Không thích chồng mặc đẹp
Thời mới yêu nhau, anh S. hầu như lúc nào cũng quần jean, áo pull giản dị và cũng ít giao thiệp nên chưa bao giờ chị N., vợ anh, phàn nàn. Rồi anh tốt nghiệp, đi làm nhân viên của một công ty nhỏ, cũng không có gì gọi là “điệu đà”.
Nhưng gần đây, nhận công việc mới, anh S. bỗng thay đổi cách ăn mặc, mái tóc bù xù cũng được cắt gọn gàng, có lúc dùng... nước hoa.
Anh kể: “Ngày đầu đi làm về, vợ tôi nhìn tôi từ đầu tới chân rồi hỏi sao anh điệu vậy. Tôi cứ nghĩ cô ấy nói giỡn nên không giải thích tính chất công việc. Mà chỉ là áo sơmi đóng thùng chứ có sửa soạn gì đâu”.
Chừng 3-4 ngày sau, không khí gia đình ngột ngạt hẳn. Anh S. có cảm giác chị N. luôn sẵn sàng gây sự, từ chuyện anh về trễ giờ cơm, lỡ bật quạt máy trong khi chị N. bị dị ứng quạt...
Cho đến sáng thứ hai đầu tuần, chị nạt lớn khi anh chuẩn bị ra khỏi nhà: “Anh sửa soạn cũng vừa thôi, đi với ai chứ đi làm hồi nào!”, anh S. chới với.
Giận nhau mất mấy ngày, anh mới lựa lời giải thích với chị ở công ty mới ai cũng ăn mặc lịch sự như vậy. Chuyển sang làm nhân viên truyền thông của một công ty nước ngoài, tính chất công việc thường xuyên gặp những đối tác “sang chảnh” nên anh S. buộc phải ăn mặc chỉnh tề.
Tưởng đâu chị nghe xong sẽ thông cảm, nào ngờ chị lạnh lùng: “Thôi anh chuyển việc khác đi, như vậy thế nào có ngày cũng sinh chuyện. Em không thích...”.
Anh S. thấy bức bối vì cho rằng vợ ghen tuông vô lý. Còn chị N. lại vịn vào đó để suy diễn rằng anh S. thay đổi. Chị không muốn chồng mình “đẹp” hơn trước, một là nghi ngờ anh có người khác, hai là nếu không có “tòm tèm” với ai thì chắc cũng đang âm mưu gì đây!
Không giống chị N., chị P.T.V. lại ghen tuông mỗi khi chồng chị - anh K. - có bất kỳ liên hệ nào với người khác phái. Chị nói: “Không hiểu sao chỉ cần thấy anh nghe điện thoại của bất cứ người phụ nữ nào là tôi nóng ruột, muốn điên lên”.
Có lần, chị phát hiện trong máy tính anh có mấy tấm hình thẻ của một nữ đồng nghiệp. Máu ghen nổi lên, chị gọi tra hỏi anh dù anh đang làm việc ở công ty. Rồi chị đòi anh phải nói rõ đó là cô nào, lai lịch ra sao, bắt anh hứa không bao giờ có liên hệ gì với người đó nữa.
Theo anh K., mấy tấm ảnh đó là do một lần anh được nhờ chuyển giúp cho phòng nhân sự do email của cô này bị trục trặc, vậy mà chị V. lại “nổi điên” khi nhìn thấy.
Do phải quản lý một nhóm nhân viên tiếp thị sản phẩm của công ty, trong nhóm có nam lẫn nữ nên nhiều lần anh K. khổ sở vì vợ mình luôn kiếm chuyện để ghen.
Tình cờ đọc bảng phân công công việc cho một chiến dịch truyền thông, thấy anh ghi tên mấy cô nữ trong đó, chị khóc như mưa như gió.
Không muốn vợ buồn, anh K. cố gắng hạn chế giao tiếp với nữ giới, nhưng càng ngày chị N. càng có biểu hiện ghen tuông... kỳ cục.
Anh K. cũng cảnh giác, không bao giờ nhắc về bất kỳ người phụ nữ nào, trong điện thoại, Facebook, email... không bao giờ để lại bất kỳ tin nhắn nào có dính tới nữ giới. Anh kể rằng rất mệt mỏi khi phải chiều theo yêu cầu vô lý của vợ.
Dễ đánh mất hạnh phúc
Theo ThS tâm lý Võ Thị Minh Huệ, ghen là gia vị của hôn nhân. Nhưng ghen tới mức “nhìn đâu cũng thấy địch” thì trở thành nỗi ám ảnh và có thể là nguy cơ sứt mẻ cuộc sống vợ chồng.
Nguyên nhân có thể do người vợ, người chồng thấy thiếu tự tin và tự đánh giá thấp vai trò của chính mình, hoặc vì không cảm nhận được tình cảm trọn vẹn của chồng/vợ dành cho mình nên cứ cảm giác mất cái gì đó.
Cũng có lúc vì nghe quá nhiều, đọc quá nhiều những câu chuyện “ngoài chồng ngoài vợ” của người khác, tự dưng họ vận vào nhà mình.
Cũng theo ThS Huệ, việc hai người không tin tưởng, cứ nghi ngờ thấp thỏm sẽ ảnh hưởng tới hạnh phúc hôn nhân. Vô tình tạo nên một rào cản làm mất đi sự thăng hoa trong cuộc sống. Cả hai đều luôn trong tâm trạng nặng nề.
Và có thể điều này cũng làm hạn chế sự thăng tiến, sự phát huy những thế mạnh trong công việc. ThS Huệ cũng đưa ra lời khuyên cho các cặp vợ chồng lâm vào tình trạng có người vợ hoặc người chồng ghen tuông lạ lùng.
“Nếu cảm thấy không ổn, không yên tâm, cần chia sẻ cảm xúc khó chịu này. Cần nói nhẹ nhàng để người bị nghi ngờ không thấy xúc phạm và không khó xử”, ThS Huệ nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận