Cổ đông đang đặt câu hỏi tại Đại hội cổ đông ngân hàng SCB - Ảnh: T.T
Tại đại hội cổ đông của Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) diễn ra cuối ngày hôm nay (28-3), ông Nguyễn Đức Hưởng - Chủ tịch Hội đồng quản trị ngân hàng này, đã không thể tiếp tục đồng hành cùng ngân hàng vì lý do sức khỏe. Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Huynh vì tuổi đã cao và sức khỏe yếu nên cũng xin rút lui.
Tại đại hội, ông Hưởng cho biết ông chuyển giao vị trí lãnh đạo để tập trung cho sức khỏe, nhưng vẫn tiếp tục đồng hành cùng Ngân hàng với vai trò cố vấn cao cấp. Ông cũng phủ nhận tin đồn bán hết cổ phần để chuyển sang ngân hàng khác.
Hai thành viên mới được đề cử thay thế là ông Dương Công Toàn - Phó Tổng Giám đốc LienVietPostBank và bà Dương Hoài Liên. Bà Liên đã có thời gian dài công tác tại Ngân hàng Sacombank và đang là Phó Giám đốc Sacombank chi nhánh 8/3 Hà Nội.
Tại đại hội cổ đông SCB được tổ chức cùng ngày, bà Nguyễn Thị Phương Loan cũng có đơn xin từ nhiệm Thành viên Hội đồng quản trị vì lý do sức khỏe. Do vậy ông Nguyễn Văn Thanh Hải được bầu thay thế nhằm đảm bảo cơ cấu và số lượng thành viên.
Năm nay SCB tiếp tục không chia cổ tức do đang trong quá trình tái cơ cấu. Toàn bộ lợi nhuận giữ lại đều được ngân hàng dùng để bổ sung vào vốn tự có, nâng cao năng lực tài chính, năng lực vốn cho ngân hàng.
Theo ông Võ Tấn Hoàng Văn - Thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc SCB - đối với phần lợi nhuận giữ lại và quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ, đây vẫn là các khoản tích lũy cho hoạt động của ngân hàng, cho các cổ đông.
Đến thời điểm này, Quỹ dự phòng rủi ro của SCB đã đạt 6.375 tỉ đồng, trong đó quỹ dự phòng rủi ro trái phiếu VAMC là 3.492 tỉ đồng.
Các khoản trích lập dự phòng đều là chi phí tích lũy trong hoạt động xử lý nợ. Sau khi hoàn tất việc xử lý nợ xấu, SCB sẽ được hoàn nhập các chi phí đã trích, giúp cải thiện thu nhập và lợi nhuận của Ngân hàng. Khoản dự phòng nói trên có thể xem là "của để dành lớn cho ngân hàng".
Trong khi đó Ngân hàng Bưu điện Liên Việt trình cổ đông thông qua phương án tăng vốn điều lệ từ 7.500 tỉ đồng lên 10.369 tỉ đồng thông qua phát hành thêm khoảng 286,9 triệu cổ phần nhằm bổ sung nguồn vốn cho hoạt động kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và đảm bảo các tỉ lệ an toàn vốn.
Năm 2018, LienVietPostBank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế khá khiêm tốn, ở mức 1.800 tỉ đồng vì lý do ngân hàng có kế hoạch mở hết phòng giao dịch ở tất cả các huyện nhằm tăng cường bán lẻ. Chi phí về mạng lưới, nhân sự tăng nên sẽ ảnh hưởng tới lợi nhuận.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận