Theo một khảo sát với 22.000 lao động trẻ toàn cầu được Công ty tư vấn Deloitte công bố, có đến 46% gen Z và 37% gen Y đang "gánh" thêm một đầu việc bán thời gian, thậm chí việc toàn thời gian bên cạnh công việc chính.
50% lao động có hai đầu việc cùng lúc
Sở dĩ tình trạng trên ngày càng phổ biến vì hầu hết đồng lương không đủ chi trả các hóa đơn, chi phí tăng chóng mặt... hằng tháng. Nhiều lao động gen Z (sinh 1997 - 2012) và gen Y (sinh 1980 - 1996) thừa nhận khó khăn tài chính, chi phí sinh hoạt tăng cao khiến họ lo lắng hàng đầu trong hai năm liên tiếp.
Yếu tố khác mà các đối tượng trên quan tâm còn có tỉ lệ thất nghiệp và tình trạng biến đổi khí hậu. Còn theo báo cáo được công bố năm 2023 của công ty nghiên cứu dữ liệu toàn cầu PYMNTS, khoảng 64,4% người trưởng thành ở Hoa Kỳ cho biết "túi họ sạch sẽ" khi đến cuối tháng.
Michele Parmelee - một lãnh đạo của Deloitte - nói với tạp chí Fortune (Hoa Kỳ) rằng nỗi lo về khả năng bị thất nghiệp cùng những căng thẳng về tài chính khiến nhiều lao động trẻ không dám chủ động đề xuất thăng tiến hay đi tìm công việc mới đúng đam mê, kìm hãm họ trước những khát vọng cuộc đời.
Lao động trẻ trong nước thì sao?
Tình hình này cũng dần phổ biến với giới trẻ trong nước. Bạn Tuấn Duy (cựu sinh viên Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM) thở dài vì ra trường không kiếm được việc như mong đợi do tiếng Anh kém và kiến thức chuyên môn hạn chế.
"Tôi làm bên bất động sản nhưng giờ đóng băng nên làm thêm quản lý một quán ăn nhỏ gần nhà ngoài giờ. Nói là quản lý chứ kiêm luôn chân giữ xe, cả bưng bê lúc cần. Cứ coi đây là cơ hội học thêm kỹ năng mềm cho đỡ tủi chứ nếu không lấy đâu trả tiền ăn, phòng trọ, điện nước", Tuấn Duy bộc bạch.
Là một sinh viên chăm chỉ, học tốt nhưng gần đây N.An thường đi học trễ. Thực ra trước đây An chỉ làm nhân viên một quán nước nhưng gần đây buôn bán ế quá, chủ trả lương trễ nên bạn phải kiếm thêm công việc khác nữa. Vì sếp tử tế nên An nói chưa nghỉ chỗ cũ bởi bỏ họ lúc khó khăn rất kỳ.
Thạc sĩ - bác sĩ CKI tâm lý tâm thần Nguyễn Trung Nghĩa chia sẻ vài phương pháp sẽ phần nào giúp lao động trẻ tránh bị "quá tải" khi làm nhiều việc cùng lúc. Trước hết, không nên làm việc liên tục mà cần những khoảng nghỉ nhỏ giữa các buổi làm.
Chẳng hạn có thể làm 25 phút nghỉ 5 phút, hoặc làm 45 phút nghỉ 15 phút. Nếu lịch làm việc quá dày cũng phải tranh thủ nghỉ 1-2 phút, dành thời gian hít thở sâu, uống ly trà ấm, đi dạo... sẽ giúp hệ thần kinh nghỉ ngơi, giảm nguy cơ bị quá tải.
Bác sĩ Nghĩa khuyên rằng đầu ngày cần liệt kê các việc cần làm theo thứ tự ưu tiên rồi lọc lại. Bởi hầu như khó hoàn thành mọi việc mong muốn và không phải việc nào cũng đều quan trọng phải làm ngay. Và điều rất quan trọng là rèn sự tập trung, đừng làm nhiều việc vào cùng một lúc vì thói quen ấy rất có hại, gây cạn kiệt năng lượng và bào mòn sức bền của não bộ. Nhiều đầu việc thì giờ nào việc đấy.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận