TTCT - Van Gogh không còn có thể lên tiếng khi người ta tạo tranh theo phong cách của ông bằng vài dòng lệnh và một cú chạm điện thoại. Còn những họa sĩ đương thế thì sao? Lâu rồi câu chuyện ChatGPT mới lại gây ồn ào nhiều như cuối tháng 3 vừa qua - một bên hào hứng nhờ AI chuyển ảnh chụp thành tranh vẽ theo phong cách hoạt hình trứ danh Studio Ghibli, một bên lên tiếng đòi công đạo cho xưởng phim hoạt hình Nhật và đạo diễn huyền thoại Hayao Miyazaki.Vụ Ghibli là vụ gì?For The Win là một chuyên trang thể thao của tờ USA Today ngày 27-3 hùng hồn giật tít: "Trò mèo AI với Studio Ghibli là cú tát vào mặt các tác phẩm nghệ thuật của Hayao Miyazaki". Bài viết này, và nhiều bài tương tự, đã trích dẫn ý kiến của Miyazaki về AI hoàn toàn ngoài ngữ cảnh. Những lời ông nói trong bộ phim tài liệu Never-Ending Man: Hayao Miyazaki của Đài NHK năm 2016 hoàn toàn không phải về AI tạo sinh nói chung hay tính năng sao chép phong cách nghệ thuật nói riêng.Trong bộ phim (có trên YouTube kèm phụ đề tiếng Anh), Miyazaki được mời xem một video minh họa "xử lý hình ảnh bằng AI". Đoạn băng cho thấy một hình nhân kỳ quái di chuyển bằng đầu thay vì chân. Xem xong, Miyazaki không nhận xét ngay mà kể chuyện về một người bạn khuyết tật, đi đứng khó khăn và "một cái đập tay ăn mừng với tôi cũng quá sức cậu ấy". "Tôi nghĩ đến cậu ấy và không thể nói rằng tôi thích [những gì vừa xem] - ông nói - Các vị có thể làm những thứ kinh dị nếu muốn, nhưng tôi không muốn dính dáng gì tới nó. Đó là một sự sỉ nhục khủng khiếp tới sự sống". Trong các phút phim tiếp theo, khi nghe về tham vọng "tạo ra AI vẽ như con người", Miyazaki bày tỏ lo ngại "nhân loại đang dần đánh mất niềm tin vào chính mình". Tất cả những quan điểm này cần được xét đúng bối cảnh của nó - một màn minh họa ứng dụng AI vụng về, không hơn không kém. Đã 10 năm trôi qua, những gì AI làm được vượt xa hình dung của những người khi ấy; không ai biết được Miyazaki hiện tại nghĩ gì về AI và chuyện "Ghibili-hóa", khi chính ông chưa lên tiếng.Đạo diễn Hayao Miyazaki và một nhân vật của Ghibli. Ảnh: AFPTất nhiên, hành động của OpenAI vẫn gây tranh cãi về mặt đạo đức, thậm chí có thể cả về mặt pháp lý. Và đây không phải chuyện bây giờ mới có. Ngay từ những ngày đầu, Dall-E 2, Midjourney và các AI tạo sinh text-to-image (tạo ảnh từ dòng lệnh) đều cho phép người dùng tạo tranh theo phong cách của một loạt danh họa nổi tiếng, từ Leonardo da Vinci đến Vincent van Gogh, từ Claude Monet tới Salvador Dali. ChatGPT, sau bản cập nhật cuối tháng 3, cũng áp dụng vô số phong cách vẽ tranh và hội họa quen thuộc ngoài Ghibli để người dùng "hô biến" ảnh của mình.Nói cách khác, ồn ào "Ghibli hóa" chỉ làm nóng trở lại một vấn đề nan giải giữa AI và người nghệ sĩ.Tranh vẽ hữu hình, phong cách vô hìnhCho đến đầu tuần qua (31-3), cả Miyazaki lẫn Studio Ghibli hay các họa sĩ của hãng vẫn chưa công khai bày tỏ quan điểm về việc AI sử dụng phong cách của họ. Các studio và nghệ sĩ khác bị ảnh hưởng cũng chưa có động thái phản ứng. Khi người trong cuộc chưa lên tiếng, việc trích dẫn một câu nói gần mười năm trước mà không đặt vào đúng bối cảnh có thể thu hút sự chú ý trên mạng xã hội, song không giúp ích gì cho cuộc tranh luận.Nhưng giả sử hãng hoạt hình Nhật muốn kiện thì sẽ thế nào? Theo Business Insider, Ghibli có thể chọn một trong hai cơ sở để kiện: "đầu vào" - OpenAI có thể đã vi phạm quyền sở hữu trí tuệ của Ghibli nếu dùng tác phẩm của hãng để huấn luyện AI của mình mà không được phép; hay "đầu ra" - OpenAI đang tạo ra các tác phẩm có nét giống với những sản phẩm có bản quyền của Ghibli, có thể gây ra tranh chấp.Trên sân nhà, Ghibli lại bất lợi hơn vì Nhật Bản có luật bản quyền khá thoáng đối với việc huấn luyện mô hình AI; song công ty vẫn có thể khởi kiện tại Mỹ. Nhưng để lập luận này thành công, Ghibli cần chứng minh rằng các mô hình của OpenAI thực sự được huấn luyện trên các tác phẩm của họ. Điều này có thể đòi hỏi quá trình thu thập chứng cứ ngay từ đầu. "Nếu mô hình của ChatGPT hóa ra chỉ được huấn luyện trên fanart (tranh do người hâm mộ tự vẽ), vốn đã tràn ngập trên Internet suốt nhiều thập kỷ, Ghibli sẽ càng khó thắng kiện hơn" - Kristelia García, giáo sư luật sở hữu trí tuệ Đại học Luật Georgetown, nói với Business Insider.Ảnh "Ghibli hóa" tràn ngập trên Instagram. Trong khi đó, nếu dựa vào "đầu ra", Ghibli có thể lập luận rằng sự phổ biến rộng rãi của các hình ảnh theo phong cách Ghibli gây tổn hại đến thương hiệu của họ. Tuy nhiên, theo Christa Laser, giáo sư luật sở hữu trí tuệ tại Đại học Cleveland, hướng này còn khó hơn cho Ghibli. Dù từng đối tượng cụ thể - cả bộ phim, một cảnh quay hay tạo hình nhân vật - của Ghibli được bảo vệ bản quyền, phong cách nghệ thuật nói chung thì không. "Nếu chỉ tái tạo một tác phẩm sáng tạo của người khác thì không xem là vi phạm bản quyền" - Laser nói.Mọi bất bình của giới nghệ sĩ về AI đều nghẽn lại ở chỗ này. Tác phẩm cụ thể thì được bảo vệ, nhưng phong cách sáng tác thì không."Nghệ sĩ còn sống" sẽ nói gì?Khả năng tạo hình theo phong cách Ghibli được CEO OpenAI Sam Altman quảng bá trên X là một bước tiến so với các tính năng tạo hình ảnh trước đây của ChatGPT. Khác biệt ở chỗ trước đây người dùng bị hạn chế, không thể tạo hình ảnh theo phong cách của các nghệ sĩ còn sống.Matthew Sag, giáo sư luật chuyên nghiên cứu luật bản quyền và AI tại Đại học Emory, cho rằng chính sách này không phải vì sợ bản quyền, mà chỉ vì các nghệ sĩ không thích điều đó. Chẳng vui vẻ gì khi thấy tác phẩm mang phong cách của mình tràn lan. Nhưng vài năm gần đây, họ vẫn cứ bị làm cho tức điên như thế.Năm 2022, họa sĩ Thụy Điển Simon Stålenhag - nổi tiếng với những bức tranh ma mị, kỳ bí, kết hợp cảnh quan thiên nhiên với robot và sinh vật ngoài hành tinh - bất ngờ và hoảng sợ khi thấy AI có thể tạo tranh bắt chước phong cách của mình chỉ trong chớp mắt. Đó là sản phẩm do Andres Guadamuz, một giảng viên luật sở hữu trí tuệ tại Đại học Sussex (Anh), dùng Midjourney tạo với mục đích thử nghiệm nhằm "làm nổi bật các vấn đề pháp lý và đạo đức mà nghệ thuật do AI tạo ra có thể đặt ra", theo Wired.Andres Guadamuz đã tạo ra hình ảnh này bằng cách yêu cầu một thuật toán tạo hình ảnh bắt chước nghệ sĩ Simon Stålenhag. Ảnh: Andres GuadamuzGuadamuz nói lý do chọn phong cách của Stålenhag là vì họa sĩ này từng chỉ trích nghệ thuật AI trong quá khứ. Tất nhiên, Stålenhag không lấy gì làm vui với cái gọi là "nghệ thuật AI", thứ thực chất chỉ là những nội dung sao chép, rỗng tuếch. Guadamuz sau đó đã công khai xin lỗi Stålenhag và xóa hết ảnh. Ông cũng than rằng thử nghiệm nhằm "gợi suy nghĩ" của mình đã bị hiểu sai thành một cuộc tấn công cá nhân.Trong khi đó, Stålenhag cũng nói rõ: ông không coi những bức tranh AI mô phỏng phong cách của mình là đạo nhái, vì chúng trông khá khác biệt. Thậm chí, nghệ sĩ người Thụy Điển này còn cho rằng các công cụ AI có thể hữu ích trong việc khám phá ý tưởng nghệ thuật mới. Cái ông bất bình là cách các công nghệ mới cứ mãi làm giàu cho các công ty khổng lồ và các CEO quyền lực. "AI là công nghệ mới nhất và cũng là tàn nhẫn nhất. Về cơ bản nó lấy đi cả đời sáng tạo của các nghệ sĩ mà không có sự đồng thuận, rồi dùng dữ liệu đó làm nguyên liệu chính cho một loại bánh mới để bán kiếm lời, chỉ nhằm mục đích làm giàu cho một đám nhà giàu sở hữu du thuyền" - ông nói.Dù thử nghiệm diễn ra không như ý, Guadamuz vẫn cho rằng các vụ kiện liên quan đến vi phạm bản quyền khó có thể thành công, vì một tác phẩm nghệ thuật có thể được bảo vệ bản quyền, nhưng phong cách nghệ thuật thì không. Dù vậy, ông dự đoán trong tương lai, sớm muộn gì cũng sẽ có kiện tụng về vấn đề này. Đó là năm 2022. Gần 3 năm đã qua, có thể đã có phản đối, dọa kiện hay kiện tụng đây đó, nhưng chưa có phiên tòa nào thực sự diễn ra và thu hút chú ý của dư luận, trong khi chắc chắn sẽ có thêm nhiều "sự vụ Ghibli" trong tương lai.Việc AI có thể tạo ra những bản sao thuyết phục chỉ với lượng dữ liệu tối thiểu đang khiến cuộc tranh luận về tính nguyên bản, bản quyền và quyền riêng tư trở nên phức tạp hơn. Các tác phẩm do AI tạo ra nhưng mang đậm phong cách của những nghệ sĩ nổi tiếng nên được xem là nguyên bản (original) hay hàng nhái (imitation)? Các nghệ sĩ, cá nhân hoặc chủ sở hữu dữ liệu có nên có quyền kiểm soát nhiều hơn đối với cách dữ liệu của họ được sử dụng trong đào tạo AI? Khi công nghệ này tiếp tục phát triển, rõ ràng cả giới nghiên cứu lẫn các nhà lập pháp sẽ cần cân nhắc kỹ lưỡng các câu hỏi này.Cần có cân bằng giữa lợi ích của sáng tạo do AI thúc đẩy và các cân nhắc đạo đức về ảnh hưởng của nó đối với các nghệ sĩ cũng như quyền riêng tư cá nhân. Ai cũng biết vậy, nhưng "cân bằng" luôn là mục tiêu khó với. Trong một bài viết phản đối chuyện "Ghibli hóa" bằng AI được chia sẻ rộng rãi, Karan Karayi, tổng biên tập tờ Marksmen Daily (Ấn Độ), cho rằng trào lưu này không chỉ đơn thuần là một trò vui nhất thời mà còn là sự thiếu tôn trọng sâu sắc đối với nghệ thuật sáng tạo, cũng như công sức và tình yêu mà các nghệ sĩ đã dồn vào tác phẩm của họ."[Phim hoạt hình của Hayao Miyazaki] không chỉ là những màn trình diễn thị giác mà còn là những chuyến hành trình thiền định, được trau chuốt với sự tỉ mỉ phi thường và một tình yêu sâu sắc đến từng khoảnh khắc. Mỗi khung hình trong một bộ phim của Ghibli đều như một nhịp thở có chủ ý, một khoảnh khắc được cân nhắc kỹ lưỡng, mời gọi người xem dừng lại, cảm nhận và kết nối. Hình ảnh do AI tạo ra có thể mô phỏng bề mặt - bầu trời rực rỡ, những đôi mắt to ngỡ ngàng, những nét cọ ánh màu pastel - nhưng chúng hoàn toàn thiếu đi linh hồn của nghệ thuật" - Karayi viết.Nhìn rộng ra, các nghệ sĩ dành nhiều năm - thậm chí hàng thập kỷ - để mài giũa tay nghề và hy sinh nhiều thứ để đeo đuổi lý tưởng nghệ thuật của mình. Vì thế, cho rằng một thuật toán có thể tái tạo quá trình ấy không chỉ là ngây thơ, mà còn là một sự xúc phạm. "Nó biến những năm tháng lao động đầy cảm xúc và kỹ thuật thành vài dòng lệnh vô tri" - ông nhấn mạnh. Cần bao nhiêu dữ liệu huấn luyện để một mô hình AI text-to-image có thể bắt chước phong cách của một họa sĩ nổi tiếng? Nghiên cứu "How Many Van Goghs Does It Take to Van Gogh? Finding the Imitation Threshold" công bố tháng 10-2024, đã có câu trả lời: khoảng 200 tới 600 ảnh đầu vào.Cung điện Westminster do AI vẽ theo phong cách Van Gogh. Ảnh: ELVISIONgưỡng mô phỏng (imitation threshold) rất thấp này cho thấy AI không cần đến hàng ngàn hình ảnh để tạo ra các bản sao thuyết phục như ta tưởng. Mức dao động 200 - 600 tùy thuộc vào độ đặc trưng và phức tạp của phong cách muốn bắt chước. Các phong cách nghệ thuật trừu tượng có thể cần một tập dữ liệu lớn hơn để đạt đến mức độ mô phỏng thuyết phục, trong khi những phong cách có đặc điểm dễ nhận diện, như của Van Gogh, lại yêu cầu ít dữ liệu huấn luyện hơn.Nghiên cứu lúc đó cũng gợi vấn đề (chứ không lạm bàn giải pháp): Nếu một mô hình có thể tạo ra tác phẩm giống với một phong cách đã được bảo hộ bản quyền, điều đó có vi phạm quyền lợi của nghệ sĩ gốc không? Tags: Tranh vẽMỹ thuậtChatGPTAiGhibli
Sắp xếp lại đơn vị hành chính: để Mỹ Tho, Đà Lạt không trở thành phường, xã cao vũ minh (Trường ĐH Kinh tế - luật) 10/04/2025 1816 từ
Đặt tên phường theo địa danh xưa, nhớ ơn người khai hoang lập ấp KHÁNH YÊN THỰC HIỆN 09/04/2025 1986 từ
Tổng Bí thư Tô Lâm: Trung ương thống nhất sau sáp nhập còn 34 tỉnh, thành phố, giảm 60-70% cấp xã TỔNG BÍ THƯ TÔ LÂM 12/04/2025 Theo Tổng Bí thư Tô Lâm, Trung ương Đảng thống nhất số lượng đơn vị hành chính cấp tỉnh sau sáp nhập là 34 tỉnh, thành phố (28 tỉnh và 6 thành phố).
Mỹ thông báo miễn thuế đối ứng với smartphone, máy tính THANH BÌNH 12/04/2025 Mỹ vừa loại trừ một số mặt hàng điện tử như điện thoại thông minh (smartphone) và máy tính khỏi các mức thuế đối ứng của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Tám người bị khởi tố trong đường dây sản xuất gần 600 loại sữa bột giả là ai, vai trò thế nào? DANH TRỌNG 12/04/2025 Quá trình tổ chức khám xét 19 địa điểm là nhà máy sản xuất, văn phòng làm việc của các nghi phạm, Cơ quan cảnh sát điều tra thu giữ 84 loại sữa bột với số lượng 26.740 lon/90 lô sản xuất.
Chính phủ lập đoàn đàm phán với Mỹ do Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên làm trưởng đoàn NGỌC AN 12/04/2025 Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký quyết định số 753 ngày 12-4 về việc thành lập đoàn đàm phán Chính phủ về các vấn đề thương mại với Mỹ.