Bạn Trương Hoàng Anh Thư - Ảnh: T.HOÀNG
Hai năm trước, Trương Hoàng Anh Thư (du học sinh tại bang Oregon, Mỹ) từng hoang mang vì cuộc sống xa nhà hoàn toàn đảo lộn bởi COVID-19. Nhưng sau đó cô đã nỗ lực biến nguy thành cơ với một dự án vô cùng táo bạo với độ tuổi của mình lúc đó.
"Tôi dùng từ hoảng loạn là vì nỗi sợ bị ngắt đi sợi dây kết nối những gì thân thuộc, nhất là khi việc đi lại giữa Mỹ - Việt Nam rất khó khăn. Nhưng có lẽ cũng chính điều đó trở thành cơ hội, khiến tôi quan tâm hơn những điều hay, nét đẹp của quê hương.
Rồi tôi nhận ra trong thời đại công nghệ, chúng ta có vô vàn cách thức kết nối mọi người, tạo những thay đổi nhất định trong nhận thức và hoàn thiện kỹ năng bản thân mà không cần thông qua tương tác trực tiếp", Anh Thư chia sẻ về khởi nguồn ý tưởng NÉT Project, nơi gắn kết những tâm hồn yêu nghệ thuật cổ điển nói riêng và nghệ thuật Việt Nam nói chung qua mạng xã hội.
Sau khoảng thời gian đủ dài dành cho việc chuẩn bị, dự án NÉT ra đời vào đầu hè 2021 khi Anh Thư tạm xong bài vở trên trường. Vượt xa kỳ vọng ban đầu của ban sáng lập, dự án thu hút đến 9.500 người theo dõi trên Facebook chỉ sau ba tháng hoạt động, mỗi dòng trạng thái đều có hàng trăm lượt thích và chia sẻ...
Thông qua fanpage, các bạn trẻ trong nước và quốc tế có cơ hội tìm về dòng tranh dân gian, nghệ thuật truyền thống Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử được thể hiện song ngữ Việt - Anh.
Gần đây nhất, dự án đã tổ chức thành công cuộc thi "HỌA 2021 - Nét Việt đất Việt". Cuộc thi giúp giới trẻ tìm về những ký ức đẹp nhất của bản thân với nét văn hóa, nghệ thuật hội họa truyền thống.
"Tôi tin rằng những kết quả đó đến từ sự chăm chỉ, có trách nhiệm của từng thành viên trong dự án. Chúng tôi hiện có khoảng 80 thành viên chủ chốt và đây cũng là một con số vượt sức tưởng tượng thời gian chúng tôi nhận đơn ứng tuyển gửi về. Đó là một minh chứng giới trẻ chưa bao giờ quay lưng với nghệ thuật nguồn cội", Anh Thư chia sẻ.
Dẫu vậy, hành trình đó không trải hoa hồng. Do hầu hết các thành viên trong dự án đều đang trong độ tuổi đi học, thời gian dành cho dự án khá eo hẹp. Là người điều phối chính nhưng Anh Thư lại nằm trong nhóm những bạn nhỏ tuổi nhất.
"Thời gian đầu, mọi thứ không dễ dàng vì văn hóa Á Đông khiến mọi thứ thường được nhìn nhận "người lớn hơn luôn đúng hơn". Nhưng may mắn là các anh chị trong nhóm luôn rất cầu thị và không ngừng tìm tòi, hướng đến lợi ích chung nên hầu hết các vấn đề đều được giải quyết thẳng thắn, thấu đáo. Chúng tôi phân chia rất rõ đầu việc cho từng ban riêng biệt để đảm bảo đạt hiệu quả cao nhất", Anh Thư cho biết.
Một "bật mí" nho nhỏ từ Anh Thư là việc tạo dựng, tham gia các dự án cộng đồng cũng chính là giải pháp hiệu quả để các Gen Z như bạn thoát khỏi sự cám dỗ của công nghệ.
"Tôi từng dành hơn 10 tiếng mỗi ngày để lướt mạng, nhất là khoảng thời gian đầu mới qua Mỹ. May mắn là tôi kịp nhận ra sự lãng phí đó và cân đối, dành nhiều thời gian hơn cho việc chăm sóc sức khỏe thể chất lẫn tinh thần của bản thân. Hiện tôi đọc sách nhiều hơn, dành nhiều thời gian hơn cho người thân và các hoạt động cộng đồng như NÉT... Mỗi buổi sáng thức dậy theo đó trở nên đầy háo hức, ý nghĩa hơn", bạn đúc kết.
Hiện 16 tuổi nhưng Thư đang là học sinh lớp 12 do thành tích học tập xuất sắc và được vượt hai lớp. Cô mong muốn đạt học bổng một trường đại học tốt chuyên ngành thiết kế đồ họa hoặc quản trị kinh doanh, ước mơ 5 năm sau có những cống hiến nhất định cho văn hóa nghệ thuật trong nước.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận