GET OUT - Cơn sốt bắt đầu từ một ý tưởng

LÂM LÊ 22/04/2017 22:04 GMT+7

TTCT - Get out (đang chiếu ở Việt Nam với nhan đề Trốn thoát) là một hiện tượng nổi bật của điện ảnh Mỹ đầu năm nay. Bộ phim kinh dị, hài đánh vào nạn phân biệt chủng tộc thâm căn cố đế của người Mỹ da trắng được bắt đầu với một ý tưởng thông minh, tinh quái, khiến nước Mỹ lên cơn sốt.

Một cảnh trong phim Get out
Một cảnh trong phim Get out


Ở thời đại giải trí này, một ý tưởng thông minh có thể hái ra tiền và lan truyền về mặt xã hội nhanh chóng.

Get out, bộ phim đầu tay của biên kịch kiêm đạo diễn Jordan Peele với kinh phí thấp (4,5 triệu USD), với diễn viên vô danh, lập tức trở thành bộ phim ăn khách và sinh lãi lớn nhất của Hollywood năm nay khi thu về hơn 170 triệu USD và đang trên đà chinh phục toàn cầu.

Giới quan sát thị trường dự đoán bộ phim này có thể thu về tổng cộng 300 triệu USD hoặc hơn, nếu tiếp cận được thị trường Trung Quốc, nơi mà thông điệp của bộ phim này có thể tạo hiệu ứng. Nó cũng vừa lập kỷ lục trở thành bộ phim đầu tay dựa trên một kịch bản gốc ăn khách nhất trong lịch sử.

Nhưng Get out không đơn thuần là bộ phim giải trí ăn khách tầm thường. 99% bài bình luận (từ 229 bài điểm phim) đánh giá tích cực bộ phim - điều hiếm thấy với một bộ phim kinh dị. Cây bút Scott Mendelson của tờ Forbes gọi đây là “một bộ phim kinh dị kinh điển hiện đại”.

Get out kể về chuyến thăm gia đình Rose - cô bạn gái da trắng của Chris, anh chàng nhiếp ảnh gia da đen.

Ba ngày cuối tuần của Chris trở thành một cơn ác mộng rùng rợn trong chính ngôi nhà của gia đình Rose, nơi không có vẻ gì nguy hiểm hay ma quái. Nhưng đây chính là bối cảnh chính để diễn đạt chủ đề phân biệt chủng tộc của người da trắng trong một cái nhìn hoàn toàn mới mẻ.

Trong nhiều bộ phim được đề cử Oscar có chủ đề là người da màu và phân biệt chủng tộc gần đây, như The help hay Hidden figures, đều lấy bối cảnh của chính những năm 1950, 1960 khi người da đen bị phân biệt đối xử thậm tệ.

Hidden figures nói về chuyện ngay trong NASA, những người phụ nữ da màu thông minh kiệt xuất làm việc cho cơ quan hàng không vũ trụ Hoa Kỳ cũng phải đi toilet cách chỗ làm cả cây số chứ không được dùng toilet bên trong tòa nhà.

Get out không mang đến những chi tiết kiểu cũ như vậy. Anh da đen Chris được gia đình cô bạn gái da trắng tiếp đón khá nồng nhiệt. Ông bố của Rose tâm sự với Chris rằng ông ta sẵn sàng bầu chọn tổng thống Barack Obama lần thứ 3.

 

 

Trong một buổi tiệc sang trọng tổ chức ở sân vườn tại nhà Rose quy tụ những người da trắng lớn tuổi và giàu có, tất cả đều tỏ thiện cảm với Chris. Một bà già nắn bóp cơ bắp của anh ta kiểu thèm muốn, trong khi một người đàn ông da trắng khác thì bảo là “da đen đang là mốt”...

Chỉ đến khi “twist” - đoạn cao trào của bộ phim được hé lộ từ những chi tiết bí ẩn và rùng rợn trước đó, người xem mới nhận thấy chủ nghĩa phân biệt chủng tộc ăn sâu trong não trạng của người da trắng như thế nào.

Jordan Peele, vốn là một diễn viên hài không mấy tiếng tăm vì... ngoại hình xấu, anh đã đóng hàng chục bộ phim và series truyền hình nhưng không mấy ai nhớ tên.

Chỉ với Get out, Jordan Peele trở thành ngôi sao sau một đêm, cùng hai diễn viên chính cũng ít tên tuổi trước đó là Daniel Kaluuya (diễn viên người Anh đóng vai Chris) và Allison Williams (vai Rose).

Việc sử dụng những thủ pháp và kỹ thuật làm phim kinh dị một cách thông minh và hài hước khiến rất nhiều chi tiết trong bộ phim này được mang ra giễu nhại và lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội (meme).

Chi tiết bà mẹ của Rose (do nữ diễn viên tài năng Catherine Keener đóng) dùng chiếc thìa khuấy đều và gõ lanh canh vào thành của tách trà để thôi miên Chris khiến anh chàng này ngồi bất động, mắt mở to, nước mắt chảy giàn giụa - chi tiết đắt giá của bộ phim - bị đem ra giễu nhại nhiều nhất.

Hình ảnh một người đàn ông da màu khỏe mạnh chạy hết tốc lực trong đêm, gần như chuẩn bị đâm sầm vào Chris thì rẽ hướng cũng bị “meme” nhiều không kém.

Get out thực ra là một bộ phim không mới nếu nói về chủ đề, câu chuyện về một anh chàng khờ khạo đến thăm gia đình bạn gái và gặp ác mộng gợi nhớ tới Meet the parents hay bộ phim kinh điển Guess who’s coming to dinner (1967).

 

 

Nhưng ý tưởng thông minh giễu nhại chủ nghĩa phân biệt chủng tộc của người da trắng khiến bộ phim nhỏ này vượt tầm một bộ phim kinh dị pha trộn hài để trở thành một tác phẩm có tính châm biếm sâu sắc về xã hội.

Bộ phim ra mắt sau khi tổng thống da màu đầu tiên Barack Obama kết thúc nhiệm kỳ sau 8 năm, và Donald Trump vừa bước vào Nhà Trắng được 4 ngày.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận