Y tá tại bệnh viện Nhi Đồng 1 hướng dẫn phụ huynh sử dụng thuốc - Ảnh: NGỌC DƯƠNG
"Bộ Y tế bắt thì bác sĩ phải ghi, nhưng chúng tôi chưa thực hiện quy định này để chờ xem quyết định mới của Bộ Y tế" - một bác sĩ nhi khoa nói với Tuổi Trẻ.
Ghi số chứng minh thư để "quản lý kê đơn"
Theo thông cáo chính thức được Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế phát đi ngày 2-3, quy định kê đơn thuốc ngoại trú trong thông tư 52 ký ngày 29-12-2017 và có hiệu lực thực hiện từ 1-3-2018 yêu cầu bác sĩ ghi đủ, rõ ràng, chính xác các mục in trong đơn thuốc hoặc sổ khám bệnh của người bệnh, riêng với trẻ dưới 72 tháng tuổi cần thêm số tháng tuổi, tên và số chứng minh nhân dân, số căn cước của cha mẹ, người giám hộ của trẻ.
Theo ông Cao Hưng Thái - phó cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, từ ngày 1-3 cha mẹ, người đưa trẻ đi khám chữa bệnh phải mang theo chứng minh thư (căn cước) để khi kê đơn bác sĩ điền đầy đủ thông tin.
"Khi có đơn thuốc với đầy đủ thông tin, trong đó có số chứng minh thư của cha mẹ, người giám hộ của trẻ thì người thân của trẻ có thể cầm đơn đi mua thuốc tại nhà thuốc" - ông Thái cho biết.
Bác sĩ, bệnh nhân đều thấy không cần
Ngay sau khi thông tư 52 được ký ban hành, giới y khoa đã rất băn khoăn về tính khả thi và mục đích của yêu cầu ghi số chứng minh thư của cha mẹ vào đơn thuốc.
Một bác sĩ của Bệnh viện Nhi T.Ư cho rằng nếu bác sĩ đề nghị cha mẹ các cháu cung cấp số chứng minh thư để ghi đơn thuốc, trường hợp cha mẹ không mang hoặc không nhớ số chứng minh thư thì cháu có được kê đơn không?
"Quan trọng là cung cấp số chứng minh thư để làm gì, nhằm mục đích gì? Trả lời của Bộ Y tế vẫn chưa chuẩn.
Muốn hạn chế tình trạng kháng kháng sinh thì phải kê đơn cho đúng, trẻ có bằng chứng nhiễm khuẩn mới kê kháng sinh, nhưng số chứng minh thư của cha mẹ có liên quan gì đến bằng chứng nhiễm khuẩn, kê đơn cho đúng... này, mà nếu yêu cầu ghi số chứng minh thư không để làm gì thì bắt chúng tôi kê làm gì?" - bác sĩ này chất vấn.
Các bác sĩ cũng cho hay phần mềm kê đơn tại bệnh viện hiện đã yêu cầu cung cấp đủ các thông tin về tên tuổi trẻ, số điện thoại của cha mẹ trẻ, những thông tin này có liên quan đến việc bệnh viện có thể gọi cho người nhà bệnh nhi để hỏi thăm tình trạng sau điều trị của cháu, nhưng số chứng minh thư thì không có tác dụng gì.
Chị N.T.N., phụ huynh cho con đi khám, băn khoăn thẻ bảo hiểm y tế của con chị ghi tên bố cháu, có lần bố cháu đi làm cách nhà 500km và cháu bé bị ốm, khi lên bệnh viện huyện bệnh viện cũng yêu cầu trình chứng minh thư của bố cháu làm gia đình bệnh nhân rất khó khăn.
"Nếu muốn quản lý việc kê đơn thì các thông tin là bác sĩ nào kê đơn, thuốc mua ở nhà thuốc nào, dược sĩ nào bán, tên tuổi bệnh nhân... có thể ràng buộc trách nhiệm các bên hơn là số chứng minh thư của cha mẹ" - chị N. nói.
Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 2-3, cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế Lương Ngọc Khuê cho rằng quan điểm của cục là rất cầu thị, hiện nay cục chưa nhận được đề nghị chính thức nào từ các bệnh viện về việc thực hiện theo đơn thuốc mẫu trong thông tư 52 là khó khăn.
"Các bệnh viện có thể gửi ý kiến về chỗ chúng tôi, nếu cần thiết chúng tôi sẵn sàng họp ban soạn thảo lại để sửa.
Quan điểm cá nhân tôi thì các đơn thuốc thông thường cũng không cần thêm thông tin về số chứng minh thư/căn cước của cha mẹ, người giám hộ của trẻ, chỉ đơn thuốc độc, thuốc có nguy cơ gây nghiện thì mới cần" - ông Khuê nói.
Chứng minh thư liên quan gì?
Theo ông Cao Hưng Thái - phó cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, đây là nội dung mới so với các quy định trước đây nhằm đảm bảo ba ý nghĩa của đơn thuốc: đảm bảo tính chuyên môn trong việc sử dụng thuốc an toàn, hợp lý và hiệu quả; đảm bảo tính kinh tế khi đơn thuốc được tính chi phí phù hợp và đảm bảo tính pháp lý về mối quan hệ giữa thầy thuốc và người bệnh trong cung cấp dịch vụ.
"Đây là việc hoàn toàn cần làm để quản lý việc kê đơn và bán thuốc theo đơn. Cũng có thể có một vài trường hợp phát sinh nhưng đa số trẻ dưới 6 tuổi được người thân, cha mẹ đưa đi khám nên việc ghi số chứng minh thư không có gì quá khó khăn" - ông Thái nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận