21/03/2023 09:39 GMT+7

Ghi chép vụn từ một chuyến đi thiền Vipassana

Không nói chuyện, không dùng điện thoại và cách ly mạng xã hội, mỗi ngày ngồi thiền nghiêm chỉnh khoảng 10 tiếng... là những gì chúng tôi trải qua suốt 10 ngày tham dự khóa thiền Vipassana ở một thiền viện thuộc huyện Tân Phú, Đồng Nai.

Khu lưu trú thiền sinh - Ảnh: YẾN TRINH

Khu lưu trú thiền sinh - Ảnh: YẾN TRINH

Đây chỉ là những ghi chép vụn đầu năm của tôi, khi trải qua hai khóa thiền. Về lại cuộc sống thường nhật, có những điều chúng tôi đã không giữ nghiêm như trong khóa, thậm chí vẫn nhiều khiếm khuyết và sai lầm, nhưng ít ra có những giọt nước mát đọng lại trong tâm trí...

Xuất phát từ tính tò mò muốn có một phương pháp cải thiện sức khỏe, nhất là người trẻ như tôi còn muốn "cai nghiện" mạng xã hội ngốn thời gian như Facebook, TikTok. 

Và các khóa thiền đã mang đến cho chúng tôi nhiều trải nghiệm sâu sắc.

1. Ngày tôi đăng ký tham dự khóa thiền Vipassana, hầu như bạn bè đều lắc đầu "Thiếu gì cách để khỏe, đi như vậy vừa xa vừa bất tiện...". Bỏ ngoài tai, tôi lên đường với mấy bộ đồ, tâm trạng háo hức xen lẫn hồi hộp. Thiền viện nằm gần núi, lối kiến trúc hiện đại giữa bốn bề cây cối.

"Thiền sinh gửi lại điện thoại. Suốt khóa thiền không ghi chép, không mang sách đọc, tịnh khẩu..." cùng nhiều nội quy khác được phổ biến vào chiều hôm đó.

Bước vào căn phòng được ngăn đôi với một thiền sinh nữ, tôi nhìn chiếc giường sắt một người nằm, lòng bắt đầu thấy trống trải. 21h, đèn tắt, tiếng giun dế ngoài kia nghe bồi hồi làm sao.

Có lẽ nhiều thiền sinh khác cũng chung ý nghĩ rằng nếu ở thành phố giờ này mình đang đi cà phê, lướt mạng mua đồ hoặc nằm êm ấm trên giường. Mười ngày tiếp theo mình có chịu nổi không...

Tiếng kẻng 4h "phũ phàng" kéo tôi khỏi giấc mơ. Thiền sinh lật đật đánh răng rửa mặt rồi đến thiền đường.

Tất cả ngồi xếp bằng theo thứ tự đã chia sẵn, nhắm mắt. Nghe tiếng chim rút lên từ một khoảng không, gió buổi sớm lùa vào lạnh ngọt, tôi... ngủ luôn và sực tỉnh khi đã gần hết thời gian thiền dài hai tiếng.

Những ngày tiếp theo, tôi chú ý lời hướng dẫn của sư cô trụ trì và cơ bản quan sát được hơi thở, nhận biết cái tâm lúc nào cũng muốn ngược về quá khứ hoặc vọng tưởng tương lai. 

Cùng với lời dạy của sư cô, tôi bắt đầu có kinh nghiệm, tập trung tâm trí và dần hiểu phương pháp.

Chuyện sinh hoạt mỗi ngày khiến một đứa loi nhoi như tôi cảm thấy lóng ngóng. Các bữa ăn luôn đúng giờ, nghiêm trang. Thiền sinh nhiều độ tuổi xếp hàng đợi tới lượt rửa ly chén của mình. Mọi hành động phải chánh niệm - mình biết mình đang làm gì, không nhìn ngang ngó dọc sẽ "phạm giới".

Đến giữa khóa thiền, tôi dần học cách sống ngăn nắp, suy nghĩ đơn giản hơn một chút. Thấy nhà vệ sinh bẩn hay nền nhà bụi bặm, chúng tôi tự giác dọn dẹp. Thức ăn lấy vừa đủ. Cái bánh, ly chè tráng miệng ngọt lành quá, kẻ phàm tục là tôi muốn ăn thêm nhưng lại nghĩ "ăn no 80% sẽ tốt cho tiêu hóa, nhẹ bụng dễ ngồi thiền".

Góc kia có một đàn kiến, thôi từ từ hẵng quét nhà. Cái cây trước mặt đẹp đó, người trồng cũng cực khổ lắm, đừng vặt lá, đừng bẻ trái. Nghĩ cũng ngộ, ngày thường chúng tôi có vậy đâu.

Chẳng biết giây phút "hoàn lương" của các thiền sinh kéo dài bao lâu, nhưng đó là những khoảnh khắc tôi thấy mình chỉ đối diện với chính mình. Vui sướng, muộn phiền, thất vọng rồi hy vọng... cứ trồi lên qua một tấm kính của tâm trí khiến thiền sinh đôi lần giật mình: mình chất chứa nhiều thứ vậy sao?

Tập thiền giúp chúng tôi biết cảm nhận và yêu mến thiên nhiên nhiều hơn dù là cây trồng xinh đẹp hay cỏ dại bên đường - Ảnh: QUỐC VIỆT

Tập thiền giúp chúng tôi biết cảm nhận và yêu mến thiên nhiên nhiều hơn dù là cây trồng xinh đẹp hay cỏ dại bên đường - Ảnh: QUỐC VIỆT

2. Mỗi thiền sinh sẽ cảm nhận về thiền khác nhau. Sau khóa học, tôi cũng như nhiều thiền sinh cảm giác mình trút bớt những điều đè nặng bấy lâu.

Những việc hiển nhiên bản thân không chịu chấp nhận nay trở nên dễ hiểu, dễ cho qua. Sau 10 ngày không gương soi, tôi thấy nét mặt mình thanh thản hơn dù vẫn thấp thoáng những nếp "sân si".

Cô bạn chung phòng tên Mỹ Hương (31 tuổi, ngụ quận 5, TP.HCM), vào ngày tổng kết đã kể về sự thay đổi của cô sau khi dự hai khóa thiền. Khóa đầu, Hương lý giải được mối quan hệ mệt mỏi bấy lâu với chồng, về việc anh hay chơi game và ít san sẻ trong cuộc sống hằng ngày.

"Sau khóa đầu, tôi không ôm nhiều việc nữa mà gợi ý chồng phụ giúp. Có chuyện gì tôi sẽ cố gắng bình tĩnh nói ra suy nghĩ của mình.

Tuy chưa đồng điệu lắm nhưng cả hai không còn nghĩ tới chuyện xa nhau", cô nói. Khóa này, Hương đi cùng chồng, anh ấy đang ở khu lưu trú thiền sinh nam, có lẽ đang ngẫm nghĩ về 10 ngày qua.

Tôi cũng làm quen cô bạn tên T.T.T. chỉ còn cha. Từ nhỏ cô đã rời nhà, nương náu tại một ngôi chùa tại quận Tân Bình, TP.HCM. Với môi trường thuần khiết, suy nghĩ hướng thiện, T. tiếp thu khóa thiền nhanh chóng.

Cô chia sẻ bản thân trước đây hay tủi phận mình côi cút, thiệt thòi. "Nhưng khi thực hành thiền và nghe lời giảng của sư cô mỗi tối, tôi hiểu mỗi người mỗi cảnh và còn có gia đình để lo toan cũng là hạnh phúc rồi".

Sư cô trụ trì - người hướng dẫn khóa thiền - đã giảng những câu chuyện về đời, về người. Chẳng phải điều gì cao siêu vì sư cô đã lồng ghép những ví dụ đời thực.

Bà kể rằng có một võ sư "oai" lắm, nhưng ngồi thiền mấy tiếng là không chịu nổi, đòi về nhưng được khuyên ở lại hết khóa. Sau đó, người này liên lạc lại rằng đã bỏ được cái tính ăn vào máu là hay gây sự, mạnh tay với người khác khi dạy võ...

Rồi sư cô kể câu chuyện một cụ bà ở Cần Thơ, U80 đi học thiền đã 4-5 khóa. Cụ nói đi học "để biết điều tốt". Mấy cụ khác thì lúc tan khóa tụm lại kể rằng những ngày ngồi thiền giúp họ bớt rầu lo bệnh tuổi già.

Như bà Tình (66 tuổi, ngụ Di Linh, Lâm Đồng), đã tham dự hai khóa, thì nói: "Ai cũng có nỗi khổ, mình nên biết cách tìm niềm vui để con cháu đỡ lo lắng". Nhìn các cụ ngồi bên mớ đồ đạc, chuẩn bị về nhà với gương mặt tươi sáng hơn, tôi nhớ tới những người thân quen đã luôn đối xử tốt với mình. Mình đừng sống ơ hờ nữa...

3. Ngoài phương pháp thiền, có lẽ điều đọng lại nhiều trong lòng các thiền sinh là những lời giảng của sư cô hướng dẫn. Từ chuyện vì sao người già hay cằn nhằn, hay giữ của, hoài niệm, cho đến cứ về tới nhà là chúng ta dễ quạu quọ người thân. Từ chuyện lòng tham, ích kỷ, cho đến sự hy sinh...

Và làm sao để sống vì một lý tưởng trong cuộc đời ngắn ngủi như sư cô nhắn nhủ "Ai cũng sinh ra có một lần, sống sao để sau này không hối tiếc". Chính sư cô đã đi học ở Ấn Độ vào những năm 1990. Tu tập không phải là buông xuôi, mà là sự cố gắng mỗi ngày.

Mỹ Hương cũng tâm sự rằng bạn tâm đắc với ý miếng ăn mỗi ngày dù được mua bằng tiền nhưng cũng là công sức nhiều người. Nguồn nước ta uống, cái nhà ta ở, hoặc những sự giúp đỡ khi túng thiếu đâu phải hiển nhiên.

Vậy sao ta không nuôi dưỡng lòng từ và hạnh phúc với những gì đang có. Giữa cuộc đời bình thường cứ cố gắng hướng thiện, giữ cho lòng yên lành để có trí tuệ mà làm việc, mà thương yêu, hy vọng.

Những điều đó không nhất thiết phải mong cầu qua khóa thiền mới đạt được. Nhưng nếu ai chưa biết vì sao mình khổ đau hoài, thử tìm đến xem sao.


Hiện nay các khóa thiền Vipassana được một số trung tâm, thiền viện tại các tỉnh thành mở định kỳ theo tháng, mỗi khóa thường kéo dài 10 ngày (khóa dẫn nhập), có nơi có khóa 2 ngày, 4 ngày hoặc học online...

Chi phí cho việc học thường tùy tâm. Tùy nơi, thời gian ngồi thiền có thể khác nhau.

Khi người trẻ nghỉ làm đi... thiềnKhi người trẻ nghỉ làm đi... thiền

TTO - Nếu du lịch, leo núi, hoạt động thiện nguyện vốn là chọn lựa đầu tiên khi bạn trẻ muốn dành "khoảng lặng" cho cuộc sống của mình trước các áp lực, bế tắc... thì hiện không ít bạn tìm đến các khóa thiền, dành thời gian "nhìn vào bên trong mình".

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên