Ít giờ trước, trên trang cá nhân của mình, nghệ sĩ Gia Bảo đã bày tỏ sự bức xúc vì một công ty ngoài Hà Nội lại báo cáo YouTube chặn các trích đoạn của anh. Theo đó, công ty này xác nhận với YouTube rằng họ độc quyền các bài bản trong các trích đoạn của 2 vở cải lương Tiếng trống Mê Linh và Nửa đời hương phấn.
Gia Bảo viết:
"Tiếng trống Mê Linh, Nửa đời hương phấn là của Thanh Minh - Thanh Nga bao nhiêu năm nay, giờ công ty BH nào đó họ báo bản quyền không được sử dụng vì đoạn hát do NSƯT Thanh Sang hát trong Tiếng trống Mê Linh giống 1 trích đoạn của họ (dù trong vở của tôi, cố NSƯT Thanh Sang vẫn tham gia biểu diễn bằng xương bằng thịt, còn Nửa đời hương phấn cũng có 1 đoạn hát giống nên bị dính luôn...
Các tác phẩm này tôi đã đăng từ lâu, giờ bị bắt phải gỡ xuống hoặc vẫn tiếp tục phát mà họ lấy hết doanh thu của chúng tôi... Tôi chỉ muốn hỏi từ bao giờ các vở tuồng cải lương được một công ty nào đó độc quyền? Hay có cái quyền tự động có một trích đoạn nào đó là nghiễm nhiên độc quyền luôn vở cải lương đó?
Tiếng trống Mê Linh, Nửa đời hương phấn là các tác phẩm được viết bởi đơn đặt hàng từ bà cố tôi - bà Bầu Thơ với các soạn giả trong đoàn để viết, đúng luật là bản quyền thuộc Thanh Minh - Thanh Nga nhưng gia đình tôi chưa bao giờ ích kỷ, và các đơn vị hay nghệ sĩ khác hát thì cứ liên hệ tác giả là xong, gia đình chúng tôi chưa bao giờ khó dễ gì để có nhiều thế hệ tiếp nối biểu diễn những tác phẩm lừng danh này để cải lương mãi phát triển!!!
Thế mà bây giờ, chính tôi làm để kỷ niệm gia tộc Thanh Minh - Thanh Nga của mình từ năm 2014 (Tiếng trống Mê Linh) và Tài danh đất Việt 2015 (Nửa đời hương phấn) mà đến nay là năm 2020, tôi bị công ty báo vi phạm bản quyền! Tôi biết phải kêu cứu ở đâu? Và ai sẽ cứu chúng tôi?
Tôi làm lại 5 - 6 vở cải lương kinh điển với số tiền tỉ (không hề có tài trợ) là để lưu giữ cho mai sau các thế hệ trẻ còn xem biết cải lương để mà yêu mến, để mà tự hào... 5 - 6 chương trình với gần 20 xuất diễn cả 3 miền Bắc - Trung - Nam gần 20.000 người đã xem... rồi nhờ YouTube lưu giữ lại để còn mãi...
Nhưng tôi đã thật sự quá mệt mỏi vì những chuyện vô lý như thế này!
Tối nay, đúng ra sẽ phát hành phần 6 vở cải lương Lan và Điệp! Nhưng tôi đã quyết định tạm dừng! Và nếu thật sự không có cách giải quyết thoả đáng... Tôi sẽ xoá hết toàn bộ những chương trình của mình đã từng làm trên YouTube và xoá luôn kênh Gia Bảo Official! Ai muốn làm trời làm đất thì cứ việc, tôi làm nghệ thuật đúng nghĩa, nhưng tôi quá cô thế buộc lòng chúng tôi phải hủy hết công sức mình làm ra, chứ không có chuyện họ báo claim để ăn toàn bộ công sức của chúng tôi như vậy!
Xin chân thành cáo lỗi cùng quý vị khán giả!".
Tuổi Trẻ Cười Online liên hệ với Gia Bảo, nam nghệ sĩ khá bức xúc vì những tuồng tích ngày xưa được các soạn giả viết cho Đoàn Thanh Minh - Thanh Nga lại bị "đánh" bản quyền: "Từ trước đến nay, cải lương chưa bao giờ có độc quyền. Bởi trong các vở cải lương thường dùng bài bản được các nghệ nhân xưa sáng tạo riêng cho cải lương như: Lý con sáo, Lý con khỉ, Sâm thương, Chiêu Quân, Cao San...
Khi viết tuồng, các soạn giả thấy phù hợp ở đoạn nào sẽ chọn và đưa các bài bản vào các lớp lang. Đoàn của bà cố tôi ngày xưa có hơn 20 soạn giả như: Hà Triều, Hoa Phượng, Kiên Giang... sinh hoạt và làm việc trong đoàn. Họ sáng tác nhiều tuồng tích để đời như: Tiếng trống Mê Linh, Nửa đời hương phấn... Gia đình chúng tôi không ích kỷ, vẫn cho các anh chị em nghệ sĩ biểu diễn, chỉ cần mua tác quyền từ soạn giả hay con cháu họ.
Nói đúng ra, chúng tôi mới là những người độc quyền những tuồng tích đó, nhưng chúng tôi cư xử rất tử tế. Tôi không hiểu tại sao lại có một công ty ngoài Hà Nội tự cho mình cái quyền được độc quyền các bài bản trong cải lương. Họ mánh khoé dùng kẽ hở của YouTube, một đơn vị nước ngoài để đăng ký các bài bản trong các trích đoạn là độc quyền của họ.
Khi tôi đăng các tuồng như: Tiếng trống Mê Linh và Nửa đời hương phấn thì bên YouTube nói chặn vì bản quyền, khiến tôi bức xúc. Vở diễn gia đình tôi diễn đã nhiều năm, tái diễn cũng được ủng hộ. Tôi thấy buồn cười vì họ nói đoạn hát của cố nghệ sĩ Thanh Nga và cố nghệ sĩ Thanh Sang là độc quyền của họ. Cố nghệ sĩ Thanh Nga là người nhà của tôi, họ đã hỏi qua con trai của bà Thanh Nga là chú Hà Linh chưa mà đòi độc quyền? Câu chuyện nói đến đây hẳn ai cũng thấy vô lý.
Hiện tại, tôi đang để bên Metube làm việc vì tôi và đơn vị này đang hợp tác nên họ có nghĩa vụ bảo vệ quyền lợi cho tôi. Tình trạng độc quyền vô lý này đã khiến nhiều anh chị em nghệ sĩ bức xúc nên tôi phải lên tiếng".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận