Hình ảnh vụ đánh ghen ầm ĩ trên phố Lý Nam Đế (Hà Nội) được chia sẻ trên mạng xã hội
Tổ ấm trò chuyện với ThS xã hội học Phạm Hoài Ngọc Bích (Trung tâm Nghiên cứu giới và gia đình, Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ) xung quanh vấn đề trên.
Ghen và làm chủ cảm xúc
* Với những vụ ghen không kiểm soát hiện nay, theo chị, có cần "học" cách ghen sao cho đúng mực?
ThS xã hội học Phạm Hoài Ngọc Bích
- Việc "học" cách ghen có chừng mực và bộc lộ những biểu hiện cảm xúc có giới hạn, theo tôi, là cần thiết. Gia đình và hôn nhân là lĩnh vực riêng tư.
Mối quan hệ giữa vợ và chồng lại càng thật sự riêng tư hơn nữa. Khi ghen, người ta nóng nảy, bực bội. Và thật sự đó chính là cái cảm xúc xuất hiện trong nguồn cơn của việc ghen.
Với những tình huống ghen, theo tôi, người trong cuộc cần bình tĩnh, suy xét tình huống và ở nơi công cộng, chốn đông người thì việc kiềm chế cảm xúc càng trở nên cần thiết.
Dĩ nhiên đó là về mặt lý thuyết. Trên thực tế, để ứng xử được như vậy không phải dễ dàng, đó là sự rèn giũa để có khả năng làm chủ cảm xúc của bản thân.
Điều này phụ thuộc vào quan niệm trong tình cảm của mỗi cá nhân, vào sự tin cậy ở đối phương và ít nhiều là sự trải nghiệm trong cuộc sống.
Như tôi nói ở trên, gia đình là lĩnh vực riêng tư, mối quan hệ giữa vợ và chồng càng là một không gian riêng tư hơn nữa. Tôi cho rằng việc làm "bẽ mặt" nhau nơi công cộng hay trên mạng xã hội không phải là cách xử lý để bảo vệ và gìn giữ hạnh phúc gia đình.
* Thực tế có những người ghen và hành xử tàn bạo với người yêu, vợ/chồng của mình, ngay cả khi họ có địa vị xã hội. Chị nhận định thế nào về những trường hợp này cũng như có lời khuyên nào cho các cặp đôi?
- Theo tôi, việc có địa vị xã hội và hành xử tàn bạo với người yêu hay vợ/chồng của mình không có nhiều liên quan với nhau lắm.
Vấn đề ở đây là việc làm chủ cảm xúc và thái độ tôn trọng đối phương của mỗi cá nhân. Việc hành hung người khác là vi phạm pháp luật. Do vậy, nếu cá nhân bị rơi vào tình huống đó, cần phải lên tiếng để pháp luật bảo vệ họ.
Ngoại tình và hôn nhân bền vững
* Có người nói xã hội bây giờ... dễ dẫn tới ngoại tình. Điều đó có đúng không và có nghiên cứu nào cho chuyện này?
- Tôi thấy trong bối cảnh xã hội hiện nay, nhất là ở các đô thị, cả nam giới và phụ nữ đều có thể có được việc làm và làm chủ thu nhập.
Đã có nhiều nghiên cứu đáng tin cậy chỉ ra rằng chính việc làm chủ kinh tế, làm chủ thu nhập đã làm cho cá nhân trở nên tự do hơn so với bối cảnh của xã hội truyền thống.
Ấy là điều kiện thuận lợi để mỗi cá nhân có nhiều lựa chọn, nhất là trong hôn nhân và mưu cầu hạnh phúc cho chính mình. Họ chủ động kết hôn khi cảm thấy cần thiết và vui vẻ, hạnh phúc. Và điều đó phần nào tác động đến tâm thế của họ trong cuộc sống chung.
Có thể so với xã hội truyền thống thì xã hội ngày nay xuất hiện hiện tượng ngoại tình phổ biến hơn.
Thế nhưng điều đó không có nghĩa tất cả những người sống trong xã hội hiện nay đều ngoại tình hoặc dễ dàng ngoại tình. Tôi chưa có nhiều cơ hội tiếp cận với những nghiên cứu tin cậy về ngoại tình và những nguyên nhân của nó.
Song tôi nghĩ, cho dù cá nhân có nhiều sự lựa chọn và có quyền lựa chọn thì vẫn không nên kết luận giản đơn rằng xã hội bây giờ dễ dẫn tới ngoại tình.
Cần có những cuộc khảo sát sâu hơn với hiện tượng xã hội này, bởi các yếu tố tác động đến cá nhân là khá chồng chéo và phức tạp trong bối cảnh của xã hội hiện đại.
* Vậy để có hôn nhân hạnh phúc, bền vững thì người chồng/vợ cần chuẩn bị gì? Quá trình sống họ phải vun đắp hoặc vượt qua cám dỗ, thử thách bằng cách nào, thưa chị?
- Hôn nhân và xây dựng cuộc sống gia đình là một quá trình. Một gia đình hạnh phúc - đó là kết quả của một quá trình rất dài của sự hòa nhập và thích nghi của hai cá nhân: người chồng và người vợ.
Trước đây mẹ tôi hay nói ba năm đầu tiên của cuộc hôn nhân là ba năm thử thách, nếu ai vượt qua được thì sẽ chung sống được với nhau.
Song theo sự quan sát của tôi, hôn nhân trong xã hội hiện đại ngày nay, thời gian thử thách có lẽ dài hơn rất nhiều, thậm chí nó kéo dài trong suốt cuộc hôn nhân.
Ban đầu cả hai cá nhân phải thích nghi về tính cách và thói quen sinh hoạt. Khi có con cái, họ phải có trách nhiệm và thể hiện trách nhiệm của mình trong việc chăm sóc và nuôi dạy con cái.
Khi con cái trưởng thành, có thể trách nhiệm của người làm cha/ mẹ sẽ giảm bớt đi thì họ lại có nhiều thời gian chăm sóc cho nhau (dĩ nhiên là tôi đang đề cập đến gia đình hạt nhân - kiểu hình gia đình phổ biến hiện nay).
Tôi nghĩ đó là một tiến trình thông thường của một cuộc hôn nhân và mối quan hệ giữa vợ và chồng. Mỗi một giai đoạn như vậy lại đòi hỏi ở mỗi cá nhân những kỹ năng khác nhau.
Có những bạn trẻ có điều kiện kinh tế khá tốt, kết hôn xong là có khả năng ở nhà riêng, có thu nhập ổn định, nhưng đời sống hôn nhân lại không êm ấm. Và cũng có những đôi vợ chồng trung niên, khi con cái đã trưởng thành, họ nhất định ly hôn chứ không chịu chung sống nữa.
Do đó, theo tôi, sự chuẩn bị tâm thế trước khi kết hôn là cần thiết nhưng thật sự không quá quan trọng. Mà yếu tố quan trọng là thái độ, hành vi ứng xử, tinh thần trách nhiệm, tình cảm dành cho người bạn đời của mỗi cá nhân trong suốt cuộc hôn nhân của mình.
Đó chính là sự tin cậy, cảm thông, thấu hiểu, yêu thương, tôn trọng, hợp tác... của cả hai bên. Việc ngồi xuống trò chuyện, lắng nghe nhau trong mỗi tình huống xung đột, căng thẳng là "sự chuẩn bị" cần thiết nhất cho những bước đi tiếp theo trong tiến trình hôn nhân của chính họ. Và hôn nhân có bền vững hay không là từ những tình huống thử thách này.
* Thay vì phải đánh ghen, phơi bày cuộc sống hôn nhân không hạnh phúc trước bàn dân thiên hạ thì những cặp đôi nên chia tay?
- Thực ra khi đã chia tay thì đã ít êm đẹp rồi. Vì mỗi cá nhân đã phải trải qua nhiều sự tổn thương và mất mát trong tình cảm thì họ mới đi đến quyết định chia tay.
Chia tay là giải pháp cuối cùng khi họ không có sự lựa chọn nào khác, khi cuộc hôn nhân không còn mang đến hạnh phúc, đời sống chung không còn sự chia sẻ và vun đắp cho tương lai gia đình.
Tôi không cổ xúy cho việc chia tay, cũng không ủng hộ một cuộc hôn nhân cả hai miễn cưỡng chung sống mà không hạnh phúc. Tôi chỉ muốn lưu ý rằng không có một mẫu số chung được xem như là nguyên nhân cho tất cả các cuộc ly hôn.
Trong tình huống trước khi đi đến quyết định chia tay, theo tôi, mỗi cá nhân cần bình tĩnh nhìn lại chặng đường đã đi qua, cần tỉnh táo cân nhắc sự thiệt hơn cho chính mình và cho những đứa con (nếu đã có con).
Dĩ nhiên việc chung sống hay chia tay đều phải dựa trên mưu cầu hạnh phúc của tất cả các thành viên có liên quan. Như tôi đã nói ở trên, hôn nhân là một quá trình. Tôi có đôi bạn đồng trang lứa kết hôn với nhau.
Khi có đứa con đầu lòng, họ ly thân một thời gian khá dài nhưng vẫn liên lạc với nhau và chăm lo cho cháu bé.
Trong các cuộc gặp gỡ bạn bè, cả hai nói về nhau với thái độ khá tôn trọng. Đến khi cháu bé học tiểu học, họ về lại ở cùng nhau và có thêm một cháu nữa. Đến nay, cuộc sống của gia đình bạn tôi khá hạnh phúc và an yên.
Cuộc sống chung và sự va chạm giữa vợ và chồng là điều chắc chắn không thể tránh khỏi, ghen tuông lại là tình huống càng dễ xảy ra.
Tôi không nghĩ rằng sự chia tay chỉ đơn giản là kết quả của việc ghen tuông, mà theo tôi, có thể còn do tác động của nhiều yếu tố cộng hưởng khác nữa.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận