Cổ phiếu công ty sản xuất uranium Cameco Canada tăng gần 30% - Ảnh: REUTERS
Uranium được gọi là "bánh vàng". Nhiên liệu hạt nhân này đã tăng giá 7% kể từ giữa tháng 8, phá vỡ mức 50 USD/pound (454g) từ trước cuộc chiến.
Nhiều người tham gia thị trường kỳ vọng uranium sẽ còn tăng hơn nữa. Bank of America (BofA) dự đoán uranium sẽ đạt 70 USD/pound vào năm 2023.
Giá bán uranium đã tăng trong những tuần gần đây nhờ tin tức tích cực về năng lượng hạt nhân tại nhiều nước.
Các công ty tiện ích chuyển sang tăng cường nguồn cung điện hạt nhân, trong bối cảnh cuộc khủng hoảng năng lượng ngày càng trầm trọng ở châu Âu.
Cuối tháng 8, Nhật Bản đã phát tín hiệu về kế hoạch tăng tốc khởi động lại các lò phản ứng và thăm dò việc xây dựng các nhà máy hạt nhân mới, kể từ sau thảm họa hạt nhân Fukushima năm 2011.
Ở Hàn Quốc, chính sách năng lượng hạt nhân đã được lật ngược lại dưới thời Tổng thống Yoon Suk Yeol. Ông muốn mở rộng ngành công nghiệp hạt nhân thay vì loại bỏ dần.
Đầu tháng 9, bang California (Mỹ) đã quyết định kéo dài tuổi thọ của nhà máy hạt nhân cuối cùng đang hoạt động.
Đức cũng đặt các nhà máy hạt nhân của mình ở chế độ chờ để tiếp tục hoạt động nếu cần.
"Động thái của Đức và California về việc giữ lại nhà máy hạt nhân sẽ có tác động ngay lập tức đến thị trường. Vì cả hai nơi này, trước đây đều có tình trạng siết chặt pháp lý việc phát triển điện hạt nhân", ông Per Jander, giám đốc chuyên về mặt hàng hạt nhân và năng lượng tái tạo tại Công ty kinh doanh WMC Energy, cho biết.
Máy ly tâm khí thế hệ mới để làm giàu uranium tại Nhà máy điện hóa Urals (Nga) - Ảnh: TASS
Vào đầu năm 2022, EU xếp điện hạt nhân vào loại năng lượng "xanh". Các công ty khai thác uranium được niêm yết công khai cũng tạo ra làn sóng lạc quan của các nhà đầu tư. Cổ phiếu tại Công ty Cameco của Canada - nhà sản xuất uranium lớn thứ hai thế giới - gần đạt mức cao kỷ lục, sau khi tăng gần 30% kể từ giữa tháng 8.
Tuy nhiên ngay cả khi giá uranium tăng, mặt hàng này vẫn dễ bị tác động rủi ro bởi nguồn cung từ Nga rất lớn.
Theo các nhà nghiên cứu của Ngân hàng Đức Berenberg, Nga chỉ chiếm 5% sản lượng khai thác uranium toàn cầu. Tuy nhiên, Nga lại là nơi làm giàu uranium với sản lượng lớn nhất thế giới.
Nga là một trong vài quốc gia có nhiều nhà máy công nghệ làm giàu uranium phục vụ cho công nghiệp hạt nhân.
Bằng nguồn nguyên liệu uranium thô của Kazakhstan - nơi có trữ lượng uranium lớn nhất trên toàn cầu - cộng với năng lực của mình, Nga chiếm hơn 2/5 thị phần thế giới trong lĩnh vực làm giàu uranium.
Các nhà phân tích của Berenberg viết trong một báo cáo: "Việc loại bỏ Nga khỏi chuỗi nhiên liệu hạt nhân toàn cầu có khả năng trở thành nguồn gây gián đoạn và biến động giá cả".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận