Dòng sông Kura chảy từ tây sang đông đã chia đôi thủ đô Tbilisi của Georgia suốt hàng ngàn năm qua. Những tòa nhà cao tầng, các cơ quan chính quyền Georgia vươn lên trên bờ tây sông Kura, trái ngược với khung cảnh êm đềm như một thị trấn nhỏ ở bờ đông.
Hướng tây để phát triển là điều thấy rõ ở Tbilisi, cả về những điều mắt thấy và trong suy nghĩ của nhiều người ở đất nước 3,7 triệu dân này.
Lo bị Nga cản đường vào EU
Địa hình Georgia giống như một lòng chảo. Ở phía tây, Georgia có Biển Đen, dãy núi Đại Kavkaz rất khó vượt qua án ngữ phía bắc giáp với Nga và phía nam là dãy núi Tiểu Kavkaz.
Trong hàng ngàn năm, Georgia đã đứng vững trước các cuộc tiến quân của nước ngoài nhờ vào lợi thế địa lý đó. Nhưng các cuộc chiến với nước Nga vào thế kỷ 19-20 và gần đây là năm 2008 đã khiến người Georgia bị sốc vì thành trì tự nhiên đã bị phá vỡ.
Tbilisi đã cắt đứt quan hệ ngoại giao với Matxcơva và tình trạng của các khu vực ly khai như Abkhazia, Nam Ossetia từ năm 2008 đến nay vẫn là một vấn đề khó chịu, ngay cả khi quan hệ song phương đã được cải thiện trong những năm gần đây.
Phong trào Quốc gia thống nhất - phe đối lập ở Georgia - tuyên bố Đảng Giấc mơ Georgia đang phục vụ lợi ích của Nga - một cáo buộc mà đảng cầm quyền kịch liệt phủ nhận.
Nhưng thật khó để giải thích với người dân Georgia khi người sáng lập đảng này là ông Bidzina Ivanishvili - một tỉ phú đã kiếm được nhiều tiền ở Nga.
Phóng viên Tuổi Trẻ là một trong số đại diện các cơ quan báo chí quốc tế được mời tham dự đưa tin Hội nghị thường niên Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) diễn ra ở Tbilisi những ngày qua.
Sự kiện này được kỳ vọng sẽ quảng bá hình ảnh một đất nước Georgia hòa bình và phát triển đến những đại biểu của 67 thành viên còn lại, nhưng nó bị ảnh hưởng phần nào bởi các cuộc biểu tình diễn ra mỗi ngày ở Tbilisi.
Ngoài các khu vực trung tâm thủ đô, người biểu tình cũng tập trung trước khách sạn Biltmore, nơi ADB tổ chức hội nghị thường niên, với hy vọng tiếng nói phản đối được lan rộng ra thế giới. Nhưng phần lớn cuộc biểu tình diễn ra trong sự ôn hòa. Họ khoác cờ Georgia và cờ của EU, hô vang các khẩu hiệu phản đối Đảng Giấc mơ Georgia và Nga.
Hàng ngàn người, trong đó phần lớn là người trẻ, đội mưa trong giá rét đã xuống đường để phản đối thông qua cái họ gọi là "đạo luật Nga". Dự luật này yêu cầu các tổ chức nhận được hơn 20% nguồn tài trợ từ nước ngoài phải đăng ký với chính quyền và bị dán nhãn chịu ảnh hưởng nước ngoài.
Đảng Giấc mơ Georgia tin rằng dự luật này là cần thiết để ngăn chặn những gì họ cho là ảnh hưởng có hại của nước ngoài đối với chính trị đất nước, đồng thời ngăn chặn các tác nhân nước ngoài không rõ danh tính cố gắng gây bất ổn cho quốc gia.
Nhưng những người phản đối tin rằng nó được lấy cảm hứng từ nước láng giềng phía bắc là Nga, nơi đã có một đạo luật tương tự. Họ cáo buộc Matxcơva đang cố gắng can thiệp vào Georgia một lần nữa, và lo sợ nó sẽ trở thành trở ngại cho triển vọng gia nhập Liên minh châu Âu (EU) mà đất nước này đã tìm kiếm bấy lâu.
Câu hỏi về số phận và quyền tự quyết
"Chưa có bạo loạn xảy ra, mọi thứ vẫn đang được kiềm chế", nữ nhà báo của tờ Georgia Today nói với Tuổi Trẻ. Những cuộc biểu tình như thế đã là một phần của đời sống chính trị ở quốc gia này.
Năm ngoái, trước sức ép từ biểu tình, Quốc hội Georgia đã rút lại dự luật, nhưng năm nay không có dấu hiệu nào cho thấy Đảng Giấc mơ Georgia sẽ lùi bước. Bất chấp sự phản đối, dự luật đã được thông qua sau vòng thảo luận thứ hai và sẽ bước vào vòng thảo luận cuối cùng vào cuối tháng 5 này.
Phương Tây, trong đó có Mỹ và EU, đã bày tỏ lo ngại các động thái của Quốc hội Georgia. "Luật này không phù hợp với các chuẩn mực và giá trị cốt lõi của EU. Việc thông qua nó sẽ tác động tiêu cực đến đường vào EU của Georgia", người đứng đầu chính sách đối ngoại EU Josep Borrell cảnh báo.
Thẳng thừng hơn, Mỹ lên án việc đưa ra dự luật "lấy cảm hứng từ Điện Kremlin" và những tuyên bố "sai trái" của các quan chức Georgia để bảo vệ động thái này.
"Dự luật này và luận điệu chống phương Tây của Đảng Giấc mơ Georgia đã đưa Georgia vào một quỹ đạo bấp bênh. Các tuyên bố và hành động của Chính phủ Georgia không tương thích với các giá trị dân chủ làm nền tảng cho tư cách thành viên của họ trong EU và NATO, do đó gây nguy hiểm cho con đường hội nhập châu Âu - Đại Tây Dương của Georgia", Bộ Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh trong tuyên bố hôm 1-5.
Những tuyên bố này đã vấp phải sự chỉ trích từ Chính phủ Georgia, cho rằng nó đang can thiệp vào tình hình nội bộ và quyền tự quyết của một quốc gia.
Thủ tướng Georgia Irakli Kobakhidze bác bỏ "những tuyên bố sai sự thật" của phương Tây, cáo buộc họ đang khuyến khích bạo lực tại Tbilisi. Còn tỉ phú Bidzina Ivanishvili, người từng là thủ tướng từ tháng 10-2012 đến tháng 11-2013 và đang là chủ tịch danh dự của đảng cầm quyền, thì tuyên bố sẽ đấu tranh cho cái mà ông gọi là "khôi phục hoàn toàn chủ quyền của Georgia".
Trong nhiều trường hợp, vị trí địa lý hay điều kiện tự nhiên là động lực thúc đẩy sự phát triển của một quốc gia. Chẳng hạn vì Israel không có nhiều nguồn cung nước đã dẫn đến việc quốc gia này phát triển các công nghệ tiên tiến để lọc và tạo ra nước.
Hẳn nhiên các đặc điểm địa lý không thể giải thích hoàn toàn hiện tại và tương lai của một quốc gia. Nhưng trong trường hợp của Georgia, nói như cây bút Emil Avdaliani trên tờ Georgia Today, nó lại là một số phận nghiệt ngã.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận