17/01/2020 11:41 GMT+7

Ghi âm, ghi hình CSGT: sẽ chấn chỉnh được tình trạng mãi lộ?

M.HÒA - Đ.CƯỜNG - L.DÂN
M.HÒA - Đ.CƯỜNG - L.DÂN

TTO - Từ ngày 15-1, người dân đã bắt đầu có quyền giám sát lực lượng CSGT làm nhiệm vụ thông qua thiết bị ghi âm, ghi hình.

Ghi âm, ghi hình CSGT: sẽ chấn chỉnh được tình trạng mãi lộ? - Ảnh 1.

Người dân ghi hình CSGT làm nhiệm vụ tại khúc cua đường Đào Duy Anh, Q.Phú Nhuận, TP.HCM - Ảnh: H.AN

Hầu hết người dân, lực lượng CSGT đều đồng tình và ủng hộ việc này.

Có thể hạn chế tiêu cực

Thông tư 67 của Bộ Công an có hiệu lực từ ngày 15-1 quy định người dân được sử dụng thiết bị ghi âm, ghi hình và quan sát trực tiếp để giám sát lực lượng CSGT đang thực thi nhiệm vụ. Tuy nhiên, khi người dân giám sát phải tuân thủ các quy định của pháp luật và không làm ảnh hưởng đến hoạt động của cán bộ, chiến sĩ.

Có ý kiến về vấn đề trên, Nguyễn Ngọc Hiệp - sinh viên Trường đại học Văn hóa TP.HCM - chia sẻ: "Tôi rất tán thành thông tư 67 mới của Bộ Công an. Cái gì không thuộc phần bí mật nhà nước thì cứ để minh bạch cho người dân biết, giám sát". Bởi theo Hiệp, việc người dân giám sát lực lượng công an sẽ giúp hình ảnh của lực lượng ngày càng tốt lên, tránh những sai sót, tiêu cực xảy ra.

Cùng chung quan điểm, anh Huỳnh Trung (trú phường Hòa Cường Bắc, Hải Châu, Đà Nẵng) cho rằng việc người dân có quyền giám sát lực lượng CSGT làm nhiệm vụ thông qua thiết bị ghi âm, ghi hình là rất cần thiết. Theo anh Trung, một khi lực lượng CSGT làm nhiệm vụ công khai thì người dân cũng có thể giám sát trực tiếp bằng mắt hoặc qua thiết bị ghi âm, ghi hình.

"Đây là một kênh giám sát tốt để hạn chế những tiêu cực có thể xảy ra - anh Trung nhận định và nói thêm - Khi nghị định 100 ra đời với mức phạt người vi phạm luật giao thông nặng hơn thì việc giám sát càng cần thiết hơn bao giờ hết".

Ông Huỳnh Hồng Sơn (quận Bình Thủy, Cần Thơ) cũng cho rằng việc người dân được phép ghi hình, ghi âm CSGT trong lúc làm nhiệm vụ là cần thiết.

Tuy nhiên, theo ông Sơn, người dân được phép ghi âm, ghi hình nhưng đừng gây cản trở người thi hành công vụ và cũng phải khách quan, tôn trọng sự thật. Không nên cắt xén đoạn ghi âm, ghi hình, từ đó không thấy được hết bản chất vụ việc.

Ghi âm, ghi hình CSGT: sẽ chấn chỉnh được tình trạng mãi lộ? - Ảnh 2.

Nguồn: Bộ Công an - Đồ họa: TUẤN ANH

Phải tuân thủ luật

Chia sẻ về việc người dân có quyền giám sát lực lượng CSGT làm nhiệm vụ thông qua thiết bị ghi âm, ghi hình, thượng tá Lê Văn Lực - phó Phòng CSGT Công an Đà Nẵng - cho biết không phải bây giờ, mà thời gian qua tại Đà Nẵng CSGT đã sẵn sàng, ủng hộ việc này. Đây cũng là một kênh giám sát các cán bộ, chiến sĩ CSGT trong quá trình làm việc của mình.

"Việc người dân ghi hình CSGT làm nhiệm vụ một cách khách quan, trung thực, đúng quy định thì chúng tôi hoan nghênh. Mặt khác cũng phải rõ ràng là nghiêm cấm, xử lý nghiêm việc xuyên tạc sự thật - thượng tá Lực nói và chia sẻ thêm - Khi thực hiện việc ghi âm, ghi hình thì người thực thi nhiệm vụ và người giám sát người thực thi nhiệm vụ đều phải tuân thủ theo quy định".

Ngoài ra, thượng tá Lực cũng cho biết thời gian qua Đà Nẵng đã trang bị hệ thống camera giám sát giao thông ở hầu hết các tuyến đường, nên CSGT đã khá quen với việc này và xem đó là việc bình thường.

Cùng với đó thì ở các phường, tổ dân phố đã trang bị các hệ thống camera an ninh... Trong quá trình giải quyết các vụ tai nạn giao thông, lực lượng CSGT của quận, huyện khi cần đều có thể đến Phòng CSGT để trích xuất phục vụ công tác.

"Mình làm việc đúng chuẩn mực, khách quan, đàng hoàng thì không có gì phải ngại việc giám sát, ghi âm, ghi hình của người dân" - thượng tá Lực cho hay.

dbnguyenmaibo ngay 16-1 2(read-only)

* Ông Nguyễn Mai Bộ (ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng - an ninh của Quốc hội):

Biện pháp chấn chỉnh tình trạng mãi lộ

Việc cho người dân ghi âm, ghi hình lực lượng cảnh sát giao thông đang làm việc là quan điểm tích cực của Bộ Công an. Việc này khẳng định công dân có quyền giám sát cán bộ, công chức làm việc.

Mặt khác, trước tình trạng một bộ phận cảnh sát giao thông ăn hối lộ, mãi lộ làm xấu hình ảnh lực lượng công an, việc người dân ghi hình là một giải pháp của Bộ Công an chấn chỉnh tình trạng trên.

Tôi cho rằng việc ghi hình nhằm giám sát, có bằng chứng để công dân tố cáo, cung cấp cho cơ quan chức năng khi cảnh sát giao thông có dấu hiệu vi phạm.

Tuy nhiên, người dân khi thực hiện quyền không được làm ảnh hưởng đến công việc của lực lượng cảnh sát giao thông. Quan trọng hơn, không được lợi dụng việc ghi hình để bôi nhọ, vu khống hay chửi bới lực lượng chức năng.

TIẾN LONG

Từ 15-1, người dân được phép quay phim CSGT đang làm nhiệm vụ Từ 15-1, người dân được phép quay phim CSGT đang làm nhiệm vụ

TTO - Ngày 15-1, thông tư 67/2019/TT-BCA quy định về việc người dân có quyền giám sát lực lượng cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ thông qua thiết bị ghi âm, ghi hình chính thức có hiệu lực.

M.HÒA - Đ.CƯỜNG - L.DÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên