Bệnh nhi sau 21 ngày được ghép gan và được chăm sóc tại Bệnh viện Nhi trung ương - Ảnh: THÚY ANH
Theo bác sĩ Nguyễn Phạm Anh Hoa, trưởng khoa gan mật Bệnh viện Nhi trung ương, bệnh nhi được chẩn đoán mắc chứng rối loạn chuyển hóa mật thể hiếm gặp từ khi 3 tháng tuổi, thường xuyên phải nhập viên do gan và lách to, vàng da, suy gan... nhưng vẫn đáp ứng kém với điều trị và cần được ghép gan sớm.
Rất may mắn với bệnh nhi này là cả bố và mẹ đều đồng ý hiến tặng gan cho con và đều phù hợp các chỉ số với con. Tuy nhiên sau khi trao đổi, bố bé đã "giành" việc tặng gan cho con để mẹ bé có sức khỏe chăm sóc con sau phẫu thuật.
Tuy nhiên với các bác sĩ, việc phẫu thuật ghép gan cho một bé 6,7kg là một thử thách, nhất là việc nối những mạch máu rất nhỏ ở gan cho cháu bé. Bên cạnh đó, do các cơ quan nội tạng của bé đều còn non yếu, việc kẹp, gắp trong quá trình phẫu thuật rất dễ dẫn đến tổn thương.
Với sự hỗ trợ của các chuyên gia Đài Loan (Trung Quốc), ca ghép đã được thực hiện hôm 1-4 vừa qua.
Trải qua 12 giờ lấy gan hiến tặng từ người bố và ghép sang cho cháu bé, trong đó có những mối nối mạch máu kích thước chỉ 1,5mm, các bác sĩ đã hoàn tất ca ghép. Tuy nhiên, khó khăn liên tục xuất hiện trong 13 ngày sau đó, đe dọa nguy cơ phải phẫu thuật lại.
Sang ngày thứ 14, tiến triển của cháu bé đã ổn hơn, giải tỏa căng thẳng cho các bác sĩ.
Theo Bệnh viện Nhi trung ương, cho đến nay bệnh viện đã thực hiện 14 ca ghép gan cho trẻ em, trong đó riêng từ cuối năm 2018 đến nay ghép 3 ca, trong đó có 2 ca rất khó gồm 1 bé bất đồng nhóm máu với người hiến và 1 có cân nặng thấp.
Sau 21 ngày phẫu thuật, bệnh nhi nhỏ nhất được ghép gan đến nay đã tăng cân được chút ít, các chỉ số sức khỏe gần như trở về bình thường.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận