 căn hộ và nhà ở thấp tầng, tỉ lệ hấp thụ chỉ 14,3%.

Theo Sở Xây dựng TP.HCM, 3 tháng qua TP có 8.400 căn hộ được chào bán nhưng giao dịch thành công chỉ đạt khoảng 1.400 căn. Tương tự, Sở Xây dựng Hà Nội cho hay trong quý 1 toàn TP có 8.900 căn hộ được chào bán, chỉ khoảng 1.300 giao dịch thành công.

Nhiều nơi vẫn cố neo giá

Ông Nguyễn Hoàng, giám đốc R&D Công ty DKRA, cho biết trong quý 1-2020 đất nền vùng ven TP.HCM chỉ có 1 - 2 dự án nhỏ lẻ mở bán trước và sau Tết âm lịch với số lượng trên dưới 150 nền. 

Dù lượng cung rất ít nhưng sức mua đã giảm nhiều, tỉ lệ tiêu thụ chỉ 60 - 70%, trong khi so với các quý trước hoặc cùng kỳ năm ngoái tỉ lệ thường lên đến 70 - 90%.

"Nhu cầu và sức mua giảm mạnh ở tất cả các phân khúc từ đất nền, nhà phố/biệt thự, căn hộ... Tâm lý chung của thị trường là thận trọng chờ qua đợt dịch bệnh COVID-19 này xem thế nào", ông Hoàng nói.

Ghi nhận ở Hà Nội và TP.HCM, dù bắt đầu xuất hiện giảm giá nhưng phần nhiều người bán nhà vẫn giữ giá. 

Như căn nhà 90m2, mặt phố Đặng Tiến Đông, quận Đống Đa, TP Hà Nội được rao bán với giá 15,5 tỉ đồng vì lý do chủ nhà vỡ nợ, cần bán gấp. 

Nhưng anh Đức Toàn, nhân viên môi giới, cho biết căn nhà này đã được rao bán 3 tháng chưa có người hỏi mua nhưng giá rao bán không đổi, việc giảm giá phụ thuộc vào đàm phán giữa người mua và chủ nhà.

Không chỉ nhà phố, giao dịch đất nền tại Hà Nội cũng đang có xu hướng chững lại, bà Hoa - chủ lô đất 60m2 mặt đường Mễ Trì Hạ, quận Nam Từ Liêm - đã rao bán mảnh đất với giá 90 triệu đồng/m2 từ cuối năm 2019 đến nay chưa có ai hỏi mua. Tuy vậy, bà chưa giảm giá bán.

Tại khu vực các xã Vĩnh Ngọc và Hải Bối, huyện Đông Anh, TP Hà Nội, giá đất nền gần như không giảm so với thời điểm sốt đất vào cuối năm 2019, khi Tập đoàn BRG và đối tác động thổ siêu dự án đô thị TP thông minh dọc trục đường Nhật Tân - Nội Bài. Hầu hết các lô đất có sổ đỏ tại đây vẫn được rao bán với giá 40-65 triệu đồng/m2.

Dù thị trường đang "ngủ đông" nhưng theo báo cáo của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, giá bán căn hộ chung cư, nhà thấp tầng trong quý 1 không giảm so với quý 4-2019.

Áp lực sẽ ngày càng tăng?

Cũng theo ông Nguyễn Hoàng, giá bất động sản giảm chủ yếu do những người mua đi bán lại (thị trường thứ cấp), còn thị trường sơ cấp chưa thấy có nhiều dấu hiệu giảm giá trực tiếp từ chủ đầu tư. 

Với những dự án đã và đang rao bán, mức giá chủ yếu giữ ở mức tương đương quý 4-2019. Trong khi đó, những dự án sẽ mở bán thì đa số chủ đầu tư hiện đang dừng hoặc hoãn kế hoạch ra hàng.

Với thị trường thứ cấp, một số nhà đầu tư cá nhân tại một vài dự án do áp lực trả tiền vay ngân hàng, vốn ngắn... có dấu hiệu bán ngang giá hoặc chấp nhận giảm giá. 

"Sức mua bất động sản bị tác động mạnh bởi nhiều người bị ảnh hưởng thu nhập, người có tiền cũng thận trọng và có tâm lý chờ, lắng nghe thêm thị trường", ông Hoàng nói.

Ông Nguyễn Văn Đính, phó chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, cho biết về cơ bản 3 tháng qua không có giao dịch nhà mặt tiền, mặt phố tại Hà Nội nên giá cả không có biến động. 

Với nhà phố các quận vùng ven, ông Đính cho biết nhiều người mua để kinh doanh, tích lũy tài sản nên trong bối cảnh khó khăn có xu hướng muốn bán nhưng giao dịch không nhiều.

Một đại diện Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) nhận định các giao dịch nhà phố, nhà mặt tiền do khó cho thuê được, áp lực trả nợ, lãi ngân hàng lớn nên buộc phải bán. Và áp lực này sẽ ngày càng tăng nếu dịch kéo dài. 

Chính phủ đã tung ra một số gói cứu trợ kinh tế, nhiều nhà đầu tư sẽ tranh thủ dòng vốn này để cầm cự. Khi dịch đi qua, nguồn hỗ trợ không còn, có thể nhu cầu bán nhà phố sẽ tăng mạnh.

Riêng với mặt bằng kinh doanh như nhà hàng, quán ăn, vị cán bộ Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản trên đánh giá nhu cầu sang nhượng rất nhiều do có 2 cú sốc liên tiếp từ nghị định 100 về xử phạt nồng độ cồn và từ dịch bệnh. 

Nhưng bỏ tiền mua tài sản lúc này đối mặt nhiều rủi ro, nên nhiều nhà đầu tư sẽ tiếp tục chờ đợi. Vì thế, xu hướng "đóng băng" trên thị trường bất động sản vẫn là chủ đạo.

Bất động sản Cần Thơ: chờ qua dịch

Ngày 8-4, khi phóng viên Tuổi Trẻ hỏi thăm về giao dịch nhà đất, Nguyễn Đăng Khoa (môi giới bất động sản) buông tiếng than: "Ế ẩm anh ơi". Như khu Nam Cần Thơ (quận Cái Răng) giá giảm 100-150 triệu đồng/sản phẩm nhà đất mà cũng không có giao dịch.

Ông Nguyễn Minh Trí, giám đốc Công ty TNHH địa ốc Tín Phát (quận Cái Răng), cho biết tất cả giao dịch công chứng, sang tên đổi chủ hiện nay không có thực hiện vì phòng công chứng đóng cửa từ ngày 1-4.

Phòng công chứng đóng cửa kéo theo văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất các quận, huyện không có hồ sơ để làm. "Thị trường bất động sản Cần Thơ đang ở trạng thái chờ, giống như nghỉ tết. Còn giá đưa ra chỉ để thăm dò" - ông Trí nói.

Ông Lê Phương Đông, trưởng văn phòng đại diện Hội Môi giới bất động sản Việt Nam khu vực ĐBSCL, cho rằng giá bất động sản tại Cần Thơ có xu hướng chờ diễn biến sau khi qua dịch COVID-19.

LÊ DÂN

Đà Nẵng: thị trường trầm lắng, giá giảm

Ghi nhận thị trường bất động sản ở TP Đà Nẵng những ngày qua từ thị trường đất nền, căn hộ đến shophouse hầu như không có giao dịch nào. Các công ty bất động sản, môi giới nhà đất trong các dự án "cửa đóng then cài".

Anh Nguyễn Thế Trung, chủ một đại lý giao dịch đất khu đô thị sinh thái Hòa Xuân, buồn bã kể từ cuối năm 2019 đến nay vẫn còn hàng vạn lô đất ở khu Hòa Xuân nhưng bị "đóng băng", giao dịch thành công tỉ lệ chỉ vài phần trăm, lại rơi vào các lô đất nhỏ, người mua có nhu cầu ở chứ không mua đi bán lại như trước.

a1 8-4 danang gia dat da giam sau 4(read-only)

Bất động sản tại Đà Nẵng ảm đạm, nhiều văn phòng môi giới đóng cửa - Ảnh: V.HÙNG

Ông Nguyễn Hồng Song, giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai TP Đà Nẵng, cho hay so với cùng kỳ năm trước thì lượng giải quyết thủ tục về thế chấp, chuyển quyền, làm sổ chính chủ... hiện giảm hơn 50%.

Ông Nguyễn Đức Lập, viện trưởng Viện Nghiên cứu và đào tạo bất động sản TP Đà Nẵng, phân tích bên cạnh việc "đóng băng", nay giá đất nền nhiều khu dân cư, khu đô thị ở Đà Nẵng đã giảm khoảng 50%.

Khu đô thị nào ven TP, lượng đất nền còn nhiều thì giá giảm càng lớn, khu dân cư nào tỉ lệ lấp đầy cao thì giá giảm ít lại.

V.HÙNG

Bất động sản ‘ngủ đông’ giữa đại dịch COVID-19 Bất động sản ‘ngủ đông’ giữa đại dịch COVID-19

TTO - Dịch COVID-19 bùng phát, giao dịch bất động sản quý 1 năm nay chỉ đạt 14,3% tổng nguồn cung căn hộ, nhà ở bung ra thị trường. Trong số 53.200 căn hộ, nhà ở thấp tầng được bán ra trong quý 1 chỉ có 7.600 giao dịch thành công.

ĐẶNG TUÂN - TRẦN MẠNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên