Rất nhiều ý kiến đã được đưa ra và Tuổi Trẻ đi tìm thêm câu trả lời về cách đặt tên sao cho dễ được chấp nhận nhất.
Ghép đôi tên mới nghe "kỳ kỳ"
Theo thống kê của Tuổi Trẻ, tại Hà Nội, đến ngày 10-4 đã có 14 quận huyện thống nhất được phương án sắp xếp đơn vị hành chính (sáp nhập) cấp xã, phường giai đoạn 2023 - 2025. Từ danh sách 173 xã, phường thuộc diện phải sáp nhập ở Hà Nội, có thể thấy không ít địa danh sẽ sáp nhập, mất tên gọi vốn có trong ký ức nhiều người dân.
Trong đó có phường Cầu Dền, Quỳnh Lôi (quận Hai Bà Trưng); xã Hữu Bằng, Chàng Sơn (huyện Thạch Thất); Hà Hồi, Vạn Điểm (huyện Thường Tín)... đều là những tên gọi có tính lịch sử.
Tương tự vậy, những ngày qua, Đôi Hậu - một tên xã mới dự kiến được đặt sau sáp nhập hai xã Quỳnh Đôi và Quỳnh Hậu, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) - gây "bão mạng" vì cái tên "nghe kỳ kỳ" khi tên mới được ghép đôi kiểu cơ học. Người dân địa phương băn khoăn lo "mất gốc" khi tên Quỳnh Đôi - một xã nổi tiếng về khoa bảng ở xứ Nghệ - có nguy cơ biến mất.
Quỳnh Đôi từng có 734 người đỗ tú tài và cử nhân, 4 người đỗ phó bảng, 7 người đỗ tiến sĩ, 2 người đỗ hoàng giáp và 1 người đỗ thám hoa. Đây cũng chính là quê hương của Bà Chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương.
Phía còn lại, ông Trần Hữu Đức - chủ tịch UBND xã Quỳnh Hậu - cho hay ai ở xã nhà cũng muốn giữ lại cái tên của xã có từ năm 1946 vì đã gắn liền với lịch sử, với bao thế hệ.
Từ thực tế đó, Phó chủ tịch UBND huyện Quỳnh Lưu Nguyễn Xuân Dinh cho hay huyện đang họp bàn để đưa ra phương án. Việc phải bỏ tên xã Quỳnh Đôi là điều đáng tiếc, song sẽ dựa vào nguyện vọng của người dân hai xã chứ không phải dư luận xã hội.
"Nếu vẫn còn có ý kiến trái chiều thì tiếp tục xem xét và làm lại quy trình hoặc không thể giữ tên xã cũ thì sẽ tìm một tên mới", ông Dinh nói.
Tại tỉnh Yên Bái, ngày 4-4 HĐND huyện Trấn Yên đã họp nhất trí cao việc sáp nhập xã Đào Thịnh với xã Việt Thành và lấy tên mới là Thành Thịnh. Người dân cũng cho rằng Đào Thịnh là nơi phát hiện "thạp đồng Đào Thịnh" có niên đại hàng nghìn năm, gắn liền với lịch sử, văn hóa đất nước.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, Chủ tịch UBND huyện Trấn Yên Trần Ngọc Thư cho biết khi đảm bảo có số đồng thuận của người dân đạt trên 51% thì trình HĐND xem xét, quyết định. Theo ông Thư, với tên gọi mới là Thành Thịnh, qua lấy ý kiến người dân, có khoảng 65% người dân xã Đào Thịnh đồng ý (còn lại 35% có ý kiến khác) và 100% người dân xã Việt Thành đồng ý.
Việc người dân chưa tán thành với tên gọi mới là điều không tránh khỏi và các ý kiến này đều đã được thể hiện trên lá phiếu lấy ý kiến.
Quan trọng là hài hòa lịch sử, truyền thống và được sự đồng thuận
Trao đổi với Tuổi Trẻ, PGS.TS Bùi Hoài Sơn - ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội - cho hay việc đặt tên mới cho một đơn vị hành chính khi sáp nhập không chỉ đơn thuần là công việc của chính quyền mà cần thể hiện truyền thống lịch sử địa phương, những dấu ấn gắn với người dân. Đồng thời thể hiện niềm tự hào đã được bao thế hệ người dân địa phương vun đắp, xây dựng và có cả những mơ ước của họ gắn với những địa danh đó.
Vì vậy, khi đặt tên mới cho một đơn vị hành chính rất cần cân nhắc đến lịch sử, văn hóa và nguyện vọng của nhân dân địa phương, tránh những hệ lụy không đáng có về sau. Điều quan trọng nhất, theo ông Sơn, là tên mới có nhận được sự đồng thuận của người dân không, có phù hợp về lịch sử, văn hóa... và có gây hiểu lầm, rắc rối về giấy tờ cho người dân không.
Còn PGS.TS Bùi Xuân Đính - người từng công tác tại Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, có nhiều thời gian gắn với nghiên cứu làng xã - cũng bày tỏ băn khoăn, tiếc nuối khi nhiều tên gọi xã, phường đã đi vào lịch sử, thơ ca nhưng "biến mất" sau khi các địa phương công bố đề án sáp nhập.
Ông nhắc đến những cái tên như thị trấn Diên Khánh (Khánh Hòa) dự kiến sau khi sáp nhập sẽ đổi tên thành phường Phú Thành. Hay phường Cầu Dền, Quỳnh Lôi (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), xã Tích Giang sáp nhập với xã Thọ Lộc (huyện Phúc Thọ, Hà Nội) thành xã mới mang tên Tích Lộc. Xã Quỳnh Đôi nổi tiếng của huyện Quỳnh Lưu tỉnh Nghệ An, Cổ Am ở Hải Phòng... có thể bị mất tên.
Vì vậy việc đặt tên mới cần làm rất thận trọng, bài bản, không nóng vội, không chủ quan duy ý chí, áp đặt. Trong đó, đặc biệt phải đảm bảo những yếu tố lịch sử, văn hóa cũng như coi trọng việc lấy ý kiến nhân dân, nhất là những người am hiểu, để thể hiện rõ được tâm tư nguyện vọng của cộng đồng cư dân làng xã, để giữ lại những địa danh gắn bó với lịch sử phát triển hàng nghìn năm của làng xã.
Ghép tên tránh "vô hồn, vô cảm"
Theo ông Bùi Hoài Sơn, các địa phương không cần xây dựng "kho tên" để dùng cho việc đặt tên và việc ghép tên với nhau hay không cũng không quan trọng bởi thực tế trước đây đã từng ghép tên với khá nhiều địa phương.
Bàn rõ thêm, ông Bùi Xuân Đính nói việc đặt tên mới nếu chỉ ghép tên đơn vị hành chính mới một cách cơ học, đơn giản sẽ không phản ánh được truyền thống lịch sử, văn hóa, những đặc điểm nổi bật của các địa phương đó, tạo ra những cái tên "vô hồn, vô cảm", thậm chí có cả tên phản cảm.
Tuy vậy, ông Đính cho rằng các địa phương không cần xây dựng "kho tên" gọi cho các xã, phường sau sáp nhập để lựa chọn. Bởi tên của các địa phương đã có trong rất nhiều cuốn sách như Tên làng xã Việt Nam đầu thế kỷ 19, Đồng Khánh địa dư chí, Tên làng xã và địa dư các tỉnh Bắc Kỳ...
Vì vậy, khi đặt tên mới cho các xã được sáp nhập, cần tham khảo nguồn tên từ các sách này. Đồng thời tham khảo ý kiến của các chuyên gia, nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử để có thể định ra những cái tên phù hợp.
Trong khi đó, ông Nguyễn Tiến Dĩnh - nguyên thứ trưởng Bộ Nội vụ - cho rằng nhiều trường hợp khi sáp nhập hai địa phương sẽ ghép tên lại với lý do để tên mới vẫn có tên của hai nơi cũ.
Việc này trong một số trường hợp phù hợp được người dân ủng hộ, song một số trường hợp lại tạo thành tên không mang nhiều ý nghĩa, người dân không đồng tình. Do vậy, ngoài vấn đề văn hóa lịch sử, theo ông Dĩnh, việc tham vấn ý kiến cộng đồng và các bên liên quan khi đề xuất, quyết định tên gọi mới rất quan trọng.
Đà Nẵng, Khánh Hòa sẽ lấy ý kiến dân
Tại Đà Nẵng, ông Trương Thanh Toàn, trưởng Phòng Nội vụ UBND quận Thanh Khê, cho biết vừa qua quận đã lấy ý kiến dân về việc lấy tên gọi sau sáp nhập. Đồng thời quận cũng tiếp thu các ý kiến đóng góp của các chuyên gia, bậc lão thành cách mạng, cộng đồng người dân... đảm bảo theo nghị quyết 35 của Chính phủ.
"Việc này giúp đảm bảo tính lịch sử, đảm bảo giảm thay đổi giấy tờ nhằm tiết kiệm, giảm phiền hà cho người dân thì hầu hết các ý kiến đưa ra phương án giữ lại tên gọi một trong hai phường cũ. Đề xuất tên gọi nào có trước thì chọn tên đó khi sáp nhập", ông Toàn cho biết.
Trong khi đó, Sở Nội vụ cũng đã có văn bản hướng dẫn về tổ chức lấy ý kiến cử tri về sắp xếp bằng cách lấy ý kiến cử tri theo từng tổ dân phố, báo cáo tổng hợp gửi các cấp trên theo mẫu.
Một giảng viên bộ môn địa danh học tại Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng cho rằng việc lấy ý kiến nhân dân địa phương là một khâu rất quan trọng.
"Trong tên phường xã sáp nhập thì hầu như đã có các từ tố thể hiện được yếu tố gốc địa danh, vùng đất rồi nên nó khác với việc đặt tên khi tách phường xã. Tôi cho rằng nên cân nhắc lấy lại tên phường xã cũ để tránh xáo trộn cho một bộ phận dân cư.
Trường hợp nếu không tìm được sự đồng thuận thì chính quyền có thể xét tới các yếu tố văn hóa, lịch sử địa phương để tìm ra giải pháp đồng thuận nhất. Nếu người dân không đồng thuận, có thể sử dụng tên đơn vị mới ghép giữa các tên đơn vị cũ", vị này nói.
Tại Khánh Hòa, việc đặt tên xã phường mới cũng được xác định phải lấy ý kiến và theo đa số cử tri. Các huyện, thị xã, TP có thay đổi tập trung chỉ đạo UBND các xã phường liên quan phải hoàn thành việc tổ chức lấy ý kiến cử tri, tổng hợp kết quả gởi HĐND cùng cấp và báo cáo UBND tỉnh Khánh Hòa chậm nhất là ngày 20-5-2024.
Thời gian qua, cả hai tên mới theo đề xuất dự kiến của huyện Diên Khánh đặt tên xã Đồng Xuân và phường Phú Thành khi thị trấn thành phường và huyện thành thị xã Diên Khánh, cũng như tên gọi phường Tân Tiến theo đề xuất dự kiến của TP Nha Trang khi sáp nhập ba phường đã có nhiều ý kiến không đồng tình.
Với việc sáp nhập ba phường là Phước Tiến, Phước Tân và Tân Lập thành phường mới dự kiến có tên Tân Tiến, theo giải thích của UBND TP Nha Trang thì lịch sử hình thành của các phường Tân Lập (năm 1971), phường Phước Tân và Phước Tiến (năm 1975) gần nhau, quy mô dân số của các địa phương cũng tương đồng. Do đó đề xuất đặt tên cho đơn vị hành chính mới trên cơ sở lấy một phần tên của các đơn vị cũ ghép lại thành phường Tân Tiến.
Với huyện Diên Khánh, người dân không đồng tình với việc xã Diên Đồng sáp nhập vào xã Diên Xuân sẽ mang tên Đồng Xuân. Huyện này giải thích "theo quyết định số 54-BT ngày 27-3-1978 của Phủ Thủ tướng về việc thành lập một số xã thuộc tỉnh Phú Khánh (trước đây), đặt Diên Đồng trước Diên Xuân". Còn "theo thứ tự bảng chữ cái "Diên Đồng" trước "Diên Xuân", đồng thời tính theo cự ly km, xã Diên Đồng gần trung tâm hành chính huyện hơn xã Diên Xuân".
Đặc biệt với việc thống nhất tên gọi thị trấn Diên Khánh khi trở thành phường là phường Phú Thành gây xôn xao thời gian qua thì trong tờ trình ngày 26-3 huyện không còn nêu gì đến việc đổi tên thị trấn Diên Khánh thành phường Phú Thành nữa.
TP.HCM: đặt tên theo phường đông dân hơn
Từ năm 2021, phường 6, 7, 8 của quận 3 đã sáp nhập thành phường Võ Thị Sáu. Sau khi sáp nhập, đại diện UBND quận 3 cho biết cả ba phường này đều nằm trên trục đường Võ Thị Sáu, đã lấy ý kiến người dân và được sự đồng thuận cao.
Đặc điểm của 80 phường nằm trong dự thảo đề án sắp xếp của TP.HCM lần này đều là phường bằng số nên đa phần các phường sau khi sáp nhập cũng gọi tên bằng số. Riêng chín phường của quận 8 được đề xuất sau khi sáp nhập sẽ thành ba phường mới được gọi bằng tên gồm Rạch Ông, Hưng Phú, Xóm Củi. Đây là những địa danh quen thuộc đã gắn với người dân quận 8.
Đại diện UBND quận 3 cho hay quận này sẽ chọn tên phường sau khi sáp nhập theo tên của phường đông dân hơn. Việc này sẽ hạn chế việc chỉnh sửa giấy tờ của người dân.
5 nguyên tắc để đặt tên xã, phường mới
Từ thực tế quan sát, nghiên cứu, PGS.TS Bùi Hoài Sơn chỉ ra năm nguyên tắc chung trong việc đặt tên mới cho các đơn vị sau sáp nhập.
1. Phải nghiên cứu lịch sử và văn hóa của địa phương. Trước khi đặt tên cho xã, phường mới cần hiểu rõ về lịch sử, văn hóa và các sự kiện quan trọng trong khu vực đó qua tham khảo tư liệu lịch sử, tìm kiếm thông tin từ các nhà nghiên cứu địa phương hoặc dân cư địa phương.
2. Cần tham vấn cộng đồng địa phương, bao gồm cả các nhóm dân tộc, văn hóa, dòng họ, và các lãnh đạo địa phương qua cuộc họp cộng đồng, hoặc các cuộc thăm dò ý kiến kể cả thảo luận trên mạng.
3. Chú ý sử dụng ngôn ngữ địa phương, cân nhắc sử dụng ngôn ngữ địa phương. Điều này không chỉ giúp tôn vinh và bảo tồn ngôn ngữ và văn hóa địa phương mà còn giúp tạo ra một liên kết mạnh mẽ hơn giữa cộng đồng và địa danh.
4. Cân nhắc ý nghĩa lịch sử và văn hóa. Cụ thể, khi đặt tên cho một xã phường mới, phải cân nhắc ý nghĩa lịch sử và văn hóa của tên đó. Tránh việc chọn các từ ngữ hoặc tên gọi có thể gây tranh cãi hoặc không tôn trọng đến một phần của cộng đồng.
5. Thực hiện quy trình chặt chẽ, bảo đảm tuân thủ các quy trình và quy định pháp lý khi đặt tên cho xã, phường mới.
Người dân không phải đổi giấy tờ
Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại tá Vũ Văn Tấn - phó cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an) - cho biết người dân sẽ không phải thay đổi, làm lại các giấy tờ, căn cước công dân khi địa phương thực hiện sáp nhập, có tên gọi mới. Các giấy tờ, căn cước công dân vẫn có nguyên hiệu lực. Trong trường hợp người dân có nhu cầu, muốn thuận tiện hơn trong giao dịch, làm các thủ tục có thể đi đổi giấy tờ, căn cước công dân.
Điều 129, Luật Tổ chức chính quyền địa phương quy định việc thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh đơn vị hành chính; đặt tên, đổi tên đơn vị hành chính cấp tỉnh, huyện, xã đều thuộc thẩm quyền quyết định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tuy nhiên trước khi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định phải được tiến hành theo quy trình, trình tự qua nhiều cấp và lấy ý kiến nhân dân.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận