Thế hệ Z khiến nhiều doanh nghiệp đau đầu vì khó quản lý. Nhưng nếu tìm hiểu sâu hơn, nhà quản trị sẽ có nhiều cơ hội hơn để phát triển các bạn trẻ vững chắc.
Gen Z - thế hệ lao động khác biệt
Từ lúc ra trường đến nay, Trúc Linh (24 tuổi, ở Đà Nẵng) đã thay đổi ba công ty nhưng mọi thứ vẫn chưa được như ý. Nơi đầu là khách sạn, có đặc thù thường xuyên phải thay đổi ca trong khi mức lương cứ đứng yên không thay đổi, nên sau 5 tháng Linh quyết định nhảy việc.
Làm việc ở một công ty bảo hiểm được 9 tháng, Linh lại dứt áo ra đi vì theo cô làm việc ở đây quá nhiều áp lực, lúc nào trong đầu cũng ám ảnh bị trừ KPI.
Công việc hiện tại của Trúc Linh ở phòng nhân sự của một công ty may mặc với quy mô hàng ngàn nhân viên và cô vẫn đang âm thầm tìm một công việc khác để tiếp tục nhảy việc. Trong khi gia đình lo lắng thì Linh lại cảm thấy bình thường vì bạn bè cô hầu như ai cũng thay đổi công việc liên tục như vậy.
Với Trâm - người đã làm ở bốn công ty khác nhau (sau 5 năm đi làm) thì mỗi môi trường mình sẽ học được nhiều thứ, nếu chỉ làm ở một chỗ mãi cũng không biết được hết khả năng của bản thân; chỉ cần mỗi nơi mình nhảy việc phải cho mình được nhiều điều mới, kiến thức mới, cũng như mức lương phải tốt hơn.
Thế hệ cũ theo không kịp?
Chị Minh Châu, giám đốc một công ty tổ chức sự kiện ở Q.Tân Bình (TP.HCM), cho biết chị luôn cảm thấy sốc bởi những tin nhắn nghỉ phép của các nhân viên gen Z với những lý do không tưởng: "Hôm nay em bị tụt mood (mất hứng) nên nghỉ phép nhé. Còn vài việc chưa xong sếp làm giúp luôn nhé", "Sếp ơi, tụi em nghỉ hai ngày sang Thái xem concert idol (sự kiện biểu diễn của thần tượng)".
Chị nói mình luôn cố gắng hòa đồng để không tạo khoảng cách giữa sếp và nhân viên. Nhưng lắm lúc các bạn gen Z không hiểu điều đó lại còn dám giao việc cho cả chị với lý do... để tạo nên mối quan hệ win - win, "em có làm thì sếp cũng phải làm".
Ông Thiên Bảo, giám đốc một doanh nghiệp thủy sản ở Cần Thơ, cho biết cũng gặp nhiều áp lực khi làm việc với nhân viên gen Z. Chẳng hạn, khi phỏng vấn tuyển nhân viên lứa gen Z, một số người chẳng thèm quan tâm đến thói quen làm việc nghiêm ngặt về giờ giấc hay cách đối đáp với khách hàng.
Thậm chí có ứng viên còn hỏi thẳng là mình có thể về nhà không nếu hoàn thành hết công việc của hôm nay trước giờ tan làm.
Theo kết quả khảo sát mới đây của một số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tư vấn tuyển dụng, nếu các thế hệ đi trước chuộng sự ổn định, có xu hướng gắn bó với công việc dài lâu thì gen Z hoàn toàn trái ngược. Không ít bạn trẻ gen Z có suy nghĩ khác như nhảy việc để có thể làm được nhiều ngành, nhiều nghề, nhiều trải nghiệm.
Hiện tượng gen Z nhảy việc phần nào cho thấy cơ hội việc làm đến với gen Z khá dễ, trong đó có nhiều việc mà thế hệ trước đây ít nghĩ đến như phát triển nội dung trên các nền tảng xã hội như TikTok, Facebook... có thể mang lại cho họ mức lương cao hơn hẳn so với việc làm thuê tại doanh nghiệp.
Mặt khác đây là thách thức với doanh nghiệp, nhất là với một số vị trí doanh nghiệp phải đào tạo. Tuy nhiên, các doanh nghiệp phải chấp nhận thực tế này và có chiến lược thích nghi.
Hiểu để sử dụng lao động trẻ
Gen Z mong muốn những lựa chọn nghề nghiệp vô cùng "mở" sau khi tốt nghiệp. Theo đó, lao động ở lứa tuổi này thường sẵn sàng đầu quân cho các công ty start-up hoặc tự kinh doanh riêng.
Thế hệ cũ đã quen với việc làm việc theo kế hoạch, nhưng với gen Z, họ cho mình quyền được đặt ra thời gian muốn làm việc. Môi trường công sở là nơi thế hệ cũ cống hiến mỗi ngày 8 tiếng đến ngày nghỉ hưu; còn với những người trẻ, công việc ở đâu chả có, quan trọng là hiệu quả công việc và họ sẵn sàng làm qua mạng.
Ngoài ra, với họ thích thì lên mạng làm KOL cũng sống được nên văn phòng chỉ là nơi đến ăn vặt, uống cà phê, tám chuyện thiên hạ rồi về.
Thực tế cho thấy gen Z cũng đang là lực lượng tiềm năng nhất, định hình nên xu hướng của thị trường, tiếp thị. Dần dà họ sẽ trở thành lực lượng chính ở công sở. Nhân sự gen Z đang chiếm đông đảo tại các doanh nghiệp. Tại Việt Nam, gen Z có khoảng 15 - 16 triệu người, chiếm khoảng 25% lực lượng lao động, và con số này dự kiến tăng lên 30% vào năm 2030.
Với xu hướng nhân sự gen Z chiếm lĩnh thị trường chỉ sau 5 đến 10 năm tới, vấn đề cấp thiết nhất hiện nay là làm thế nào để các doanh nghiệp tạo nên một mô hình làm việc linh động để đáp ứng được nhu cầu của lớp nhân sự trẻ, đồng thời vẫn giữ vững sự thống nhất, đảm bảo tinh thần và giá trị cốt lõi của doanh nghiệp trong tương lai.
Gen Z phụ thuộc công nghệ
Những người trẻ gen Z sinh ra trong kỷ nguyên số nên phụ thuộc vào công nghệ, Internet và smartphone là lẽ sống. Đặc biệt, gen Z dễ nắm bắt cái mới để tạo trend, không thích sự gò bó ràng buộc nhưng gen Z rất "mong manh dễ vỡ" khi môi trường làm việc không như mong muốn. Do vậy, nói đến gen Z gắn liền với những tính cách của sự... nổi loạn như hay "bật" sếp, thích nhảy việc...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận