30/12/2013 14:12 GMT+7

Ghép tạng cho "bệnh nhân" heo

LÊ THANH HÀ
LÊ THANH HÀ

TT - Sài Gòn ngày cuối tuần, trong một căn phòng lớn có những bác sĩ mặc áo xanh âm thầm, say mê làm việc dưới ánh đèn mổ sáng rực. Nằm trên bàn mổ là ba “bệnh nhân” đặc biệt.

3NOjFMhG.jpgPhóng to
Êkip ghép gan vừa phẫu thuật lấy ra toàn bộ gan heo và chuẩn bị lấy gan của heo “hiến tạng” ghép vào - Ảnh: L.TH.H.

Họ là một tập thể gồm hơn 20 bác sĩ trẻ, đa số chỉ khoảng 30 tuổi của Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM. Cả ngày thứ bảy 21-12, họ “giam” mình ở Trung tâm phẫu thuật thực nghiệm Trường đại học Y dược TP để thực hiện cuộc “tổng diễn tập” phẫu thuật thực nghiệm ghép tạng. Tất cả cùng một khát khao, ấp ủ cứu những bệnh nhân suy tạng giai đoạn cuối mà tính mạng của họ luôn leo lét như đèn treo trước gió...

“Bệnh nhân” đặc biệt

Nếu không nhìn mặt “bệnh nhân”, bất cứ ai bước vào phòng mổ thực nghiệm cũng tưởng nằm trên bàn mổ là những bệnh nhân bị suy gan, suy thận, suy tim giai đoạn cuối thật sự đang được các bác sĩ ghép tạng. Chỉ khi thấy cái mõm dài thượt được gắn đủ thứ dây dợ, máy móc tôi mới biết đó là “bệnh nhân” heo.

Để chuẩn bị cho cuộc mổ thực nghiệm này, chiều 20-12, không chỉ có nhân viên của trung tâm mà cả các bác sĩ cũng xăn quần, xắn tay áo chui vào chuồng heo để tắm rửa, kỳ cọ cho ba “nàng” heo thật sạch sẽ, thơm tho. Tối đến còn cho các “nàng” uống nước đường để chuẩn bị ruột trước mổ. Cũng chiều hôm trước, toàn bộ bàn ghế của một giảng đường lớn được dọn hết đi chỗ khác. Thay vào đó là ba bàn mổ, các máy móc, thiết bị, vật tư, dụng cụ... được chuyển vào. Hàng trăm chai nước biển cũng đã được chuẩn bị cho làm đông thành đá. Tất cả được sắp xếp đâu ra đó: bàn mổ đầu tiên được sắp cho êkip ghép tim, bàn mổ thứ hai dành cho êkip lấy tạng (tim, gan, thận), bàn mổ thứ ba là êkip ghép gan.

7g ngày 21-12, “bệnh nhân” heo đầu tiên được đưa vào bàn mổ thứ hai để các bác sĩ, kỹ thuật viên tiến hành bóp bóng đặt nội khí quản chuẩn bị gây mê, cố định bốn chân vào bàn mổ và bộc lộ các mạch máu để đặt các ống, dịch truyền, chuẩn bị cho việc lấy tạng.

“Bệnh nhân” này được giả định là người đã chết não, được thân nhân đồng ý hiến tạng cứu người. Hơn 8g, các bác sĩ của êkip lấy tạng bắt đầu những đường mổ đầu tiên. Khi nội tạng bộc lộ ra, họ cẩn thận bóc tách từng động mạch, tĩnh mạch... của gan, tim, thận “bệnh nhân”.

Các nội tạng sau khi lấy ra được bảo quản ngay trong đá lạnh và được các bác sĩ khác tiến hành rửa sạch hết máu, kiểm tra từng mạch máu xem có bị xì, rò chỗ nào không. Các đầu miệng nối mạch máu cũng được chuẩn bị gọn gàng, chỉnh sửa tươm tất để sẵn sàng ghép cho “bệnh nhân” nhận tạng.

Ở bàn mổ thứ ba, một “bệnh nhân” heo khác sau đó cũng được đưa vào bàn mổ để các bác sĩ gây mê, mổ lấy toàn bộ gan ra. Sau đó thay bằng gan của “bệnh nhân” heo hiến tạng ghép lại. Khoảng 12g, “bệnh nhân” thứ ba được đưa vào phòng mổ gây mê và êkip ghép tim bước vào phòng mổ. Các bác sĩ cũng lấy tim của “bệnh nhân” này ra và thay bằng tim của “bệnh nhân” hiến tạng.

Trong khi đó, êkip ghép thận sau khi lấy thận của “bệnh nhân” hiến tạng ra, kiểm tra các mạch máu, xử lý sạch sẽ xong lại ghép thận trở lại cho heo hiến tạng. Hơn 14g, ca ghép gan thực hiện xong, đến 16g ca ghép tim cũng hoàn tất. Bên cạnh các ca ghép tạng, nữ bác sĩ nội trú Trần Việt Liên cũng tranh thủ lấy ruột của heo hiến tạng cắt rời ra và tỉ mẩn khâu nối hai đoạn ruột lại để “làm thêm cho quen tay”.

Sau khi ghép tạng xong, một số bác sĩ còn trực suốt đêm trong Trung tâm phẫu thuật thực nghiệm theo dõi, hồi sức, chăm sóc cho “bệnh nhân” sống đến ngày hôm sau để đánh giá chức năng của gan, tim... được ghép có hoạt động tốt không. Nếu tốt là cuộc ghép thành công.

“Bệnh nhân ghép gan tình hình sức khỏe rất tốt. Tự thở, tỉnh táo. Nước tiểu nhiều. Gan tiết mật tốt. Anh em đang lấy máu xét nghiệm kiểm tra các chức năng. Dự kiến 10g kết thúc theo dõi” - sáng 22-12, bác sĩ Duy Long vui mừng nhắn tin cho tôi như vậy.

Sáng tạo, khát khao

Sát cánh với các êkip phẫu thuật còn có các bác sĩ, kỹ thuật viên gây mê hồi sức, theo dõi máy hồi sức tim phổi ngoài cơ thể... Quán xuyến êkip gây mê, bác sĩ Nguyễn Tất Nghiêm kể do cấu trúc giải phẫu của heo khác người nên việc gây mê cho heo khá khó khăn.

Lần đầu mới mổ thực nghiệm, việc gây mê cho heo phải làm rất lâu, mất hơn cả giờ. Thậm chí bị thất bại vì không đặt được nội khí quản hoặc không kiểm soát được các chỉ số sinh học của heo....

Thế nhưng, các bác sĩ đã tự nghiên cứu, cải tiến một số kỹ thuật, chế một số dụng cụ dùng cho người để phù hợp với heo mới gây mê được.

“Chúng tôi theo dõi các dấu hiệu sinh học của heo theo nguyên lý chung, nhưng thông số của heo khác người nên các bác sĩ phải làm theo ước đoán. Quan trọng phải làm thế nào cho đồng bộ với kỹ thuật, giữ cho heo không bị chết trong lúc mổ” - bác sĩ Nghiêm chia sẻ.

Theo bác sĩ Duy Long, việc mổ thực nghiệm ghép tạng trên động vật giúp các bác sĩ rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm khi phẫu thuật trên người, thể hiện y đức của người thầy thuốc khi hành nghề là không đưa người bệnh vào mổ thí nghiệm để học việc.

Mổ thực nghiệm còn giúp các y bác sĩ học được cách tổ chức chuyên nghiệp cho một cuộc phẫu thuật ghép tạng ở tất cả các khâu, các kíp. Bởi chỉ cần một khâu có sự cố là tất cả bị trục trặc theo và ảnh hưởng đến chất lượng ca ghép tạng.

Khi tất cả êkip đều “người nào việc đó” thì “bộ máy” sẽ chạy thuần thục ngay khi có bệnh nhân hiến tạng. Khi thực hành nhuần nhuyễn các kỹ thuật chuyên môn trên heo như khâu nối mạch máu thì lúc làm thật sự trên người sẽ kéo thời gian nối ghép xuống ngắn hơn, đảm bảo chất lượng cuộc ghép tốt hơn nhiều. Hồi sức sau mổ thực nghiệm cũng giúp các bác sĩ, điều dưỡng những kiến thức thực tế và những thông số nhất định - dù heo khác người - để xử lý, hồi sức trên người sau này.

Cùng các bác sĩ ở trong phòng mổ gần một ngày, tôi chỉ thấy họ tranh thủ ít phút ra ngoài ăn trưa tạm bằng một ổ bánh mì và uống ly nước. Các bộ phận hậu cần phòng mổ cũng chạy như con thoi, nắm bắt các công việc được giao thuần thục.

Trong phòng mổ chỉ nghe tiếng dao cầm máu xẹc xẹc, tiếng dụng cụ lách cách. Cứ thế, mắt của các bác sĩ như dán chặt vào từng cơ quan nội tạng “bệnh nhân”, cẩn thận, tỉ mẩn trong từng thao tác, khi bóc tách và ghép lại từng mạch máu. Thời gian dường như ngừng trôi, tất cả dường như quên hết gia đình, không nhận thấy đôi chân mình sắp đông cứng vì đứng quá lâu bên bàn mổ. Họ cũng không nhận thấy những chiếc áo choàng xanh thấm đầy máu và nước...

EZ9tUnJp.jpgPhóng to
Bác sĩ, kỹ thuật viên gây mê cho heo theo dõi các chỉ số sinh học trên máy - Ảnh: L.TH.H.

Quy trình như trên người

Bác sĩ Trần Công Duy Long - khoa ngoại tiêu hóa gan mật Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM - cho biết tuy là mổ thực nghiệm trên heo nhưng tất cả khâu kỹ thuật, chuyên môn đều phải làm đúng quy trình như trên người. Từ mô hình cuộc mổ, cách tổ chức các kíp gây mê, kíp phẫu thuật (gồm ba chuyên khoa sâu kết hợp làm là ngoại tiêu hóa gan mật, ngoại tim mạch, ngoại tiết niệu), kíp dụng cụ, kíp thanh trùng cũng thực hiện, phối hợp nhuần nhuyễn. Đặc biệt, cuộc mổ phải đảm bảo hoàn tất kỹ thuật là giữ cho heo sống trong suốt quá trình mổ và hồi sức chăm sóc sau mổ.

Mong nhiều người hiến tạng

Bác sĩ Duy Long kể nhu cầu ghép tạng của người bệnh suy tạng giai đoạn cuối rất cao nhưng nguồn tạng hiến, đặc biệt là tim để ghép gần như không có. Một lần đang học phẫu thuật gan, mật, tụy ở Đài Loan (Trung Quốc), bác sĩ Duy Long cùng các thầy ở Đài Loan đến một bệnh viện để lấy tạng hiến của người bị điện giật chết. Tất cả bác sĩ khi lấy tạng đều làm việc một cách rất thiêng liêng, trân trọng. Khi êkip lấy tạng báo tin gan, thận, tim của người hiến rất tốt, đủ điều kiện để ghép thì ngay lập tức những bệnh nhân bị suy tim, suy gan, suy thận rất nặng được đưa ngay vào phòng mổ. Ngay đêm đó, các bác sĩ thực hiện được năm ca mổ ghép gan, tim, phổi và thận (hai quả thận cho hai người). Nhờ tạng hiến này các bác sĩ đã cứu được năm bệnh nhân thoát khỏi cái chết ngay trước mắt.

Chứng kiến và tham gia việc lấy tạng, ghép tạng, bác sĩ Duy Long và nhiều bác sĩ của êkip ghép tạng thực nghiệm luôn ấp ủ một ngày nào đó mình cũng được ghép tạng cho bệnh nhân VN. Được ban giám hiệu và ban giám đốc bệnh viện ủng hộ hết mình nên các bác sĩ đam mê ghép tạng cùng nhau hình thành các êkip phẫu thuật hoàn chỉnh và bắt tay vào thực hiện đề án nghiên cứu quy trình lấy đa tạng. Tất cả cùng mong muốn phải chuẩn hóa các quy trình làm việc sao cho việc lấy tạng có chất lượng tốt nhất, tạng không bị hoại tử, được ủ lạnh đúng quy trình... “Thử nghĩ xem, nếu một bệnh nhân nào đó mất và gia đình hiểu được ý nghĩa của việc hiến tạng thì phải có ngay các êkip tham gia phẫu thuật lấy tạng, ghép tạng, gây mê... để cứu ngay những bệnh nhân khác. Một êkip hoàn chỉnh, phối hợp tốt để đón đầu khi có những người cao cả, sẵn sàng hi sinh thân mình cho y học cứu người thì mình đã có sự chuẩn bị để ghép ngay” - bác sĩ Duy Long nói.

Và êkip hoàn chỉnh đó có TS.BS Nguyễn Hoàng Bắc - phó giám đốc Bệnh viện Đại học Y dược TP - và các bác sĩ Duy Long, Nguyễn Đức Thuận, Đặng Quốc Việt, Trần Thái Ngọc Huy, Lê Tiến Đạt, Vũ Hữu Thịnh, Trần Ngọc Lĩnh, Lê Văn Nam, Nguyễn Tân Cương, Lê Mạnh Hùng, Chung Tấn Tinh, Lê Thành Khánh Vân... Các bác sĩ này hầu hết từng đi học ở nhiều nước, trong đó có người từng học ở những người thầy, những trung tâm phẫu thuật lớn của nước ngoài. Theo các bác sĩ, chỉ khi người dân hiểu và sẵn sàng hiến tạng cho y học, các bác sĩ mới có thể cứu sống được nhiều bệnh nhân. Nếu không có tạng hiến, các bác sĩ chỉ mổ hoài trên động vật thì mọi sự nỗ lực, mong mỏi của các bác sĩ không thể ứng dụng trên người.

LÊ THANH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên