TTCT - Chi phí sinh hoạt tăng và viễn cảnh kinh tế ảm đạm đã khiến người trẻ Trung Quốc tìm nhiều cách để tiết kiệm cho tương lai. Kẻ cắc củm săn hàng hóa, dịch vụ giá rẻ, người chọn trò "tưởng tượng" để tích góp tiền. Ảnh: niaogebiji.comThất nghiệp, không tìm được việc làm, cảm thấy chán nản "nằm phẳng" (thảng bình), "cứ để trôi" (bãi lạn), những người trẻ Trung Quốc còn thể hiện nỗi thất vọng và sợ hãi bằng cách sống tằn tiện và chi li trong chi tiêu thường ngày.Xu hướng hướng tới lối sống tiết kiệm đã tạo tiếng vang trên mạng xã hội Douban (Đậu biện) trong những năm gần đây, với các hội nhóm như "Những kẻ tiết kiệm điên rồ" và "Liên minh phụ nữ hà tiện" đua nhau trao đổi mẹo sống tiết kiệm. Lạ lùng nhất là phong trào "tiết kiệm bằng cách giả vờ": tưởng tượng ra nhiều kịch bản khác nhau, song đổi lại số tiền trong tài khoản tiết kiệm tăng lên thật.Tưởng tượng đang mang thaiNgười tham gia trào lưu "tiết kiệm bằng cách giả vờ" sẽ đăng những câu chuyện hư cấu lên mạng xã hội, lấy "chi phí" phát sinh trong quá trình tưởng tượng tương đương ngoài đời thực rồi gửi vào tài khoản tiết kiệm của họ. Mục tiêu chính là vừa thỏa sức nhập vai mình muốn vừa phát triển thói quen tiết kiệm tiền thời kinh tế khó khăn.Tốt nghiệp ngành tiếng Anh tại Đại học Ninh Ba ở tỉnh Chiết Giang (Trung Quốc), Tiểu Đinh đã bắt đầu tiết kiệm từ năm cuối đại học đến nay theo kiểu "mang thai điện tử", tự tưởng tượng mình mang thai rồi gửi tiền tiêu cho em bé ảo vào tài khoản ngân hàng.Cô thông báo chuyện mình hai tháng không có kinh nguyệt, bị buồn nôn nhiều và nghi ngờ đang mang thai lên mạng xã hội. Để đảm bảo độ chính xác, Tiểu Đinh mua ba que thử thai giá 100.000 đồng (để bạn đọc tiện theo dõi, giá cả trong bài sẽ quy đổi sang tiền Việt tương đương). Số tiền này được cô chuyển vào tài khoản tiết kiệm, đồng thời những người theo dõi quá trình "mang thai ảo" của cô cũng gửi ngần ấy tiền vào tài khoản của họ. Các tài khoản này thường là ví điện tử riêng, hoặc tài khoản ngân hàng không liên kết với bất kỳ ứng dụng thanh toán nào để đảm bảo số tiền tiết kiệm không bị sứt mẻ.Tiểu Đinh kết luận mình có thai 3 tháng và đặt tên cho em bé là Tiki. Mỗi ngày cô tự nhắc nhở mình chi tiêu bao nhiêu tiền để "dưỡng thai", ví dụ như mua axit folic uống bổ sung, súp đậu hũ cá để bồi bổ, giá dao động từ 35.000 - 700.000 đồng.Chỉ trong hai tuần, số người theo dõi Tiểu Đinh tăng từ hàng chục lên chục nghìn, nhiều người trong số đó chia sẻ ảnh chụp màn hình giao dịch ngân hàng trong phần bình luận để theo kịp câu chuyện của cô. Đồng thời cũng nhiều người tư vấn về thai kỳ để Tiểu Đinh hóa thân thật hơn. Sau hơn hai tháng, cô gái này tiết kiệm được hơn 10 triệu đồng.Miêu Miêu, 23 tuổi, "fan cứng" của Tiểu Đinh, đã phải "phá thai ảo" sau 4 tháng vì nhiều chi phí bất ngờ khiến cô không kham nổi. Khoản tiền "phá thai" đương nhiên cũng được tính vào tài khoản. Toàn bộ quá trình, nhà thiết kế đồ họa sống ở Trùng Khánh đã tiết kiệm được hơn 7 triệu đồng.Dự định kéo dài chuỗi tiết kiệm này đến khi "đứa con" 18 tuổi nhưng tìm hiểu thấy chi phí cao vượt quá lương tháng của mình, Tiểu Đinh chỉ lên kế hoạch đến khi "sinh con". Tuy nhiên, Tiểu Đinh chia sẻ với Nhật báo Thanh Niên Bắc Kinh lo ngại của cô rằng xu hướng này sẽ không tồn tại lâu vì cốt truyện có thể nhàm chán và tẻ nhạt dần. Dẫu vậy, quá trình vẽ chuyện đã giúp cô hình thành thói quen tiết kiệm và ý thức tiết kiệm.Video chia sẻ cách để "nghỉ hưu sớm" của giới trẻ Trung Quốc.Hóa thân nhân vật hư cấuDiệp Diệp, sinh viên năm 2 đại học thì chọn hóa thân nhân vật trong phim truyền hình cổ trang. Cô chọn vào vai An Lăng Dung trong Chân Hoàn Truyện, một nhân vật có xuất thân nghèo khó, để phù hợp với mức chi tiêu của một sinh viên đại học.Cũng như Tiểu Đinh, Diệp Diệp viết ra các tình tiết trong kịch bản phim của mình, ví như An Lăng Dung phải chi tiền lộ phí để vào cung dự tuyển mất khoảng 35.000 đồng, chuẩn bị quà cáp cho người trong cung 18.000 đồng… Cứ như vậy, cô gái sinh năm 2004 chuyển số tiền tương ứng vào tài khoản tiết kiệm.Diệp Diệp đăng tải câu chuyện lên mạng xã hội và liên tục cập nhật để những người cùng tham gia thử thách theo dõi sát sao. Cô cho biết trước đây mình không có mục tiêu cụ thể, từ khi làm An Lăng Dung thì kiên trì để dành tiền hơn vì biết có nhiều người mong ngóng mình cập nhật tình hình. "Chúng tôi xưng hô với nhau như trong phim cổ trang, thật sự hóa thân vào những nhân vật đó" - Diệp Diệp chia sẻ.Những người tham gia thử thách này với Diệp Diệp phần lớn là sinh viên, nhân viên văn phòng không có gia thế hay ngoại hình xuất sắc. Họ cảm giác như nhìn thấy chính mình trong nhân vật và cùng nhau tiết kiệm tiền với hy vọng cả bản thân và nhân vật đều sẽ đổi đời.Một cư dân mạng khác thì vào vai công chúa đau khổ đến từ một đất nước bị chiến tranh tàn phá. Nhà vua là cha cô phải gửi cô ra nước ngoài để bảo vệ con gái khỏi cuộc xung đột. Mắc kẹt ở xứ lạ người xa, không tiền không danh phận, công chúa buộc dấn thân vào cuộc hành trình tự lực cánh sinh. Cuối cùng, cô nhận công việc bán thời gian là nhân viên KFC, nhận mức lương khởi điểm là 100.000 đồng. Như vậy, cô tiết kiệm được 100.000 đồng trong tài khoản tiết kiệm.Còn một blogger thì chọn làm bạn cùng lớp của Harry Potter, chia sẻ những cuộc phiêu lưu hằng ngày trong thế giới phù thủy. Cô kết thúc mỗi bài đăng bằng số tiền tiết kiệm được ngày hôm đó, chẳng hạn như 25.000 đồng để mua một cây đũa phép.Một bài viết về quá trình "tiết kiệm nhập vai": Hôm nay tôi sẽ là một phú bà.Giả vờ thành "phiên bản lý tưởng" của tương laiNhìn ba mẹ sống bình ổn với khoản lương hưu, nhân viên môi giới bảo hiểm Thư Minh, sinh năm 1996, nghĩ về tuổi già của mình và chủ động chuẩn bị nguồn thu nhập thụ động từ bây giờ.Bắt trào lưu "giả vờ", Thư Minh chọn xây dựng cốt truyện về một bà già cá tính, không con cái, chỉ nuôi một chú chó, đi du lịch, chơi mạt chược, trồng cây cảnh đúng như hình mẫu lý tưởng đời cô.Mơ ước được đến Vân Nam chơi, cựu nhân viên truyền thông vẽ cuộc sống nghỉ hưu tại đây với một loạt chi phí như 300.000 đồng mua giày thời trang người già, 70.000 đồng mua khăn lụa làm đạo cụ chụp ảnh, 180.000 đồng mua đồ du lịch cho chó và tiền cho dịch vụ chăm sóc người cao tuổi…Sau 50 ngày "diễn", cô tiết kiệm được khoảng 7 triệu đồng. Theo Thư Minh, tiết kiệm tiền là một việc gây nghiện, khi nhìn số tiền dần tích lũy ngày một nhiều, cô đã "nâng thử thách lên cao" để tiết kiệm được nhiều hơn.Thư Minh cho rằng mọi người ngày càng quan tâm đến việc quản lý tài sản, gửi tiết kiệm ít rủi ro hơn so với sự biến động của cổ phiếu hay quỹ đầu tư. Theo cô, điều quan trọng là lập kế hoạch khả thi, quản lý kỳ vọng tốt để giải quyết những lắng lo về tài chính.Hồi chuông cảnh báo suy thoái tiêu dùng ở Trung Quốc đã gióng khi giới trẻ vỡ mộng mau giàu, chắt chiu tiết kiệm chi tiêu. Chính phủ Trung Quốc sẽ còn nhiều việc phải làm để kéo "mood" 1/5 dân số trở lại tiêu dùng như trước đây.■ Săn sale, ngủ chùaJulienna Law - biên tập viên điều hành của Jing Daily, một cơ quan truyền thông tập trung vào xu hướng tiêu dùng - nhận xét: "Với sự gia tăng của nền kinh tế tằn tiện các hoạt động như ăn uống tại căng tin cộng đồng và mua sắm tại các cửa hàng đồ ăn nhẹ giảm giá đã trở thành chiến lược tiết kiệm tiền phổ biến".Đối với Catherine Lin, người làm việc tại một nhà sản xuất pin mặt trời ở thành phố phía đông Ninh Ba, việc săn hàng giá rẻ đã trở thành thói quen của cô, trong đó có cả bánh ngọt - món mà trước đây cô ít khi mua vì đắt và sợ tăng cân. Những hộp bánh ngẫu nhiên được bán thông qua ứng dụng WeChat có giá khoảng 56.000 đồng, trong khi bình thường giá đến 130.000 đồng.Law đánh giá sự thay đổi hành vi tiêu dùng đã và đang làm thay đổi thị trường khi các công ty như Pinduoduo, chuyên bán các sản phẩm giá rẻ, đang phất lên nhanh chóng. Các thương hiệu xa xỉ quốc tế thì hợp tác với các thương hiệu tầm trung tầm thấp cho ra đời các sản phẩm, dịch vụ nhắm đến người dùng không rủng rỉnh hầu bao.Trên dịch vụ đặt chỗ chia sẻ nhà Xiaozhu, lượt tìm kiếm từ "chùa chiền" của người dùng gen Z đã tăng gấp 24 lần trong giai đoạn Tết Nguyên đán 2024. Giới trẻ Trung Quốc đã chọn ở lại chùa thay vì ở khách sạn, vừa tiết kiệm vừa tịnh tâm.Một đêm ở chùa có thể tốn khoảng 280.000 đồng, bao gồm cả các buổi thiền vào sáng sớm. Shirley Zuo, một người trẻ bỏ việc vì bất định về tương lai, đã xin làm tình nguyện viên ở tu viện ở Trường An, miền bắc Trung Quốc một đêm hồi năm ngoái, "để suy nghĩ và xem liệu bản thân có thể tìm ra điều gì đó cho mình hay không". Tags: Trung QUốcGen ZNgười trẻTiết kiệmLối sống
Học toán trong thời đại AI: Ta cần nghĩ tới những điều mình có thể giúp người khác KHỔNG LOAN 19/12/2024 2011 từ
Tinh gọn bộ máy: Phải có 'đường chạy' nhất quán CAO VŨ MINH (TRƯỜNG ĐH KINH TẾ - LUẬT) 18/12/2024 1788 từ
Thuế nào chống đầu cơ bất động sản hiệu quả? TS Phan Phương Nam (Trường đại học Luật TP.HCM) 18/12/2024 1720 từ
Huế, Hà Nội lọt top 50 thành phố ẩm thực năm 2024 của TasteAtlas, TP.HCM 'rớt' đáng tiếc TÔ CƯỜNG 22/12/2024 Chuyên trang ẩm thực TasteAtlas vừa chốt danh sách 50 thành phố ẩm thực đáng trải nghiệm nhất thế giới, Việt Nam có đến hai địa danh lọt vào top.
Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến: Triển lãm quốc phòng là sự kiện đối ngoại lớn và quan trọng NAM TRẦN 22/12/2024 Thứ trưởng Bộ Quốc phòng nhận định qua triển lãm quốc phòng quốc tế đã thấy công tác chuẩn bị rất toàn diện, triển khai thực hiện rất bài bản, chuyên nghiệp.
Chi tiết toàn bộ bảng lương công chức áp dụng năm 2025 THÀNH CHUNG 22/12/2024 Dưới đây là chi tiết toàn bộ bảng lương công chức được áp dụng từ năm 2025. Bảng lương được tính theo mức lương cơ sở 2,34 triệu đồng/tháng.
Concert Sóng 25 có ăn theo các anh trai từ Trấn Thành đến HIEUTHUHAI? HOÀNG LÊ 22/12/2024 Lần đầu tiên Sóng - một chương trình truyền hình phát tối 30 đến qua giao thừa - tổ chức concert. Giá vé từ 2,5 đến 10 triệu đồng, khá 'cứng', lại còn vào thứ tư, có hạn chế?