Tuổi Trẻ khảo sát và lắng nghe ý kiến của các sinh viên đại học về phim kinh điển Việt Nam. Họ nêu thực trạng rất khó tìm phim kinh điển Việt bản đẹp, có bản quyền mà chỉ có những bản chất lượng thấp, trích đoạn nhỏ lẻ trên YouTube, TikTok...
Chị Tư Hậu, Cánh đồng hoang... là tượng đài
Khảo sát 150 sinh viên khoa báo chí và truyền thông (Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM), Tuổi Trẻ ghi nhận 76% số lượng sinh viên từng xem 1, 2 bộ phim kinh điển Việt Nam; 7% từng xem trên 3 phim; và 17% chưa xem phim nào. Có thể thấy nhiều người trẻ vẫn xem phim kinh điển.
Đông Khánh (26 tuổi, TP Thủ Đức) cho biết: "Nhờ công việc, tôi được xem một số bộ phim ngày xưa của Việt Nam. Chỉ cần nghe đến tên phim là tôi nhớ đến hình ảnh, chi tiết đắt giá.
Chẳng hạn như phim Chị Tư Hậu, dù bị giặc càn quét, cưỡng hiếp, đau khổ, nhưng chị Tư Hậu đã quyết định không tự tử. Bản năng làm mẹ khiến chị mạnh mẽ, tham gia du kích, cùng đánh giặc để trả thù.
Hay phim Cánh đồng hoang, chi tiết hai vợ chồng dùng túi ni lông cột vào đầu đứa con nhỏ để lặn xuống đầm lầy trốn máy bay giặc. Hay phim Hà Nội 12 ngày đêm, chi tiết chiến sĩ bỏ đi giữa đám tang cha để đi bắn máy bay B52...
Những câu chuyện, bối cảnh, diễn xuất của các diễn viên đã trở thành tượng đài. Đây là những bộ phim không chỉ mang giá trị nghệ thuật mà còn lưu giữ trong đó cả một thời lịch sử hào hùng của dân tộc".
Như Hà (23 tuổi, quận Bình Thạnh) chỉ vô tình xem qua một vài phim kinh điển nhân dịp lễ 30-4. Những bộ phim này để lại ấn tượng sâu sắc cho cô.
Như Hà chia sẻ: "Theo tôi, phim xưa phản ánh chân thực sự chia ly, tình người, lòng yêu nước. Các phim này có giá trị nhân văn và gắn liền với lịch sử. Người thời bình xem thấy thấm hơn về sự tàn khốc của chiến tranh, thấy biết ơn, quý nền độc lập hòa bình hơn.
Những bộ phim quá chân thực khiến tôi bị ám ảnh, buồn nhiều ngày. Điều này làm cho phim kinh điển có vị trí riêng, đặc biệt là ở cách kể chuyện".
Khi phim kinh điển Việt chỉ thấy trên YouTube, TikTok...
Nói về giá trị của phim kinh điển trong lớp trẻ, Trang Phan (23 tuổi, quận Bình Thạnh) cho hay: "Đâu phải lúc nào người trẻ cũng thích xem phim hiện đại. Có lúc tôi muốn coi phim lịch sử, nhất là vào dịp lễ như 30-4 hay 2-9. Vào những dịp đó, tôi tìm xem phim cách mạng, phim lịch sử vì sự sâu lắng".
Tuy nhiên, một số bạn trẻ nêu thực trạng rất khó tìm bản phim kinh điển Việt chất lượng cao.
Trên TikTok, trích đoạn nhiều phim kinh điển Việt như Cánh đồng hoang, Chị Dậu, Bao giờ cho đến tháng mười... được đăng lên với chất lượng rất thấp. Một số phim được đăng trên YouTube với chất lượng khá mờ.
Về mong muốn đối với di sản phim kinh điển Việt Nam, hầu hết sinh viên được hỏi cho rằng nên có biện pháp lưu trữ và bảo tồn, không thể để mai một.
Bạn Đông Khánh nói: "Hiện nay, vẫn có nhiều bộ phim tôi muốn xem lại nhưng không tìm thấy ở bất cứ đâu. Nếu không lưu trữ và bảo quản phim, những người trẻ không có cách nào để xem và tự hào hay giới thiệu với bạn bè. Nếu được xem phim kinh điển, rất có thể họ sẽ thêm hiểu và yêu lịch sử Việt Nam".
Đạo diễn ĐÀO BÁ SƠN:
Dạy điện ảnh trong trường phổ thông
Theo tôi, đưa phim di sản nhà nước đến với khán giả trẻ thông qua các trường học sẽ hiệu quả hơn. Tôi đang giảng dạy ở Trường đại học Sân khấu Điện ảnh TP.HCM và một trường tư thục.
Ở những trường có dạy môn nghệ thuật đều có buổi chiếu và phân tích các phim hay ngày xưa. Điều này nằm trong các môn học của các bạn sinh viên.
Thật sự những tiết học như vậy rất sôi nổi, các em sinh viên quan tâm đến phim, đặt nhiều câu hỏi, bình luận.
Nhưng rõ ràng chúng ta còn bỏ trống việc quảng bá giới thiệu di sản phim đến các học sinh trung học phổ thông, trung học cơ sở. Ở các trường trung học, việc dạy nghệ thuật chủ yếu các môn liên quan nhiều đến văn học, thi ca, chứ chưa chú ý đến nghệ thuật nghe nhìn. Điều này là thiếu sót.
Tôi nghĩ các em học sinh cần được tiếp cận sớm những bộ phim truyện quý này để hiểu thêm xã hội, học được nhiều điều bổ ích về chân thiện mỹ. Việc xem và phân tích một bộ phim giá trị cũng là một cách giúp các môn học về lịch sử, đạo đức… hấp dẫn hơn.
Hoàng Lê ghi
Nhà quay phim NGUYỄN HỮU TUẤN:
Di sản lớn như điện ảnh mà không thấy thì cũng lạ
Quan sát cách đối xử với di sản điện ảnh ngày hôm nay, tôi chẳng bi quan, mà tôi tuyệt vọng.
Thời đại của tôi, làm phim thế nào cũng có khán giả. Nhiều khi, người làm phim có hơi vô trách nhiệm thì khán giả cũng vẫn đón chờ.
Nội dung duyệt gắt gao chứ kỹ thuật thì chúng tôi được toàn quyền tự do. Với mỗi bộ phim, tôi đều tranh thủ thử nghiệm một kỹ thuật mới, làm một kiểu ánh sáng riêng, chuyển động máy riêng.
Có khi tôi quá chán tỉ lệ khuôn hình truyền thống thì tôi "bịa" ra một tỉ lệ mới. Trông thế chứ đó cũng là một cách mạng to với nhóm kỹ thuật hình, nhóm in tráng hay đội chiếu bóng sau này. Vì ví dụ tôi làm tỉ lệ 1: 1,70 thì máy chiếu nào theo được?
Ngày xưa, chắc phần đông chẳng ai nghĩ làm phim để đời hay làm phim thành di sản cho muôn đời sau. Điện ảnh lúc đó được phân công bám sát từng giai đoạn.
Giai đoạn lịch sử nào có nhiệm vụ chính trị đó, chẳng mấy khi nghĩ về sự lâu dài. Hôm nay vận động kinh tế miền núi thì mình làm phim về kinh tế miền núi, thời gian sau chính sách ấy sai sai rồi thì thôi, phim cất đi không chiếu nữa. Ta lại làm phim về đề tài mới.
Nhưng rõ ràng làm phim dù chỉ với mục tiêu ngắn hạn thì cũng tạo ra các dấu ấn "để đời". Ví dụ phim Đến hẹn lại lên đi, nói quan họ mở mày mở mặt sau khi phim ra mắt quả không ngoa. Cô Nết (Như Quỳnh đóng) lập tức thành di sản.
Từ đó đến nay, cô Như Quỳnh có đi đâu người ta cũng bảo đó là cô Nết. Cô Nết thành một biểu tượng đi vào đời sống. Tạo nên di sản thì đã tạo rồi, nhưng giữ và bảo vệ mà không thực hiện ngay, di sản có đi vào đời sống bao lâu rồi cũng mất.
Di sản bé còn xé ra to được, mà di sản lớn như điện ảnh nếu chẳng nhận thấy thì cũng lạ. Nhưng mà nhận thấy rồi thì phải bảo vệ, chứ di sản mà không bảo vệ thì chịu. Chẳng mấy chốc mà tan tành mây khói, vật thể không còn và cả phi vật thể cũng biến mất.
Phải có ý thức, ý thức đó phải là tâm tính con người. Chứ người quản lý điện ảnh mà không ở trong điện ảnh, không hiểu, không biết, không muốn nhìn lâu dài, còn người thực thi thì ít, khó khăn, tiền không có... thì bảo vệ làm sao?
Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp ghi
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận