Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa có báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội năm 2023 và dự kiến kế hoạch năm 2024 nhằm phục vụ cho phiên họp thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội diễn ra sáng nay 27-9.
Nhiều chỉ số phục hồi theo từng tháng
Báo cáo tiếp tục nhấn mạnh "phấn đấu đạt mức cao nhất" về tăng trưởng GDP, bất chấp bối cảnh tăng trưởng thấp ở nhiều nước và kinh tế Việt Nam chịu tác động do độ mở lớn.
Tuy vậy, việc không điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng được nhìn nhận do triển vọng GDP đã "sáng hơn". Bằng chứng là GDP 6 tháng đầu năm đạt 3,72%, trong đó quý 2 đạt 4,14%, cao hơn quý 1 là 3,28%, nhiều ngành có xu hướng phục hồi.
Trong đó, nông nghiệp tiếp tục là bệ đỡ, với tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản 8 tháng đầu năm đạt 33,21 tỉ USD, với mức tăng trưởng ước đạt 3,34-3,51%. Khu vực dịch vụ phục hồi nhanh sau đại dịch, ước cả năm tăng 6,31-6,95%.
Chỉ số sản xuất (IIP) toàn ngành công nghiệp tháng 8 ước tính tăng 2,9% so với tháng trước. Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 8 vượt trên 50 điểm, lần đầu tiên kể từ tháng 3 đến nay, cho thấy sản xuất được mở rộng với số lượng đơn hàng mới và sản lượng tăng trở lại.
Đáng chú ý, ba trụ cột lớn là xuất khẩu, đầu tư và tiêu dùng được Chính phủ liên tục chỉ đạo dành nguồn lực thúc đẩy đã phát huy vai trò.
Kim ngạch xuất nhập khẩu tháng sau cũng duy trì xu hướng tăng.
Hoạt động đầu tư tiếp tục tăng khá khi nhiều dự án trọng điểm được khởi công, đẩy nhanh tiến độ. Đến hết tháng 8, giải ngân đầu tư công đạt 42,35% kế hoạch, cao hơn cùng kỳ năm 2022 là 39,15%.
Nguồn vốn này cung ứng một lượng vốn lớn ra nền kinh tế, giải quyết đầu ra cho nhiều ngành, tạo việc làm, hỗ trợ tăng trưởng…
Dù vậy, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá mức tăng trưởng trong năm nay 6,5% là thách thức không nhỏ, nếu không có những giải pháp có tính đột phá cao.
Trọng tâm vẫn là tiếp tục hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn doanh nghiệp, triển khai chính sách kích cầu tiêu dùng, kết nối cung cầu hàng hóa, thúc đẩy du lịch, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu và đẩy nhanh tiến độ các dự án giao thông trọng điểm…
Xuất khẩu, đầu tư, tiêu dùng là động lực
Đại biểu Quốc hội Trần Anh Tuấn (đoàn TP.HCM) cho rằng tình hình thế giới vẫn diễn biến phức tạp, tiêu dùng thế giới và các thị trường lớn giảm mạnh, khiến tổng cầu đi xuống.
Tuy vậy, đơn hàng nhiều lĩnh vực xuất khẩu chủ lực (dệt may, công nghiệp chế biến chế tạo, gỗ) đã dần phục hồi dù ở mức chậm.
"Những yếu tố này ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế nói chung. GDP nửa đầu năm đạt 3,72% nên nửa cuối năm phải tăng trưởng rất cao và khó đạt mục tiêu năm nay là 6,5%" - ông Tuấn nhận định.
Ông Tuấn nói tiêu dùng thực sự là động lực tăng trưởng, bù đắp cho mức giảm chung. Đặc biệt, tiêu dùng nội địa bước đầu phục hồi nhờ chính sách tiền tệ linh hoạt như giảm lãi suất, từ đó kích cầu sản xuất.
Hay với xuất khẩu, kết quả có được là nhờ việc Chính phủ rất năng động tìm thị trường mới như Nam Mỹ, Trung Đông, châu Phi… để bổ sung cho suy giảm cầu của các thị trường xuất khẩu truyền thống (Mỹ, EU, Nhật).
Nhiều tổ chức dự báo GDP có nhiều triển vọng hơn
Ngân hàng Standard Chartered dự báo tăng trưởng GDP quý 3 của Việt Nam sẽ đạt 5,1%, tăng so với mức 4,1% trong quý 2, đồng thời giữ nguyên dự báo tăng trưởng GDP cả năm 2023 ở mức 5,4%.
Trong khi đó, Ngân hàng UOB của Singapore dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam quý 3 là 5,6% và bật tăng lên 7,6% trong quý 4.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2024, dự kiến mức tăng trưởng GDP khoảng 6-6,5%; GDP bình quân đầu người đạt khoảng 4.700 - 4.730 USD.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận