14/03/2005 10:55 GMT+7

Ghép giác mạc: người được, người không?

LÊ THANH HÀ
LÊ THANH HÀ

TT - Gần đây, một số bệnh viện, tổ chức từ thiện thông báo tiếp nhận bệnh nhân để ghép giác mạc. Thế nhưng, có những trường hợp khi khám xong bác sĩ bảo “không ghép được”!

IdY9TOuJ.jpgPhóng to
Bệnh nhân bị sẹo giác mạc rất cần những người hiến tặng cơ thể. Trong ảnh: SV y khoa thực tập trên cơ thể của một người hiến xác tại Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ y tế TP.HCM - Ảnh: H.QUÝ
TT - Gần đây, một số bệnh viện, tổ chức từ thiện thông báo tiếp nhận bệnh nhân để ghép giác mạc. Thế nhưng, có những trường hợp khi khám xong bác sĩ bảo “không ghép được”!

Lạm dụng thuốc

Bác sĩ Lâm Kim Phụng - phó giám đốc Bệnh viện (BV) Mắt TP.HCM - cho biết nguyên nhân dẫn đến sẹo giác mạc (dân gian gọi là bệnh “vảy cá”, “kéo mày”, “kéo mây”) đa số là do trước đó bệnh nhân bị viêm loét giác mạc nhưng không được chữa trị đúng. Ngoài ra còn do bệnh nhân bị loạn dưỡng, tật bẩm sinh (hiếm).

Triệu chứng của bệnh viêm loét giác mạc là mắt cộm, xốn, đỏ và kéo màng trắng ở con ngươi. Đa số bệnh nhân bị sẹo giác mạc là do tự ý mua thuốc nhỏ mắt có chứa corticoid, lạm dụng kháng sinh... làm chỗ trầy xước nhỏ tiến triển rộng hơn và nhiễm trùng. Dù được chữa khỏi vẫn để lại sẹo trên giác mạc. Tùy mức độ sẹo dày hay mỏng làm bệnh nhân nhìn lờ mờ hoặc không nhìn thấy. Một số trường hợp viêm loét giác mạc nặng, hoại tử, mủ nội nhãn có thể phải múc bỏ mắt.

Nhiều yếu tố tác động

Theo BS Trần Thị Phương Thu - giám đốc BV Mắt - để phục hồi thị lực bệnh nhân, chỉ có duy nhất phương pháp ghép giác mạc (hay là thay giác mạc). Trước khi ghép giác mạc, bệnh nhân phải đến khám tại một BV mắt, có bác sĩ chuyên khoa giác mạc để được đánh giá tình trạng sẹo và tiên lượng kết quả phẫu thuật.

Việc ghép giác mạc được hay không còn phụ thuộc một số yếu tố như kích thước sẹo, sẹo có còn mạch máu tân sinh hay không, có dính mống mắt vào sẹo không, có glaucoma hay bệnh lý đục thủy tinh thể đi kèm không. Do đó, không phải ai bị sẹo giác mạc cũng có chỉ định ghép giác mạc, vì đây là một phẫu thuật ghép mô nên mọi nguy cơ sau ghép đều giống như ghép thận, ghép gan...

Thành công sau ghép giác mạc còn phụ thuộc cơ địa của bệnh nhân có đáp ứng tốt với mảnh ghép hay không (vì có sự đào thải mảnh ghép), tay nghề của bác sĩ, chất lượng của giác mạc cho (giác mạc người cho đã lớn tuổi thường không tốt bằng người trẻ...), thời gian từ lúc lấy mắt đến khi ghép (càng ngắn càng tốt, tối đa là 15 ngày)...

Sau khi ghép giác mạc, bệnh nhân cần được theo dõi định kỳ, dùng thuốc đặc trị trong vài tháng đến vài năm để bảo đảm về mặt thẩm mỹ và chức năng (sáng mắt).

Đóng thêm 2 triệu đồng

BS Kim Phụng nói khoa giác mạc của BV Mắt TP.HCM đã ghép giác mạc khoảng 20 năm nay. Việc ghép giác mạc không triển khai rộng vì không có nguồn giác mạc của người tử vong, người hiến tặng sau khi chết. Bằng nguồn giác mạc hiến tặng của nước ngoài tài trợ, hằng năm BV ghép giác mạc được khoảng 50 - 60 bệnh nhân. Đồng thời việc ghép màng ối đông khô thường có kết quả tốt trong điều trị do có nguồn của ngân hàng mắt - thuộc Trung tâm Đào tạo và bồi dưỡng cán bộ y tế.

Bệnh nhân muốn ghép giác mạc miễn phí đến BV (280 Điện Biên Phủ, P.7, Q.3) để khám. Nếu đủ tiêu chuẩn ghép, BV sẽ lập hồ sơ và mời lên ghép khi có nguồn tài trợ của nước ngoài. Tuy nhiên, bệnh nhân xin ghép miễn phí vẫn đóng thêm khoảng 2 triệu đồng cho chi phí vận chuyển giác mạc, tiền mổ, thuốc, viện phí... trong 5-7 ngày điều trị nội trú. Ngoài ra, bệnh nhân muốn ghép sớm và có điều kiện kinh tế có thể đăng ký mua giác mạc của nước ngoài với giá 300 USD và đóng thêm 2 triệu đồng.

LÊ THANH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên