Thị trường lao động đang "nóng" dần lên. Doanh nghiệp tăng tốc sản xuất kinh doanh trở lại, thông tin tuyển dụng khắp nơi song lại khó tìm nhân sự. Và người lao động, trong đó khá đông các bạn gen Z, đang đứng trước cơ hội rộng mở để tìm cho mình công việc phù hợp.
Nhiều bạn ra trường rải hồ sơ xin việc như phát tờ rơi quảng cáo nhưng cũng không ít bạn đã được doanh nghiệp "chấm" ngay khi còn chưa tốt nghiệp.
Có ý kiến cho rằng với gen Z, bây giờ không phải xin mà là tìm việc. Bởi điều ấy với nhóm lao động này không quá khó, chỉ là có chọn đúng công việc phù hợp và như kỳ vọng hay không.
Rải CV tìm việc, tăng tỉ lệ đậu
Phạm Xuân Hạ (23 tuổi, nhân viên marketing, ở Hà Nội) cho biết bạn vừa được nhận vào công ty sau hành trình rải gần 30 bộ CV (hồ sơ tuyển dụng).
Có chút kinh nghiệm, cô bạn ưu tiên tìm việc trên TopCV, Linkedln, VietnamWorks và cả lùng sục Facebook. Chờ một thời gian, cuối cùng Hạ được một công ty du lịch ký hợp đồng vị trí biên tập viên nội dung, thiết kế ảnh, lên lịch trình cho du khách.
"Tôi chọn lọc khoảng 15 công ty tiềm năng nhất rồi đi phỏng vấn, tránh chờ đợi mất công. Cứ ưu tiên công ty cỡ vừa, mức lương tầm 10 triệu đồng/tháng là phù hợp năng lực, định hướng tương lai" - Hạ nói về tiêu chí chọn việc của mình.
Là gen Z song Hạ không thích nhảy hay nghỉ việc nhanh với những lý do kiểu như không phù hợp môi trường làm việc, không hài lòng mức lương hay đồng nghiệp. Cô nói nhiều bạn lứa tuổi mình cứ stress, áp lực tí là chọn nghỉ việc chứ không như các thế hệ trước cần suy tính nhiều. Họ không ngại, luôn sẵn sàng tìm việc mới.
Các công ty đều đòi kinh nghiệm và kỹ năng giao tiếp. Nhiều bạn nộp đơn sẽ được nhận làm thực tập sinh vừa học vừa làm, công ty mất thời gian đào tạo cũng như trả lương. Những điều này, theo Hạ, là cần thiết để người mới bắt nhịp với công việc nhanh hơn, cả yêu cầu về ngoại ngữ.
"Tìm được việc phù hợp không dễ dù nhiều cơ hội. Nên nhà trường làm cầu nối với các doanh nghiệp đang có nhu cầu tuyển dụng để hỗ trợ sinh viên ngay khi thực tập. Song song đó đầu tư đào tạo ngoại ngữ, kỹ năng để hỗ trợ tốt hơn cho sinh viên chuẩn bị ra trường" - Hạ nói.
Chưa ra trường, công ty đã "đặt gạch"
Nguyễn Thế Thành (23 tuổi, lớp tự động hóa công nghiệp Trường cao đẳng Công nghiệp Bắc Ninh) hồ hởi khoe đã được Công ty TNHH Goertek Vina "chấm". Tức ngay khi tốt nghiệp là đi làm ngay với mức lương khá kèm thưởng và các chế độ khác. Trong khi nhiều bạn cùng lớp giờ mới đến kỳ thực tập thì Thành đã có cả năm vừa làm vừa học ở doanh nghiệp.
Thành kể đã quen với công việc khá đa dạng, từ đấu nối thiết bị cho tới lập trình robot. Lúc học, bạn chỉ nắm nguyên lý, kết cấu, hướng dẫn chung nhưng vào doanh nghiệp mọi thứ khác hoàn toàn nên phải tích lũy, học hỏi thêm.
Hoàn thành nghĩa vụ quân sự, Thành mới tiếp tục học nên trễ hơn bạn cùng lớp 2 tuổi. Nhưng chính môi trường quân ngũ giúp cậu rèn tính kiên trì, cố gắng đạt mục tiêu, cả quyết định chọn học nghề để nhanh đi làm rồi sẽ học liên thông sau. Anh chàng khoe cũng tìm hiểu, quan sát ở công ty, ai có năng lực đều được cất nhắc đưa đi học nước ngoài.
Với Thành, tìm việc không khó, chỉ là có tìm được công ty phù hợp không. Người nhận việc cũng phải làm hết trách nhiệm, nhất là cho thấy sự nỗ lực thì khả năng tiến xa trong tầm tay.
"Công ty còn dạy tiếng Trung, kỹ năng mềm, đảm bảo an toàn. Ở đây biết tiếng Trung sẽ có cơ hội rất tốt vì đa số kỹ sư đều là người nước ngoài, giao tiếp được sẽ học thêm nhiều cái mới mà công việc cũng thuận lợi hơn" - Thành kể.
Học hành bài bản, lương gấp đôi ba lần
Chị Nguyễn Thị Vân Anh (32 tuổi, tổ trưởng sản xuất xưởng F16, Công ty TNHH công nghệ chính xác Fuyu, Foxconn tại Việt Nam) nói rất mong công ty tuyển thêm nhiều nhân sự trẻ. Nhưng chị khuyên chính các bạn phải xác định tâm thế đi làm cần nỗ lực, chịu khó, học thêm ngoại ngữ.
Đây chính là kinh nghiệm cá nhân vì từ vị trí công nhân phổ thông, chị lên đến vị trí hiện tại sau 14 năm phấn đấu. "Công ty cho tôi đi nước ngoài đào tạo để về làm quản lý. Các bạn trẻ có điều kiện nên đi học để tích lũy kiến thức. Khi học hành bài bản, cơ hội thăng tiến luôn rộng mở, kinh tế tốt hơn, lương thưởng gấp 2 - 3 lần" - chị Vân Anh chia sẻ.
Trang bị kỹ năng, cạnh tranh sòng phẳng với ứng viên khác
Ông Vũ Quang Thành - phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội - cho rằng ngoài lao động phổ thông, thời vụ, nhiều doanh nghiệp tiếp tục có nhu cầu tuyển nhân lực lành nghề, có kinh nghiệm.
Các bạn trẻ cần tìm hiểu kỹ đơn vị mình định ứng tuyển xem có uy tín không, điều kiện làm việc có đúng theo hợp đồng hay không. Khi dự phỏng vấn, các bạn cần cho nhà tuyển dụng thấy thái độ tự tin, sự bình tĩnh của mình. Đồng thời trao đổi thẳng thắn về yêu cầu công việc, mức lương, đãi ngộ.
"Nếu chưa tìm được công việc phù hợp, người lao động có thể tìm kiếm, ứng tuyển các vị trí, nơi làm việc khác. Quan trọng là phải chủ động tìm hiểu yêu cầu của doanh nghiệp và tự trang bị kiến thức, các kỹ năng giao tiếp, quản lý thời gian, làm việc nhóm để nâng khả năng cạnh tranh của bản thân khi bước vào thị trường lao động" - ông Thành gợi ý.
(còn tiếp)
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận