Hầu hết các thiết bị điện tử như điện thoại di động đều có màn hình phát ra các dòng ánh sáng xanh, qua đó giúp hình ảnh trở nên rõ và sáng hơn bình thường. Ánh sáng xanh trong điện thoại ảnh hưởng giấc ngủ, gây mất ngủ hay ngủ không đủ giấc làm tăng nguy cơ mắc bệnh lý về tim mạch, đột quỵ...
Đa phần người bệnh mất ngủ khi đến bệnh viện thăm khám đều cho biết có liên quan đến việc sử dụng nhiều điện thoại, máy tính, tivi...
Thiếu ngủ vì lệ thuộc điện thoại
Bà P.T.H. (ngụ TP Thủ Đức, TP.HCM) cho biết bà khá lo lắng về tình trạng thức khuya, giờ giấc sinh hoạt đảo lộn của con mình khi lên đại học.
"Con trai tôi hiện đang là sinh viên năm cuối, áp lực học hành khiến con thường xuyên thức khuya. Con thức đến 1-2h sáng sử dụng thiết bị điện thoại, máy tính, học tập là chuyện bình thường. Mặc dù tôi đã nhắc nhở nhiều lần nhưng không được. Con lại giải thích đêm khuya thời gian yên tĩnh, tốt cho việc học. Tôi rất lo lắng cho sức khỏe của con", bà H. cho hay.
Tại TP.HCM, không khó để có thể bắt gặp những quán cà phê mở xuyên đêm dành cho các "cú đêm", phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí và làm việc. Trong đó, đặc biệt là giới trẻ làm việc xuyên đêm.
Bác sĩ Hoàng Tiến Trọng Nghĩa - trưởng khoa nội thần kinh, Bệnh viện Quân y 175 - cho hay tại phòng khám khoa nội thần kinh của bệnh viện ghi nhận hàng loạt bệnh nhân mất ngủ đến khám. Bệnh nhân mất ngủ chiếm gần 50% ở độ tuổi dưới 50, trong đó số người trẻ dưới 30 tuổi chiếm khoảng 15%.
Qua tìm hiểu nguyên nhân thường gặp là do rối loạn lo âu, làm việc ca đêm gây rối loạn sinh hoạt và "vệ sinh giấc ngủ" kém.
"Hiện tại các thiết bị di động gần như là vật bất ly thân đối với người trẻ do nhu cầu trong đời sống, làm việc, học tập và giải trí. Khi hỏi ra, tất cả người bệnh mất ngủ đều có sử dụng điện thoại đêm. Vấn đề chính là việc sử dụng thiết bị di động trên giường trước khi đi ngủ", bác sĩ Nghĩa cho hay.
Tăng nguy cơ đột quỵ và nhiều bệnh khác
Bác sĩ Trọng Nghĩa cho biết thêm cơ thể sẽ bắt đầu đi ngủ khi não phóng thích ra melatonin (một loại hormone gây buồn ngủ). Quá trình phóng thích này được kiểm soát chặt chẽ bởi "công tắc" là ánh sáng. Trước khi đi ngủ hoặc ngủ không được, nhiều người trẻ có thói quen sử dụng điện thoại.
Tuy nhiên làm như trên vô tình làm cho "công tắc" luôn ở chế độ đóng, giảm lượng melatonin tiết ra và khiến việc đi vào giấc ngủ càng khó khăn hơn.
Khi thức khuya kéo dài khiến cơ thể luôn trong tình trạng thiếu ngủ sẽ phản ứng lại vào buổi sáng hôm sau như: cảm thấy buồn ngủ, ngáp liên tục, nhức mỏi mắt, mệt mỏi hoặc thiếu tỉnh táo, dễ cáu gắt, hay quên và dễ mất tập trung.
Bác sĩ Võ Văn Tân - trưởng khoa nội thần kinh, Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TP.HCM) - cho biết tại bệnh viện thường xuyên tiếp nhận người trẻ dưới 30 tuổi đến khám vì mất ngủ, đa phần khi hỏi đều cho biết có tiếp xúc với thiết bị điện tử.
Việc ngủ không đủ giấc, mất ngủ sẽ gây ra rất nhiều hệ lụy với sức khỏe như làm suy giảm hệ thống miễn dịch của cơ thể, tăng nguy cơ tai nạn trên đường di chuyển, mất tập trung, năng suất làm việc giảm...
Theo bác sĩ Tân, việc ngủ không đủ giấc còn làm tăng nguy cơ bị trầm cảm, lo âu, tâm trạng căng thẳng, hay cáu gắt và làm tăng tần suất sử dụng các chất kích thích như cà phê, thuốc lá để thức khuya.
Ngủ bao nhiêu giờ là phù hợp?
Bác sĩ Trọng Nghĩa cho hay hầu hết các chuyên gia và hiệp hội y học giấc ngủ đều khuyến cáo thời gian ngủ ban đêm trung bình khoảng 7-9 giờ tùy vào nhu cầu của mỗi cá nhân. Khi ngủ đủ thời gian này sẽ đem lại rất nhiều lợi ích cho sức khỏe. Chẳng hạn như khi ngủ đủ giấc như trên sẽ giúp cải thiện sự tập trung và trí nhớ khi học tập, làm việc.
Ngủ đủ giấc cũng giúp duy trì cân nặng ở mức khỏe mạnh, nếu thức khuya nhu cầu năng lượng trong ngày sẽ gia tăng, khiến cơ thể dễ đói, lựa chọn thức ăn nhiều năng lượng hơn để bổ sung, làm rối loạn chuyển hóa trong cơ thể. Ngoài ra, ngủ đủ giấc giúp bảo vệ tim mạch, tăng cường miễn dịch, giảm lo âu căng thẳng.
Tương tự, bác sĩ Võ Văn Tân cũng cho hay người trưởng thành trung bình nên ngủ từ 7-8 tiếng, đối với trẻ em tùy theo lứa tuổi, thường độ tuổi tiểu học ngủ từ 10-12 tiếng, từ cấp II trở lên ngủ 8-10 tiếng, người lớn tuổi trung bình từ 7 tiếng.
Ngủ nhiều có ảnh hưởng sức khỏe?
Bác sĩ Đoàn Văn Anh Vũ - khoa nội thần kinh, Bệnh viện Quân y 175 - cho hay nếu ngủ quá nhiều cũng gây nhiều hậu quả nghiêm trọng, đặc biệt khi ngủ quá nhiều vào ban ngày.
Một số nghiên cứu cho thấy ngủ quá nhiều sẽ tăng nguy cơ bệnh đái tháo đường và béo phì, đau đầu và đau lưng hơn so với người ngủ đủ giấc. Bên cạnh đó, người ngủ quá nhiều dễ mắc bệnh tim mạch hơn và một số bệnh lý tâm thần như trầm cảm.
Thực hiện "vệ sinh giấc ngủ"
Bác sĩ Đoàn Văn Anh Vũ - khoa nội thần kinh, Bệnh viện Quân y 175 - cho hay để có thể ngon giấc, chúng ta có thể thực hiện "vệ sinh giấc ngủ" bằng những việc như sau: hoạt động thể dục thể thao 4 đến 6 giờ trước khi đi ngủ, tránh hoạt động nặng trước khi ngủ 2 giờ, tạo môi trường ngủ yên lặng, tối và mát mẻ khoảng 25 độ C.
Ngoài ra, giường ngủ và gối phải thoải mái nhất có thể cho việc đi ngủ, hạn chế uống rượu bia gần thời điểm lên giường đi ngủ, hạn chế uống cà phê, sử dụng chất kích thích, nước tăng lực hay hút thuốc lá vào buổi chiều.
Bên cạnh đó, trước khi đi ngủ có thể thực hiện các hoạt động im lặng như đọc sách.
Đặc biệt, tránh sử dụng các thiết bị tạo nên ánh sáng như máy tính hay điện thoại di động trước khi đi ngủ hoặc giữa đêm. Tránh ăn quá nhiều vào buổi chiều nhưng không để đói bụng vào đêm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận